Nghề Nuôi Heo Nọc
Nghề gia truyền
Không như mọi ngày, sáng nay anh Lập dậy hơi muộn. Dư vị của trận nhậu tưng bừng tối hôm qua vẫn còn làm anh uể oải. Bữa tiệc do một khách hàng khao mừng việc con heo nái của mình đã hạ sinh được 14 con mà vẫn “mẹ tròn con vuông”. Đó là “thành quả” do có “tay nghề” của con heo nọc giống mà anh Lập đã nuôi dưỡng hơn hai năm nay.
Anh Khải, em ruột của anh Lập thúc giục: “Nè, lo mà thức dậy để đi trễ người ta chờ. Anh dắt con “roc” còn em dắt con “noa” nghen”. Hai anh em vội vã mở cửa chuồng, trên tay các anh đã cầm sẵn roi mây để lùa hai con heo nọc giống Duroc và Danois lông màu nâu sẫm và trắng mượt “vai u thịt bắp” ủn ỉn leo lên xe…
Chiếc xe lam vừa đến nơi, chưa kịp dừng, hai con nọc trên xe đã lăng xăng lên. Anh Lập vừa mở tấm cản phía sau xe, tức thì hai chàng heo nọc đã xuống tới đất và tự động xông thẳng về hướng chuồng các con heo nái. Chủ nhân của chúng vừa chạy theo các “đệ tử” vừa cười nói: “Cái giống con nhà họ Trư là vậy đó.
Bẩm sinh nó có cái mũi nhạy cảm với cái mùi của “nái” lắm! Cách gần 100 mét “con nọc” đã có thể nhận ra “hơi” của bạn tình. Họ nhà heo có giác quan tình dục rất… “mát trời ông địa”!
Gia đình anh Lập nổi tiếng ở xã An Sơn, huyện Thuận An (Bình Dương) về chăn nuôi và thả heo nọc hơn bốn chục năm nay. Từ đời ông ngoại là ông Mười Đảnh cho đến đời anh, nghề nuôi và thả nọc heo gia truyền luôn hấp dẫn mặc dù rất vất vả. Bạn “đồng môn” của ông Mười Đảnh là ông Ba Nam, ông Bảy Bãi đều là những “chuyên gia” trong nghề. Khách hàng của anh Lập là đông đảo những hộ chăn nuôi heo nái ở khắp các xã thuộc huyện Thuận An và Dĩ An.
Mỗi khi các ả heo nái của những người chăn nuôi ở các huyện đến thời kỳ “động đực”, họ liền báo cho hai anh em Lập biết để “tính bề lo liệu”. Các anh phải đi “tiền trạm” trước để đánh giá mức độ “động” của những con heo nái rồi trở về nhà tính chuyện “phân công” cho những chàng heo nọc giống trong bầy.
Anh Khải cho biết: “Chọn heo đực để làm nọc giống rất công phu và tiêu chuẩn để chọn lựa còn kỹ hơn cả cách chọn heo cái để giống. Điều đó cũng dễ hiểu, vì rằng nọc càng tốt thì các bầy con của nó sau này mới hưởng gien tốt của heo cha. Tôi nuôi đàn heo nọc 6 con “thiện chiến” và 8 con heo đực còn non. Heo đực để giống phải chọn thật rặt giống, cao to, lực lưỡng, đòn dài, ngực rộng, vai nở, bốn chân cứng cáp… Nhất là bộ phận sinh dục của chúng phải “đẹp”.
Anh Lập cho biết: “Mỗi lần heo nọc làm nhiệm vụ phối giống xong, tôi phải bồi bổ cho chúng với khẩu phần đúng mức: Trứng gà giá sống và bắp non nấu với đường mía. Bài thuốc dinh dưỡng này giúp cho chúng “hồi dương” sớm để tiếp tục “ra đòn” sau 24 tiếng đồng hồ. Nên nhớ, người nuôi phải giữ để chúng không quá mập, nếu bị mập sẽ phối giống kém. Hàng ngày tôi đều cho chúng vận động vài giờ ngoài sân, phơi nắng, đi vòng sân và thực tập phối giống”.
Heo đực độ 5 tháng tuổi đã bắt đầu biết phối giống nhưng phải đến tám tháng tuổi mới bắt đầu cho “tập sự” phối giống. Heo đực đến tuổi trưởng thành, khi “pháo kích” cho ra một phân khối tinh dịch chứa từ 3,5 đến 4 ngàn triệu tinh trùng, đạt yêu cầu giúp heo nái thụ thai, đẻ nhiều heo con.
Tai nạn nghề nghiệp
Đừng tưởng nghề thả nọc heo không bị tai nạn nghề nghiệp. Về vùng xã Tân Hiệp, huyện Tân Uyên (Bình Dương) mà hỏi anh Út N về chuyện tai nạn do heo nọc gây ra thì biết liền. Thường thường tính khí của con heo nọc trở nên bất thường khi chúng đói và chưa thỏa mãn chuyện… hành lạc. Anh Lập cho biết: “Thứ heo nọc, con nào cũng vậy, nó hung tợn, nổi quạu khi đói và lúc “hành nghề”. Chúng có thể cắn, táp người thình lình khi chưa “đã thèm”. Vì vậy người dắt heo nọc phải luôn đề phòng”.
Nguy hiểm nhất là lúc con heo nái phản ứng không chịu để heo nọc “giở trò”. Con heo nọc càng hung hãn hơn, có thể cắn cả chủ nhân của nó. Cách đây một năm, ở ấp 2 xã Tân Hiệp, một tai nạn thương tâm đã xảy ra khi người chủ của heo nọc là ông N mất cảnh giác bị nó táp vào “hạ bộ” phải cấp cứu bệnh viện! Chị L ở ấp Đông, xã Đông Hòa (huyện Dĩ An) bị con heo nọc táp vào bắp vế non bất tỉnh, phải vào bệnh viện ghép thịt.
Cũng có không ít trường hợp vì heo nái mới lên giống lần đầu, chưa đúng thời điểm “chịu đèn” cho phối nên khi heo nọc xáp tới gần là nó nỗi quạu chồm lên cắn heo nọc và táp cả chủ heo.
Có không ít chàng heo nọc mới “ra nghề” bị nàng heo nái “trở đòn” cắn xé hoảng sợ đến mức tiêu tan hứng cảm, không còn khả năng thèm muốn nữa! Cũng không hiếm trường hợp gặp tai nạn do con heo nọc nặng tới 300kg phải “mây mưa” với con heo nái chỉ nặng 150kg và hậu quả đã gây ra chấn thương, con nái phải “tàn phế”! Nếu đúng cách, đúng nghề thì chủ heo nọc phải đem theo khung “giàn” bằng gỗ phủ choàng lên lưng con nái để chống đỡ.
Khá giả với nghề thả nọc heo
Trước 1950 gia đình ông Mười Đảnh chỉ làm rẫy, trồng trọt hoa màu ở xã An Sơn. Từ 1954 đã chuyển sang nghề nuôi và thả nọc heo. Phong trào nuôi heo thịt rộng khắp tỉnh cho nên nhu cầu thả nọc heo càng lớn. Đặc biệt từ những năm 1970 trở về sau, nhiều giống heo ngoại nhập được nuôi và tạo giống rất nhiều như: Yorkshire, Berkshire, Duroc, Hampshire, Danois…
Năm 1987 anh Lập xuất ngũ về phụ giúp ông ngoại là ông Mười Đảnh nuôi và thả nọc heo. Nghề dạy nghề, dần dần anh tự tạo lập một cơ ngơi riêng ở khu phố 8, phường Phú Hòa (thị xã Thủ Dầu Một). Học hỏi kinh nghiệm của ông ngoại, Trần Công Lập rất giỏi về kỹ thuật nuôi và kỹ thuật huấn luyện heo nọc… “hành nghề”!
Anh Lập giải thích: “Heo đực giống phải được tập luyện thuần thục các “chiêu” như: lên, xuống xe lam, nghe hiệu lệnh của chủ, tuân lệnh khi chủ quơ roi, “đánh hơi”, “cởi lưng”, “cản nọc”. Nên nhớ, heo nọc dù hăng, dù sung sức đến mức nào đi nữa cũng phải điều độ để có sức “trường kỳ” trong phối giống. Heo nọc 7 tháng tuổi (mới “ra nghề”), mỗi tuần chỉ cho phối 1 lần. Heo nọc được 1 năm tuổi, mỗi tuần cho phối 2 lần thôi. Heo nọc gọi là chững chạc khi được 2 năm tuổi, mỗi tuần chỉ phối giống 2 lần.
Đến lúc xồn xồn từ 4 năm tuổi; mỗi tuần chỉ cho “vi vu” phối giống 1 lần. Đến lúc con heo nọc đã “hết xí quách”, đến 5 năm tuổi, được nuôi vỗ béo bán thịt, sau khi thiến. Hiếm có con heo nọc nào “chiến đấu” đến 6 năm mà vẫn chưa “xụm bà chè”! Con heo nọc “phụ lão” nặng cỡ 3 tạ đem cân thịt giá rẻ cũng chỉ được gần 3 triệu đồng. Số phận của những con heo nọc là “Trẻ thì thả nọc, già thì cân hơi!”.
Gia đình anh Lập khá lên được từ nhiều năm nay là nhờ “nhất nghệ tinh” trong nghề cho heo gieo tinh, thả nọc. Kinh nghiệm, tay nghề giỏi của anh Lập và anh Khải luôn tạo uy tín, lòng tin với khách hàng. Theo kinh nghiệm gia truyền, hễ thấy “cái hoa” của con nái sưng to, ửng hồng, có nước nhờn bên trong là nó đã đến lúc “chín mùi” lắm rồi.
Thời gian “rạo rực” của heo nái chỉ kéo dài có 2 ngày và nếu chủ heo ấn mạnh lên mông nó vẫn đứng yên thì phải đưa ngay heo nọc đến “trăng mật” thì tỷ lệ đậu thai rất hiệu quả. Nên nhớ, heo nái phải được phủ nọc 2 lần: 1 lần chiều hôm trước “gặp thì thương” và lần sáng hôm sau “vương thì nhớ”! Phối 2 lần liên tục như vậy là “hài lòng chủ, vừa lòng khách”. Bao giờ cũng vậy, nên lùa heo đực vào chuồng heo nái chớ không được làm ngược lại.
Nghề nuôi heo nọc đã có từ lâu đời. Ngoài phương pháp thụ tinh nhân tạo, người nuôi heo vẫn tin tưởng vào phương pháp phối giống trực tiếp. Ở trại heo nọc của anh Trần Công Lập và Trần Quang Khải vừa sản xuất được tinh dịch heo (bảo quản trong điều kiện nhiệt độ âm 20 độ C) vừa chở heo nọc đến tận trại heo của khách hàng để “chiến đấu”.
Nền kinh tế quốc dân ngày càng phát triển, tất yếu thị trường thịt heo càng mở rộng, người chăn nuôi heo càng nhiều và nhu cầu tăng tổng lượng đàn heo càng bức thiết. Điều đó cho thấy, nghề nuôi và thả nọc heo vẫn còn chỗ đứng.
Vì sao ngày nay người chăn nuôi vẫn thích cho heo nọc trực tiếp phối giống mặc dù phương pháp gieo tinh nhân tạo đã có từ nhiều năm nay? Mặc dù ngày nay cách cho heo nái thụ tinh nhân tạo bằng nguồn tinh heo đông viên đã phổ biến sâu rộng nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn có thói quen cho heo phối giống trực tiếp.
Theo lời anh Lập giải thích: Trước hết là nhờ có hơi hướm của heo nọc mà heo nái động dục đạt đến tột đỉnh. Thứ hai, là không gặp trường hợp hư hỏng tinh trùng do bảo quản kém. Thứ ba, nếu so sánh với phương pháp thụ tinh nhân tạo thì phương pháp phối giống trực tiếp có giá rẻ hơn (120.000 đồng/con/đợt) trong khi đó giá thụ tinh nhân tạo là 150.000 đồng/con/đợt.
Có thể bạn quan tâm
Với quy trình trồng rau hữu cơ, mỗi ký rau mang tên Oganik có giá bán cao gấp gần chục lần rau thường. Không chỉ phục vụ cho nhà hàng, khách sạn 4, 5 sao và khách “Vip”, sản phẩm rau hữu cơ “siêu sạch” còn XK đi châu Âu…
Vào mùa đông, tôm thẻ chân trắng rất khó nuôi, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc. Chúng tôi xin giới thiệu tới bà con “Biện pháp kỹ thuật nuôi tôm chân trắng thương phẩm trong nhà bạt vụ đông xuân”.
Chi cục Thú Y tỉnh Phú Yên vừa thông báo kết quả xét nghiệm của Trung tâm chẩn đoán Thú y trung ương, Cục Thú y về kết quả quả xét nghiệm tìm nguyên nhân bệnh trên tôm hùm nuôi ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu).
Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, đến cuối tháng 11, nước lũ trên sông ở Tân Châu và Châu Đốc vẫn duy trì quanh mức báo động 1. Chính vì vậy, mà nhiều diện tích ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên (ĐTM, TGLX) vẫn còn ngập sâu trong nước, gây khó khăn cho việc xuống giống vụ lúa ĐX 2011-2012
Thời gian qua, trạm Khuyến nông huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã triển khai áp dụng mô hình sử dụng phân Pomior trên cây chè tại xã Hương Xạ. Sau một thời gian thử nghiệm, kết quả cho thấy loại phân này phù hợp với cây chè trên đất núi trung du và mang lại hiệu quả cao