Xuất Hiện Bệnh Lạ Trên Cây Ngô Phía Bắc
Triệu chứng của bệnh bước đầu được ghi nhận là: cây lùn thấp; các lá xếp sít lại hình rẻ quạt, có màu xanh đậm và co nhăn; cây xiêu vẹo, đổ nghiêng trên ruộng.
Những cây bị nặng không phát triển được và chết dần, cây bị nhẹ vẫn phát triển nhưng rất chậm
* Chưa tìm ra nguyên nhân
Theo Cục BVTV, từ vụ đông 2013, hiện tượng lùn cây ngô bắt đầu xuất hiện rải rác tại Nghệ An, chủ yếu là trên ngô lai ở giai đoạn 5-7 lá, trong đó có những cây bị nặng không phát triển được và chết dần, những cây bị nhẹ phát triển rất chậm.
Tiếp theo Nghệ An, nhiều địa phương tại phía Bắc như Cao Bằng, Hòa Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa... cũng đã phát hiện bệnh này.
Triệu chứng của bệnh bước đầu được ghi nhận là: cây lùn thấp; các lá xếp sít lại hình rẻ quạt, có màu xanh đậm và co nhăn; cây xiêu vẹo, đổ nghiêng trên ruộng. Triệu chứng của bệnh thể hiện rõ nhất ở giai đoạn 5-7 lá.
Những cây bị nặng không phát triển được và chết dần, cây bị nhẹ vẫn phát triển nhưng rất chậm, thân lóng sít, đến giai đoạn xoắn nõn – trổ cờ lá ngọn không bung được và thối ngọn. Ngoài ra, khi điều kiện ẩm, ướt bẹ, lóng thân sát gốc có hiện tượng thối và tiết ra dịch màu vàng, lõi cây ngô chuyển màu thâm đen.
Trước hiện tượng bệnh lạ xuất hiện trên cây ngô, thời gian qua, nhiều đơn vị như Trung tâm Giám định Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV), Viện BVTV, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo vệ sức khỏe cây trồng vật nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam)... đã tiến hành lấy mẫu giám định nhưng đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện thấy sinh vật gây ra hiện tượng trên.
Tháng 2/2014, Cục BVTV đã tiếp tục lấy mẫu ngô bị bệnh (giống ngô CP3Q) tại Nghệ An gửi giám định tại Tổ chức CABI (Vương quốc Anh) và kể cả các trung tâm giám định uy tín tại Trung Quốc nhưng đều chưa xác định được chính xác về sinh vật gây ra hiện tượng này.
Ông Ngô Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, hiện tượng lùn cây ngô đã bắt đầu xuất hiện rải rác từ 2-3 năm nay tại các tỉnh phía Bắc. Đến thời điểm này, đã có khoảng hơn 1.000 ha ngô tại các tỉnh phía Bắc xuất hiện bệnh lạ này. Tuy nhiên ông Dũng cho biết tỷ lệ cá thể nhiễm bệnh không lớn, chỉ rải rác thành từng đám với từ 2-10% cá thể nhiễm bệnh.
Qua theo dõi giám sát diễn biến của bệnh, chưa có bằng chứng thấy bệnh biểu hiện lây lan mà chỉ xảy ra cục bộ. Mặc dù hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên căn cứ vào các triệu chứng, Cục BVTV nhận định, bệnh có thể do vi khuẩn hoặc do tác động của thuốc trừ cỏ gây ra. Các chuyên gia của Tổ chức CABI cũng nhận định nhiều khả năng bệnh do vi khuẩn. Các nguyên nhân về virus và kỹ thuật canh tác đã được loại trừ.
Trong khi chưa có kết quả giám định chính xác về nguyên nhân gây ra hiện tượng này, vừa qua, Cục BVTV đã có văn bản đề nghị Chi cục BVTV các tỉnh, thành phố phía Bắc triển khai thực hiện một số biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại của hiện tượng lùn cây ngô, cụ thể:
- Tăng cường kiểm tra, giám sát đồng ruộng tại các vùng trồng ngô để kịp thời phát hiện hiện tượng lùn cây ngô, đồng thời theo dõi thống kê mức độ phát sinh gây hại cũng như diễn biến của bệnh.
Cụ thể, thống kê diện tích nhiễm bệnh đối với từng huyện và toàn tỉnh (theo ngưỡng tạm tính) theo phương pháp: Tính tổng diện tích xuất hiện bệnh; diện tích phát sinh rải rác có số cây nhiễm bệnh chiếm dưới 2,5% số cây; diện tích nhiễm nhẹ có số cây nhiễm bệnh chiếm từ 2,5 – 5%; diện tích nhiễm trung bình từ 5-10% số cây; diện tích nhiễm nặng trên 10% số cây và diện tích mất trắng chiếm trên 70% số cây.
Đi đôi với công tác rà soát thống kê, đề nghị Chi cục BVTV các tỉnh có đánh giá, nhận xét sơ bộ về các yếu tố chính ảnh hưởng đến phát sinh, gây hại của hiện tượng lùn cây ngô như: loại giống, xuất xứ của giống, thời vụ, thời tiết, phân bón...
- Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm những cây ngô có triệu chứng, đồng thời tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy những cây bị bệnh nặng, tăng cường chăm sóc tạo điều kiện cho cây còn lại sinh trưởng phát triển tốt.
Đối với các ruộng ngô bị hại nặng không có khả năng thu hoạch, cần tiêu hủy toàn bộ và tiến hành trồng lại nếu còn kịp thời vụ, hạn chế gieo trồng những giống ngô đã xác định bị bệnh hại nặng.
- Phát hiện sớm và quản lí chặt chẽ các loài bọ cánh cứng ăn lá (bọ nhảy) và các loại côn trùng hại ngô.
Phối hợp với Trung tâm BVTV vùng để lấy mẫu cây mới bị bệnh và có triệu chứng điển hình, gửi đi giám định xác định tác nhân gây bệnh. Đồng thời, thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện về Cục BVTV để kịp thời báo cáo Bộ NN-PTNT có giải pháp xử lí.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản ở Bến Tre ngày càng phát triển theo hướng da dạng hóa đối tượng nuôi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt các chứng nhận như: Global Gap, Viet Gap, ASC, MSC… Tuy chưa nhiều, nhưng hướng đi này được xem là phù hợp với yêu cầu của sự phát triển bền vững.
Vào những tháng mùa mưa, người dân khai thác nguồn cá non để bán ở các chợ. Còn mùa khô, khi nước trên các cánh đồng rút cạn thì cá nước ngọt tập trung ở các tuyến kênh, rạch mương, ao. Đây cũng là lúc người dân sử dụng các loại dụng cụ tự chế như cào điện, xiệc điện, các loại lưới có mắt lưới nhỏ, đặt vó… để đánh bắt nguồn cá này.
Do nguồn nước đầm Thị Nại bị ngọt hóa nên vụ nuôi tôm năm nay đến hết tháng 4.2015 huyện Tuy Phước (Bình Định) mới cơ bản thả xong tôm giống vào nuôi trên diện tích 965 ha, muộn hơn 1 tháng so với lịch thời vụ.
Xuất khẩu khó khăn, giá nguyên liệu tôm và cá tra xuống thấp cùng với dịch bệnh trên tôm hoành hành từ đầu năm tới nay khiến cho nông dân cắt giảm diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản. Do vậy, nhiều doanh nghiệp lo lắng về khả năng thiếu nguồn nguyên liệu thủy sản xuất khẩu vào quí 3 sắp tới.
Ngành chức năng cho biết sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trong tháng 4 đạt khoảng 46.000 tấn, giảm hơn so tháng trước đến 4%. Cụ thể, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 28.000 tấn, giảm gần 3,5% so tháng trước. Sản lượng khai thác biển đạt khoảng 18.000 tấn, mặc dù giảm hơn 5% so với tháng trước nhưng lại tăng cao hơn so với cùng kỳ đến khoảng 20%.