Làm Giàu Nhờ Sản Xuất Kết Hợp Với Chăn Nuôi
Với quyết tâm chinh phục “đất nghèo”, ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận) đã dày công cải tạo những thửa ruộng cằn cỗi thành trang trại sản xuất, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Chúng tôi đến trang trại của lão nông Nguyễn Văn Hùng khi mặt trời bắt đầu xuống núi. Ngồi rải thức ăn cho cá, ông Hùng nhớ lại những ngày khởi nghiệp ở đất Ninh Sơn đầy gian khó: Lúc vợ chồng tôi mới vào đây, đất ruộng này xấu tệ. Năng suất lúa một sào chỉ đạt chừng vài chục ký nên nhiều người “chê” ruộng. Đêm nằm, bàn với vợ, tôi quyết định mở trang trại trên đất lúa. Và cùng với thời gian, trang trại của gia đình ông trở thành mô hình điểm ở địa phương.
Ông Hùng quê ở Bắc Ninh, năm 1992 vào lập nghiệp ở thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn. Những ngày đầu lập nghiệp ở vùng đất mới, ngoài 2 chỉ vàng làm vốn, ông còn có một lòng quyết tâm chinh phục đất nghèo. Do “yếu vốn”, ngày cũng như đêm, ông hì hục đào ao để nuôi cá. Sau thời gian phát triển kinh tế “lấy ngắn nuôi dài”, ông tích lũy được ít vốn mua lại những thửa ruộng bậc thang của dân địa phương, rồi thuê xe đào ao nuôi cá.
Trong 6 ha đất ở trang trại, ông chọn 3 ha để đào ao nuôi cá, diện tích còn lại cải tạo đất để sản xuất lúa làm thức ăn chăn nuôi. Hằng năm, sau khi thu hoạch vụ lúa đông - xuân, ông tận dụng 2 sào đất rạ, cho nước vào ruộng rồi thả cá nuôi. Ngoài ra, từ năm 2008, từ hai con heo rừng của người bạn cho đem về nuôi, ông đã chăm sóc để thuần hóa heo rừng. Sau gần 4 năm gầy giống, hiện nay, trang trại ông có 20 con heo nái chuyên đẻ. Mỗi năm ông xuất ra thị trường trên 1,3 tấn thịt heo, trừ chi phí cho lãi trên 100 triệu đồng. Năm 2012, ông dành 16 triệu đồng mua một con heo nái Thái Lan đem về nuôi để lai giống. Heo rừng ta phối giống với heo nái Thái Lan cho ra heo lai to con, nhanh lớn và có sức đề kháng cao. Tết Quý Tỵ này, ông xuất 40 con heo rừng lai bán thịt.
Nhờ mô hình kinh tế sản xuất kết hợp với chăn nuôi, trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi trên 400 triệu đồng từ trang trại. Ông Nguyễn Văn Hùng là tấm gương nông dân vượt khó làm giàu ở địa phương và được UBND huyện Ninh Sơn tặng giấy khen về thành tích sản xuất giỏi.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay trên địa bàn quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) có 7 hộ dân phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái, góp phần giải quyết đầu ra và tăng thu nhập cho người nông dân.
Xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) là vùng đất đai ít màu mỡ, nguồn nước tưới hạn chế. Tuy nhiên, không đầu hàng về điều kiện thỗ nhưỡng, anh Nguyễn Xuân Long - nông dân địa phương đã có những cách làm khá đặc biệt như dẫn nguồn nước chảy tự nhiên, trồng ổi để chống rầy bảo vệ các loại cây trồng có múi, trồng cây ăn trái lâu năm để có nguồn thu lâu dài...
Bệnh giác ban là loại bệnh khiến lá hồng xoăn lại, rụng lá và trái. Bệnh thường phát sinh vào mùa mưa, vào những tháng 6, 7, 8 đồng thời là những tháng hồng ra hoa kết trái. Chính bởi vậy nên năng suất hồng giảm nhiều, ảnh hưởng tới sản lượng thu hoạch của người trồng hồng.
Bòn bon là một trong những loại trái cây sạch và an toàn do hầu hết đều sinh trưởng và kết trái trong điều kiện tự nhiên. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại bòn bon, tuy nhiên, bòn bon Thái hay còn gọi là Longkong (tiếng Thái) được người dân ưa chuộng vì trái to, thịt giòn, ngọt, hột lép hơn trái bòn bon thường.
Tuy giá bò đang tăng cao nhưng người chăn nuôi vẫn không ngần ngại bỏ vốn đầu tư khiến cơn sốt giá bò sinh sản hiện nay chưa có dấu hiệu dừng lại.