Xây Dựng Thương Hiệu Diếp Cá Kế Xuyên
Hơn 25 năm nay, 48 hộ dân ở tổ 4, thôn Kế Xuyên 1, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, đã thoát nghèo, nuôi con ăn học nhờ trồng rau diếp cá. Địa phương đang xây dựng thương hiệu cho loại rau này.
Đang tranh thủ cắt rau diếp cá để kịp cho thương lái đến mua, chị Võ Thị Lai (thôn Kế Xuyên), người gắn bó với nghề trồng diếp cá 25 năm nay, chia sẻ: “Nhà chỉ có 1 sào đất nông nghiệp nhưng gia đình quyết tâm chuyển đổi sang trồng rau diếp cá. Thấy đầu ra rau này có thu nhập cao gấp 3 lần làm lúa nên tôi tiếp tục thuê thêm 2 sào đất nữa để mở rộng diện tích diếp cá”.
Mỗi năm chị Lai trả tiền thuê đất 3 triệu đồng. Hiện nay, ngoài việc cắt rau diếp cá nhà, chị Lai còn mua thêm rau của 5-7 hộ dân khác để đem bán cho các thương lái. Chị Lai bỏ mối rau tại Bình Triều, Chu Lai, Cẩm Khuê, với giá 7.000 đồng/chục.
Từ tháng năm trở đi, thời tiết bắt đầu khô hạn thì giá rau diếp cá có thể tăng lên 12.000 đồng/chục. Mỗi ngày, chị Lai cắt và mua hơn 1 tấn rau diếp cá, trừ chi phí, chị thu nhập từ 200.000-300.000 đồng/ngày. “Gia đình tôi có được cuộc sống ổn định, con cái học hành cũng nhờ vào nguồn rau diếp cá” – chị Lai vui vẻ cho biết.
Bà Dương Thị Mận có hơn 20 năm trồng rau diếp cá cho hay: “Nhà cũng có 1 sào rau diếp cá nhưng nhờ biết cách chăm sóc nên rau được thu hoạch quanh năm. Rau diếp cá rất dễ trồng, chỉ cần tận dụng nguồn phân chuồng của gia đình đem bón thúc. Không chỉ đỡ tốn kém trong khâu mua nguyên liệu ban đầu, việc chăm sóc rau cũng khá đơn giản, chỉ cần đảm bảo nước tưới, không để ruộng bị khô là rau diếp cá có thể sinh trưởng tốt”.
Ông Võ Văn Quảng - Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết: “Hiện nay đa số các hộ dân trồng rau vẫn tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Địa phương cũng biết trồng rau diếp cá thu lợi cao gấp 3 lần trồng lúa và cũng đã nghĩ đến vấn đề đưa vùng trồng rau diếp cá trở thành vùng chuyên canh.
Nông dân gần như không lo đầu ra bởi thu hoạch được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Xã đang xây dựng thương hiệu cho làng rau diếp cá Kế Xuyên 1 nhằm giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm của mình được cao giá hơn và bền vững hơn”.
Có thể bạn quan tâm
Giáo sư, tiến sĩ Ngô Ngọc Hưng-Trường đại học Cần Thơ đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật cân đối dinh dưỡng và cơ cấu canh tác hợp lý cho vùng trồng bắp lai ở 3 xã Quốc Thái, Phú Hữu và Khánh An (huyện An Phú, An Giang).
Gần một tháng qua, dọc sông Hậu thuộc các tỉnh, thành Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… hoạt động thu mua lúa gạo nhộn nhịp “khác thường”. Theo nhiều doanh nghiệp và các thương lái bản địa, đang có một nhóm thương lái là người miền Bắc dẫn theo một số người Trung Quốc vào đây thu gom lúa gạo để xuất sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch làm xáo trộn thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Nhờ chịu khó, ham học hỏi và biết phát huy sức mạnh của tuổi trẻ, anh Hồ Tấn Cường (thôn Quảng Hòa, xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã trở thành nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi.
Năm 2013, phòng Nông nghiệp và Nông thôn huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã chủ động tìm kiếm, liên hệ với doanh nghiệp và đã tư vấn hình thành mô hình liên kết trồng ớt xuất khẩu tại địa phương. Kết quả sau thực hiện liên doanh liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm bước đầu đã cho nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Nắng nóng kéo dài cộng với sùng đất gây hại đã khiến nhiều diện tích mì ở thị trấn Cam Đức (Cam Lâm, Khánh Hòa) bị thiệt hại với tỷ lệ khoảng 40%. Sau mấy cơn mưa vừa qua, người dân muốn trồng dặm lại mì, nhưng nguồn hom giống thiếu hụt.