Tôm Chết, Người Nuôi Tôm Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Lao Đao
Tính đến cuối tháng 3-2014, chỉ riêng 3 tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Cà Mau, Sóc Trăng và Trà Vinh đã có trên 5.000 héc ta tôm nuôi bị thiệt hại. Tỉnh Sóc Trăng bị nặng nhất với hơn 30% diện tích tôm thả nuôi đã thất bại hoàn toàn.
Nắng nóng, tôm chết
Diện tích tôm nuôi ở Sóc Trăng bị thiệt hại trong quý 1 đã vượt con số 2.300 hécta. Hàng ngàn chòi canh tôm nằm rải rác ở các vùng nuôi vừa mới xôn xao ngày thả giống hôm nào, giờ trở nên trống vắng. Tại thị xã Vĩnh Châu, tình trạng tôm chết đã xảy ra trên 1.600 héc ta ao nuôi, làm cho nhịp sống tại đơn vị hành chính cấp thị xã này chậm lại đôi phần.
Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi tôm Mỹ Thanh, ông Nguyễn Văn Nhiệm nói buồn, “hơn phân nửa diện tích tôm nuôi ở Vĩnh Châu hồi năm ngoái chết thành dịch, thiệt hại ước khoảng trên 110 tỉ đồng. Năm nay người nuôi làm ao đàng hoàng, chăm sóc kỹ lưỡng hơn nhưng tôm cũng đã chết trên 1.600 héc ta.”
Cùng thời điểm nêu trên, hơn 2.200 héc ta tôm của nông dân tỉnh Cà Mau cũng chết lần chết hồi, khi tiến độ thả tôm giống mới đạt được hơn 25.200 héc ta. Còn tại tỉnh Trà Vinh, hơn 1.800 héc ta tôm thẻ vừa thả con giống trong ba tháng nay, diện tích tôm chết lũy kế đã gần 320 héc ta (hơn 17%), tính tới cuối tháng 3.
Nguyên nhân tôm chết được các nhà quản lý, cơ quan nghiên cứu nhận định: ĐBSCL đang trong đợt cao điểm nắng nóng của mùa khô, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, môi trường vùng nuôi ô nhiễm với nhiều mức độ khác nhau… Chung qui lại, tôm chết được xác định do các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy (hội chứng chết sớm – PV).
Biện pháp cứu vãn của các nhà quản lý đưa ra trong lúc này - cũng giống như bao lần trước, là yêu cầu người nuôi tôm xử lý tốt môi trường vùng nuôi đã nhiễm dịch hại; tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ của từng địa phương; kiểm tra chất lượng con giống trước khi chọn và chỉ nên thả tôm giống theo các chỉ tiêu môi trường ao nuôi được khuyến cáo.
Từng là tỷ phú phất lên từ nghề nuôi tôm ở xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh), ông Hồ Văn Tâm cho rằng, muốn nuôi tôm ít nhất phải đảm bảo 4 yếu tố quan trọng: nhất giống (con giống), nhì môi (môi trường), tam mồi (thức ăn nuôi), tứ quản (quản lý điều kiện nuôi).
Tuy nhiên, khi phong trào nuôi tôm phát triển, các yếu tố đầu vào lần lượt được người nuôi kiểm soát tốt. Riêng “hạ tầng về nguồn cung cấp điện, thủy lợi - điều kiện nuôi, nằm ngoài khả năng chủ động của nông dân nên trở thành nhu cầu bức thiết, đặc biệt là trong giai đoạn giao mùa,” ông Tâm nói.
Thiếu điện làm tăng chi phí, nguy cơ
Tính trên đơn vị “một héc ta nuôi tôm thẻ với mật độ thả giống từ 50 con/mét vuông trở lên, chạy hai giàn quạt cả vụ nuôi tốn chi phí hơn 100 triệu đồng, nếu sử dụng máy dầu. Trong khi đó, nếu sử dụng động cơ điện chỉ tốn khoảng 40 triệu đồng,” ông Bùi Hoàng Anh, người nuôi tôm ở ấp Hòa Muôn, xã Ngọc Tố, (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) nhẩm tính.
Với lợi ích được so sánh như vậy, năm ngoái vùng nuôi tôm ấp Hòa Muôn tổ chức đăng ký nhu cầu điện phục vụ nuôi tôm theo yêu cầu của ngành điện Sóc Trăng. Cuối cùng, “ngành điện Sóc Trăng đã từ chối đầu tư lưới điện phục vụ nhu cầu này với lý do thiếu khả năng tài chính,” ông Hoàng Anh thất vọng.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, ông Võ Văn Chồi, cho biết điện phục vụ vùng nuôi tôm trong xã hiện chủ yếu dựa vào nguồn điện phục vụ sinh hoạt.
Chính vì vậy, theo ông Hoàng Anh, nắng gay gắt trong mùa nắng nóng, ao tôm nào cũng cần chạy quạt thường xuyên nên tình trạng quá tải, cúp điện xảy ra liên tục. Đối phó với thực tế đó, người nuôi tôm phải trang bị cho mỗi giàn quạt một động cơ điện, kèm thêm một máy dầu dự phòng.
Con tôm vốn mẫn cảm với các thay đổi đột ngột của môi trường xung quanh, nên người nuôi dù đã trang bị máy dầu dự phòng cũng khó bề yên tâm. Theo ông Phạm Văn Hải, người nuôi tôm ở xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh), nếu nuôi tôm sú, hệ thống quạt phải hoạt động suốt đêm và khoảng 4 – 5 giờ mỗi ngày, còn đối với tôm thẻ do mật độ nuôi dày, thời gian chạy quạt ban ngày phải gấp đôi như vậy. Ông Hải cho rằng, “tôm 50 ngày tuổi chỉ cần quạt dừng 30 phút là nổi đầu cả ao, quạt hoạt động ngắt quãng xảy ra liên tục trong kỳ tôm lột vỏ coi như nguy cơ thất bại đã sát bên sườn.”
Cao điểm trong mùa khô, nắng nóng như lúc này, quạt trên các ao tôm buộc phải chạy suốt cả ngày lẫn đêm. Do vậy, “cúp điện ban ngày xoay trở có thể kịp thời, có những đêm cúp điện 4 – 5 lần người nuôi tôm coi như thức trắng với tôm,” ông Hải phân trần.
Vất vả hơn, những đêm mưa bất chợt, chẳng may điện cúp người nuôi tôm phải đội mưa, chạy lòng vòng các ao tôm để chuyển từng giàn quạt sang chạy máy dầu. Nguy hiểm nhất là lúc chuyển ngược lại từ chạy máy dầu sang mô tơ điện – khi điện nguồn đã nối trở lại. Lúc đó “người canh tôm phải tiếp xúc với nguồn điện khi người ướt, tay run…” ông Hải nói. Theo quan sát của ông Hải, “ngày nào cúp điện nhiều lần, quạt gián đoạn liên tục, con tôm ăn mồi yếu thấy rõ.”
Mơ điều kiện nuôi tôm lý tưởng
Phong trào chuyển đổi rầm rộ từ đất nông nghiệp sang nuôi tôm khiến không ít người có nhiều kinh nghiệm nuôi tôm lo ngại. Ông Nguyễn Ngọc Hải, người nuôi tôm ở Bình Đại (Bến Tre) nói rằng, người người nuôi tôm, nhà nhà nuôi tôm đã đẩy trang thiết bị (động cơ điện, bộ giảm tốc…) phục vụ nghề nuôi tôm tăng 80 – 100% về giá cả và luôn trong tình trạng cháy hàng. Diện tích nuôi mở rộng, tình trạng thiếu điện ngày càng trầm trọng hơn.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi tôm Mỹ Thanh (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), tỏ vẻ băn khoăn khi nghề nuôi tôm ngày càng chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Theo ông Nhiệm, nuôi tôm chỉ ít rủi ro và bền vững hơn nếu nghề này (trước hết) được đặt trên hạ tầng tri thức của nông dân; tiếp đến là hạ tầng về điện, thủy lợi, giao thông; chính sách bảo hiểm cho tôm nuôi và thứ tư là nguồn tín dụng đảm bảo (gồm có “tay ba”: ngân hàng, doanh nghiệp hay hợp tác xã và đơn vị tư vấn kỹ thuật).
Ông Nhiệm phân tích, người nuôi tôm tối thiểu phải am hiểu kỹ thuật; tuân thủ các nguyên tắc, yêu cầu ràng buộc… Lâu nay có tình trạng người không biết gì cũng lao vào nuôi tôm, khi xảy ra sự cố sẽ làm lây nhiễm, gây hại cả vùng nuôi rộng lớn, trong đó có cả những người giàu kinh nghiệm.
Tiếp đến, khi nguồn điện đảm bảo, thủy lợi tốt (hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt – PV) tôm nuôi mạnh khỏe, đề kháng tốt sẽ hạn chế bớt dịch bệnh phát sinh trong quá trình nuôi; giao thông thuận tiện cũng giúp giảm giá thành tôm nuôi, tăng lợi nhuận.
Ông cho rằng, chính sách bảo hiểm cần thiết nên có để hỗ trợ người nuôi tôm, vì vốn đầu tư nuôi tôm quá lớn. Nếu gặp rủi ro, bảo hiểm sẽ lo trả nợ cùng nông dân. Cuối cùng, “gói tín dụng đảm bảo sẽ bảo đảm hơn khi đã có “cấu trúc” tay ba. Lúc đó ngân hàng sẽ yên tâm khi giải ngân vốn vay vì có đơn vị tư vấn kỹ thuật “giữ hộ”.
Và, với sự giám sát của đơn vị tư vấn này, chính sách bảo hiểm cũng khó bị người nuôi tôm lợi dụng như thời gian thực hiện thí điểm vừa qua ở một số tỉnh,” Ông Nhiệm nói.
Tuy nhiên, những điều kiện ông Nhiệm nêu trên, tới lúc này cũng chỉ là điều kiện “lý tưởng”. Thực tế, ở những vùng nước ngọt quanh năm như An Giang, Đồng Tháp nông dân cũng thi nhau đào ao nuôi tôm thẻ. Trong lúc đó, nhiều vùng nuôi chuyên canh ở khắp ĐBSCL còn thiếu điện, tình trạng nguồn điện quá tải càng gay gắt.
Trong điều kiện cách trở giao thông, ông Lê Tấn Siêng, nông dân nuôi tôm ở xã Ngọc Tố (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho rằng, nuôi được con tôm đã khó, vận chuyển còn khó hơn.
Theo ông Siêng, bến phà Dù Tho trên tỉnh lộ 936 nối hai xã Ngọc Đông và Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) chỉ rộng khoảng 300 mét, nhưng mỗi xe tôm nguyên liệu (trọng tải 3,5 tấn) qua phà phải chịu cước phí 500.000 đồng/lượt, giá thành tôm nguyên liệu tăng thêm. “Bất hợp lý này nhiều năm qua cả huyện Mỹ Xuyên lẫn tỉnh Sóc Trăng giải quyết không xong, nói chi tới chuyện đầu tư giá trị tiền tỷ cho vùng nuôi tôm,” ông Siêng than phiền.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 19.7, Sở NNPTNT Thanh Hóa, cho biết ngành nông nghiệp tỉnh này khuyến cáo tuyệt đối không được trồng rộng rãi cây mắc ca ở những diện tích chưa qua khảo nghiệm.
Hồng hoa là loại cây dược liệu quý, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao. So với các cây trồng ngắn ngày truyền thống, như: sắn, ngô, lúa, đậu, lạc... trồng hồng hoa mang lại lợi nhuận cao hơn.
Những ngày này, vườn chanh đào của gia đình anh Nguyễn Văn Sửu, thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục (Lạng Giang) có nhiều thương lái và người dân trong huyện đến thăm, thu mua.
Để có một vụ mùa ăn chắc bà con cần chú ý chăm sóc cho cây lúa đặc biệt việc sử dụng phân bón cho cây lúa vụ mùa, cân đối đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng.
Lâu nay tôi vẫn hình dung chim yến làm tổ trên các hòn đảo ven biển miền Trung. Lần này về Quy Nhơn (Bình Định), tôi thật sự thú vị khi thấy việc nuôi chim yến trong nhà quá đơn giản và với nguồn thu nhập thật lớn.