Cá Tầm Lạ Giá Rẻ Trên Thị Trường - Không Biết Từ Đâu Ra
Giữa Bộ NN-PTNT và Cục Hàng không (Bộ GT-VT) hiện đang có hai cách nói khác nhau về con cá tầm lưu thông ùn ùn trên thị trường. Trong khi Bộ NN-PTNT khẳng định, cá tầm nuôi ở trong nước chỉ đủ tiêu thụ tại xung quanh khu vực nuôi, cá nuôi ở miền Trung, Tây Nguyên còn nhiều hơn miền Bắc thì cá từ ngoài Bắc lại đang “chở bằng máy bay” ồ ạt vào miền Nam tiêu thụ, rõ ràng là cá tầm lậu. Song Cục Hàng không lại có nhận định khác.
“Cầu cứu” Thủ tướng cứu cá tầm Việt
Sau nhiều lần tranh cãi, dư luận cũng đã liên tục lên tiếng, mới đây do không thể chịu nổi sức ép về giá bán quá rẻ của cá tầm lậu từ Trung Quốc tràn vào nội địa, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cá tầm Việt Nam đã có đơn “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ.
Theo Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam, việc nhập lậu mặt hàng này qua biên giới gần đây tái diễn dưới nhiều hình thức, sau đó vận chuyển qua các đường khác nhau vào nội địa. Trong đó, trường hợp điển hình là cá tầm được vận chuyển qua đường hàng không Nội Bài vào TPHCM. Cùng gửi đơn cầu cứu đợt này còn có đại diện các nhà sản xuất, phân phối cá tầm Việt Nam.
Theo các đơn vị này, hàng ngày có 2 - 3 tấn cá tầm không rõ nguồn gốc được nhập lậu vào TPHCM qua sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, mặt hàng này bán ra thị trường dưới dạng tươi sống với giá chỉ khoảng 120.000 - 130.000 đồng/kg, thấp hơn tới 70.000 - 80.000 đồng/kg so với cá tầm nuôi trong nước.
Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh phân tích, các nhà sản xuất cá tầm tại miền Bắc chỉ có quy mô nhỏ, sản lượng thấp, phần lớn là cung cấp tại chỗ. Bên cạnh đó, giá sỉ mặt hàng này khi mua tại hồ ở miền Bắc đã vào khoảng 150.000 - 160.000 đồng/kg nên không thể vận chuyển qua đường hàng không rồi bán ra với mức thấp như trên. Các nhà sản xuất khối lượng lớn cá tầm trong nước hiện nay đều tập trung tại các hồ ở Tây Nguyên cũng khẳng định vận chuyển cá tầm về TPHCM hoàn toàn bằng đường bộ vì giá thành rẻ hơn hàng không rất nhiều.
Từ những dẫn chứng trên, hiệp hội này khẳng định, tất cả cá tầm sản xuất trong nước không có bất kỳ đơn hàng nào được vận chuyển vào TPHCM bằng đường hàng không. “Do đó, số lượng cá tầm đang nhập vào TPHCM không phải được sản xuất trong nước mà có nguồn nhập lậu từ Trung Quốc” - ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh, khẳng định như vậy.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cũng khẳng định, toàn bộ cá tầm được vận chuyển “ngược” từ Bắc vào Nam tiêu thụ là cá tầm lậu. Vì phần lớn các cơ sở nuôi cá tầm ở miền Bắc là quy mô rất nhỏ, không đủ cung cấp cho thị trường tại chỗ. Trong khi đó, mới đây dư luận xôn xao trước thông tin cho rằng có tình trạng “rửa” cá tầm lậu thành cá nội địa. Theo đó, các cơ sở nuôi cá tầm ở miền Bắc đã thu mua cá tầm Trung Quốc rồi hợp thức hóa giấy tờ tại cơ sở nuôi của mình để đưa vào Nam tiêu thụ.
Hàng không “nói quanh”
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam lại khẳng định, đúng là có tình trạng vận chuyển cá tầm từ Hà Nội vào TPHCM, nhưng đó có phải là cá tầm lậu hay không thì ngành hàng không khó có thể nắm được. “Đối với vận chuyển nội địa, hàng không chỉ kiểm soát mặt hàng nguy hiểm, ví dụ hàng dễ cháy nổ, chất phóng xạ, hàng dễ ăn mòn như nước mặn, muối… Còn cá tầm là loại hàng hóa bình thường nên chỉ yêu cầu đóng gói cẩn thận” - ông nói.
Cũng theo ông Lại Xuân Thanh thì hiện chưa có các chốt kiểm dịch thú y tại sân bay. Việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm dịch thú y thuộc trách nhiệm các cơ quan chức năng như Cục Thú y, Cục Quản lý thị trường. Khi có triển khai của các cơ quan chức năng, ngành hàng không sẽ phối hợp triển khai thực hiện kiểm tra các giấy tờ đó.
Cục trưởng Cục Hàng không cũng cho rằng, Bộ NN-PTNT cũng chưa làm việc với đơn vị này về việc vận chuyển cá tầm. Nếu Bộ NN-PTNT chủ động làm việc, ngành hàng không sẽ phối hợp. Mặc dù nói rằng khó xác định cá tầm hiện nay vận chuyển qua đường hàng không có phải là cá tầm lậu hay không, song Cục trưởng Cục Hàng không lại khẳng định vẫn có thể kiểm soát được, bởi hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không bắt buộc phải qua cửa cảng hàng không sân bay. Do đó, nếu có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan liên quan thì vấn đề trên sẽ được kiểm soát tốt.
Có thể bạn quan tâm
Do giá quế xuống thấp, hơn 100 ha quế có đường kính từ 15 đến 30cm đã bị người dân bỏ mặc không khai thác; nhiều hộ dân còn có ý định chặt bỏ để làm củi hoặc nhường diện tích cho cây bời lời.
30 triệu đồng là số tiền hằng tháng mà gia đình ông Phan Minh Úc (45 tuổi) ở ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) thu về từ mô hình trồng dừa.
Từ ngày 01 đến ngày 03, phía bắc nhiều mây, đêm và sáng có mưa sương mù vài nơi, có nơi có mưa nhỏ, phía nam mây thay đổi, phổ biến không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Gió nhẹ.
Mặc dù là cây trồng xen vụ, song cây ngưu tất (còn gọi là cỏ xước, một loại cây dược liệu) không những giúp nhiều nông dân xã Thống Nhất (huyện Hưng Hà, Thái Bình) thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Ngày 28/2/2014, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam-Vinamilk đã khởi công xây dựng Trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 tại xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.