Xoài Cát Hòa Lộc Tiền Giang Chinh Phục Thị Trường Thế Giới
Tiền Giang hiện có trên 6.600ha xoài chủ yếu trồng các giống chất lượng tốt như xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, xoài ghép...
Huyện Cái Bè nằm ở phía đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) có diện tích lớn nhất trồng xoài lớn nhất với trên 3.300ha. Đây cũng là quê hương của giống xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng cả nước với chất lượng vượt trội, được ưa chuộng ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Năm 2002, Tiền Giang thành lập Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Hưng - một bước đi quan trọng giúp nông dân vùng chuyên canh tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, tạo tiền đề cho cây xoài phát triển bền vững.
Chia sẻ về những ngày đầu mới thành lập Hợp tác xã, ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc cho biết, thời điểm mới thành lập, Hợp tác xã có 32 xã viên, nay tăng lên 115 xã viên.
Từ khi thành lập, Hợp tác xã đã hướng xã viên thâm canh xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chí GAP để tạo nguồn nông sản an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường giai đoạn hội nhập và đổi mới.
Tính đến năm 2012, Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè) đã có 20,73ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chí VietGAP. Năm 2014, toàn bộ diện tích trên lên đạt tiêu chí GlobalGAP.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã đầu tư mở rộng diện tích nhà xưởng sơ chế, đóng gói sản phẩm lên 500 m2.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Nhơn, mô hình trồng xoài cát GlobalGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể năng suất từ mức chỉ 5-7 tấn/ha, nay nâng lên 10-11 tấn/ ha.
Hợp tác xã ký được những hợp đồng dài hạn đối với các đối tác lớn nước ngoài như Nhật Bản - một thị trường khó tính đối với nông sản hàng hóa.
Mỗi năm, Hợp tác xã xuất khẩu được trên 50 tấn xoài cát Hòa Lộc sang thị trường Nhật Bản thông qua Công ty HATCHANO.
Ngoài ra, các thị trường khác như Trung Quốc, NewZealand... cũng đang được thăm dò.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, sản phẩm xoài cát Hòa Lộc đặc sản địa phương đang được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, New Zealand, Nga... với số lượng trung bình khoảng 360 tấn/năm.
Tuy bước khởi đầu của trái xoài Tiền Giang khá thuận lợi nhưng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang thừa nhận vần còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế phải tháo gỡ.
Nhược điểm lớn nhất của ngành hàng trái cây nói chung và trái xoài Tiền Giang nói riêng là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có vùng nguyên liệu tập trung đồng đều và đảm bảo về chất lượng cung ứng thị trường.
Bên cạnh đó, công tác bảo quản sau thu hoạch còn yếu kém. Việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ lệ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Cơ sở vật chất phục vụ công nghiệp chế biến sản phẩm trái cây còn nhiều hạn chế.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ có 4 nhà máy chế biến trái cây hoạt động ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, nhưng sản lượng tiêu thụ còn hạn chế. Sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng cây ăn trái thiếu chặt chẽ, kể cả liên kết dọc và liên kết ngang.
Chia sẻ quan điểm này, phó giáo sư-tiến sỹ Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng, vấn đề trước mắt đặt ra đối với trái xoài Tiền Giang là tăng giá trị, đảm bảo thu nhập và an sinh xã hội cho người trồng xoài theo hướng bền vững.
Cụ thể, tỉnh tăng xuất khẩu xoài tươi và sản phẩm sấy sang thị trường khối EU và Mỹ, tăng hợp đồng cung cấp trái tươi vào hệ thống nhà hàng, khách sạn nội địa.
Để làm được điều này, giải pháp cần làm là nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm xoài thông qua chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến thu mua và chế biến xuất khẩu. Giải pháp này cần có sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp, nông dân vùng chuyên canh... theo mô hình liên kết 4 nhà.
Trước mắt, Tiền Giang quan tâm hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất xoài rải vụ, phát triển các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất xoài theo tiêu chí GAP, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, dự báo nhu cầu thị trường các sản phẩm chủ lực...
Đồng tình với ý kiến trên, ông Phan Tấn Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Uyên (Kim Sơn, Châu Thành, Tiền Giang) chuyên chế biến các sản phẩm trái cây đông lạnh xuất khẩu chất lượng cao cho biết, năng lực sản xuất của công ty từ 8.000-10.000 tấn thành phẩm xoài/năm với thị trường xuất khẩu chủ yếu là khu vực Bắc Á, châu Âu.
Năm 2015, công ty tiếp tục hướng vào thị trường Mỹ. Trung bình mỗi ngày, nhu cầu sản xuất của công ty từ 40-60 tấn xoài nguyên liệu, tức 1.200-1.500 tấn/tháng.
Để có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp, ông Cường đề xuất, địa phương thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn nông dân trồng xoài theo ngưỡng an toàn, đồng thời nghiên cứu sản xuất rải vụ để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất và nông dân được hưởng lợi về giá, tránh tình trạng trúng mùa, mất giá.
Trước thực tiễn sản xuất và thâm canh xoài, theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương đã đề ra giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng trái xoài.
Tỉnh nghiên cứu xây dựng và triển khai cánh đồng lớn về sản phẩm xoài trong tương lai, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh, nghiên cứu sản xuất rải vụ gắn với chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo lộ trình hoạch định, Tiền Giang củng cố hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp, kinh tế tập thể với nhà vườn trong sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp gắn với vùng sản xuất trái cây...
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho rằng, địa phương tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm thị trường trái cây, quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại.
Tiền Giang có cơ chế chính sách về khuyến khích liên kết 4 nhà để trái xoài nói chung và xoài cát Hòa Lộc nói riêng ngày một vươn xa theo mô hình chuỗi giá trị bởi chuỗi giá trị tạo sự kết nối bền chặt giữa bốn nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất và nhà kinh doanh, là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển toàn diện.
Cách làm này góp phần cụ thể hóa chủ trương đổi mới, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất xoài Tiền Giang nói riêng.
Có thể bạn quan tâm
Sau khi lỗ thông tầm từ năm 2012 đến nay, những người nuôi gà trắng hiện đều rơi vào cảnh nợ nần đầm đìa. Nhiều người bi quan cho rằng, mọi cánh cửa với dân nuôi gà công nghiệp tự phát sẽ đóng lại.
Đã từ lâu, chim, cò là nổi ám ảnh cho người nuôi tôm vì chúng gây thất thoát và truyền những dịch bệnh nguy hiểm. Vì vậy, ngăn ngừa được chim, cò đến ao tôm là góp phần đảm bảo vụ nuôi tôm được thắng lợi.
Từ đầu tháng 4, Chi cục Thú y TPHCM đã lấy 60 mẫu xét nghiệm trên đàn chim yến, tất cả kết quả âm tính với vi rút H5N1. Chi cục Thú y TPHCM sẽ tiếp tục lấy mẫu trong thời gian tới.
Phát triển hệ thống sản xuất được chứng nhận theo tiêu chẩn UTZ (tương đương GlobalGAP) là một trong những hoạt động tiền đề cho việc phát triển ca cao có năng suất, chất lượng hơn, hướng đến sản xuất hữu cơ và thương mại công bằng.
Năm 2013, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ khoa học (Sở KHCN Hải Dương) tiếp tục hỗ trợ giống thanh long ruột đỏ và kinh phí làm trụ ở 2 xã: Bắc An và Hoàng Tiến (Chí Linh).