Trồng Bắp Tràng Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Mô hình trồng bắp tràng (bắp thu trái non) do Trạm Khuyến nông huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) phối hợp với Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) triển khai thực hiện trên diện tích 504,5ha tại 2 xã Hội An Đông và Mỹ An Hưng A được đánh giá là cho hiệu quả rất cao so với trồng lúa.
Theo ông Phan Văn Thơm ngụ xã Hội An Đông: từ năm 2006, khi nghe Công ty Antesco phát động trồng loại bắp này, ông đã tham gia trồng thử với diện tích 2 công. Qua gần hai tháng trồng, bắp cho thu hoạch với năng suất đạt gần 370kg, toàn bộ sản phẩm được công ty thu mua với giá 15.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí ông thu lợi nhuận 1 công bắp từ 1,8 - 2 triệu đồng. Từ hiệu quả của việc trồng bắp thu trái non, đến nay gia đình ông đã tăng diện tích trồng bắp lên 7 công.
Theo ông Thơm, ngoài việc được bao tiêu sản phẩm, trong quá trình sản xuất, người dân còn được Công ty hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, cách bảo quản; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Đến khi thu hoạch, Công ty Antesco sẽ thu mua sản phẩm. Nhờ vậy, năng suất bắp đạt khá cao, bình quân 35,5 tạ/ha. Vụ hè thu rồi, toàn bộ sản phẩm được Công ty hợp đồng tiêu thụ với giá 15.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận bình quân 23,6 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ngoài trồng bắp, nông dân còn tận dụng thân cây bắp để nuôi bò thịt cho lợi nhuận kinh tế khá cao.
Đánh giá về mô hình, ông Huỳnh Ngọc Chiến - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lấp Vò cho biết: Qua thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cụ thể là mô hình trồng bắp non thu trái tại 2 xã Hội An Đông và Mỹ An Hưng A, cho thấy mô hình đạt năng suất và hiệu quả khá cao so với nhiều loại hoa màu khác. Bởi đặc điểm của loại hoa màu này là thời gian sinh trưởng khá ngắn, mỗi năm nông dân có thể sản xuất từ 3 - 5 vụ. Bên cạnh đó, kỹ thuật trồng bắp cũng khá đơn giản, nên khả năng phát triển với diện tích lớn là có thể thực hiện được.
Thời gian tới, để phục vụ cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất canh tác, địa phương đang tiếp tục đầu tư nạo vét các kênh mương nội đồng, gia cố hệ thống tiểu vùng đê bao khép kín, đầu tư trạm bơm điện, hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa màu cho người dân. Đặc biệt, củng cố tìm đầu ra ổn định cho hoa màu, giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Có thể bạn quan tâm

Tháng 9, đặt chân đến khối Trung Nghĩa và Dốc Cao, thuộc phường Quang Tiến, TX Thái Hòa, Nghệ An, hẳn ai cũng phải ngỡ ngàng thán phục, bởi vụ bưởi hồng năm nay nhà nào cũng "hái" được hàng trăm triệu đồng.

Từ đôi bàn tay trắng, vợ chồng anh Đặng Quang Hữu, thôn Khe Van, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã gây dựng nên cơ nghiệp trị giá cả tỷ đồng. Không những vậy, mỗi năm anh còn giúp đỡ hàng trăm hộ có công ăn việc làm, có thu nhập...

Nhờ nuôi 1.000 cặp bồ câu Pháp giống, mỗi tháng gia đình ông Hứa Công Lương (55 tuổi, ở thôn An Ngãi Đông, xã Hoà Sơn, Hoà Vang, Đà Nẵng) đã ăn nên, làm ra, tạo được cuộc sống khấm khá.

Mải miết những ý tưởng mới trong sản xuất kinh doanh chè, anh Trịnh Xuân Thanh, chủ cơ sở sản xuất thương mại Duy Phát, thôn 12, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) luôn đau đáu với mô hình sản xuất chè an toàn bằng phương pháp hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân bón hóa học…

Bà con nông dân ở ấp Phú Thuận, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chủ yếu sống bằng nghề trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi, việc nuôi lươn còn rất mới mẻ, ít được bà con quan tâm. Với quyết tâm học hỏi và sự chí thú làm ăn tìm cách vươn lên làm giàu, anh Nguyễn Văn Bộ mạnh dạn nuôi lươn thương phẩm từ con giống đẻ tự và đã đạt được hiệu quả ngoài mong đợi.