Xây Dựng Nông Thôn Mới Ở Hiệp Hòa Lấy Thôn Làm Động Lực
Để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân ở cơ sở và huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), năm nay, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) lấy thôn là địa bàn triển khai. Đây là cách làm sáng tạo mang lại kết quả tích cực.
Cách làm mới
Khi mới triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, người dân cũng như cấp ủy, chính quyền một số thôn của huyện Hiệp Hòa còn lúng túng, chưa huy động được bà con cùng vào cuộc nên một số tiêu chí hoàn thành chậm. Xác định xây dựng được nhiều thôn NTM thì xã sẽ sớm đạt chuẩn nên cuối năm 2013, Huyện ủy Hiệp Hòa ban hành Chỉ thị số 07 về đẩy mạnh xây dựng NTM, trong đó lấy địa bàn thôn, xóm để triển khai với phương châm: “Từ đồng về nhà, từ nhà ra thôn, từ thôn lên xã”.
Việc gì đa số nhân dân ở thôn thấy cần làm trước thì ưu tiên, việc gì thôn làm được thì trao quyền tự chủ, tự quản… Để các thôn có căn cứ thực hiện, UBND huyện ban hành bộ tiêu chí thôn NTM trên cơ sở thống nhất với bộ tiêu chí quốc gia.
Sau khi rà soát, Hiệp Hòa chọn 22 thôn ở 12 xã để làm điểm đó là: Bái Thượng, Phú Thuận, An Hòa, Giữa, An Lập, Khánh Vân, Tân Sơn (xã Đoan Bái); Trung Tâm (xã Hợp Thịnh); Xuân Thành (xã Châu Minh); Bảo An, An Cập, Hoàng Liên (xã Hoàng An); Trung Phú (xã Danh Thắng); Tân Hiệp (xã Thường Thắng); Vạn Thạch, Vân Xuyên (xã Hoàng Vân); Tam Hợp (xã Thanh Vân); Bảo Mản (xã Đại Thành); Tân Sơn (xã Hùng Sơn); Phúc Ninh (xã Hương Lâm); Chúng (xã Đông Lỗ); Thanh Lâm (xã Hoàng Lương). Số thôn này trước khi xây dựng NTM đều chưa đạt các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường.
Ông Ngô Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để các thôn dễ nắm bắt và thực hiện, ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo NTM huyện họp các xã có thôn điểm phổ biến chủ trương và chỉ đạo phòng chức năng triển khai sâu rộng xuống cơ sở; ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể. Các thành viên Ban chỉ đạo huyện thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hỗ trợ ban quản lý thôn tháo gỡ khó khăn. UBND huyện trích kinh phí gần 2,6 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng lò đốt rác và thưởng cho thôn đạt chuẩn NTM năm 2014 là 10 triệu đồng, năm 2015 là 8 triệu đồng, 2016 là 6 triệu đồng/thôn”.
Nhiều thôn về đích sớm
Với cách làm trên, nhiều thôn ở Hiệp Hòa nỗ lực phấn đấu hoàn thành các tiêu chí, góp phần nâng cao cuộc sống, tạo diện mạo mới cho làng quê. Điển hình như thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh. Trước khi xây dựng NTM, thôn có một số tiêu chí chưa hoàn thành như: Giao thông nội đồng, thu nhập bình quân, môi trường. Năm 2014, thôn Trung Tâm huy động sức dân và con em thành đạt góp tiền, góp sức.
Ông Lê Mạnh Phúc, Bí thư Chi bộ thôn nói: “Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ xây dựng NTM là mang lại lợi ích cho chính mình nên năm 2014 đã đóng góp được hơn hai tỷ đồng để đầu tư cứng hóa hơn ba km kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất”.
Đi trên tuyến đường nội đồng vừa cứng hóa rộng 2,5m-4m, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của bà con nơi đây. Ông Nguyễn Văn Chép nói: “Gia đình tôi nhận thầu 52 mẫu ao, hồ nuôi cá của thôn. Trước đây, đường nhỏ hẹp, lầy lội, mỗi lần thu hoạch tôi phải dùng xe cải tiến kéo cá về để bán cho khách. Nay đường nội đồng cứng hóa đến tận bờ ao nên xe ô tô vào thu mua cá rất thuận lợi”.
Cũng như ông Chép, nhiều hộ khác trong thôn đã vơi bớt vất vả mỗi khi thu hoạch thủy sản và rau màu hàng hóa. Được biết, mỗi năm người dân thôn Trung Tâm nuôi gần 40 ha thủy sản, sản xuất khoảng 35 ha rau màu mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong thôn tăng lên 21 triệu đồng, vượt mốc đề ra đến năm 2015. Cùng với đó, để hoàn thành tiêu chí môi trường, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của huyện, thôn xây dựng lò đốt rác và thành lập 5 tổ thu gom ở các xóm nên khắc phục được tình trạng xả rác thải bừa bãi trước đây.
Tương tự, năm 2014, xã Đoan Bái chọn thôn An Hòa để xây dựng NTM bởi đây là thôn có nhiều tiêu chí chưa hoàn thành, cần tập trung nguồn lực. Theo đó, xã phối hợp với Ban quản lý thôn gắn xây dựng NTM với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Với sự nỗ lực của cấp ủy, An Hòa đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa, qua rà soát, thẩm định đến nay trong số 22 thôn đăng ký xây dựng NTM có 20 thôn đã hoàn thành đủ các tiêu chí; 2 thôn đang phấn đấu thực hiện xong các tiêu chí còn lại vào cuối năm nay.
"Các thôn xây dựng NTM đồng loạt về đích trong năm nay góp phần giúp các xã hoàn thành thêm nhiều tiêu chí. Hiện nay 5 xã điểm có thôn xây dựng NTM đạt bình quân 16,2 tiêu chí/xã, tăng 3 tiêu chí so với năm ngoái" - Ông Ngô Đình Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa.
Nguồn bài viết: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/135429/xay-dung-nong-thon-moi-o-hiep-hoa--lay-thon-lam-dong-luc.html
Có thể bạn quan tâm
Công ty Cổ phần Thủy sản Sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) cho biết, trong thời gian vừa qua, giá tôm nguyên liệu tại Việt Nam ở mức thấp, trong khi nuôi tôm lại rủi ro cao nên nhiều người dân không muốn tiếp tục nuôi tôm nữa.
Thời gian gần đây, rau câu được mùa, được giá đã giúp cho nhiều gia đình ở ven đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) thêm phấn khởi. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức, không theo bất cứ quy trình nào gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái vùng đầm này.
Khi đoàn kiểm tra 7 loại thuốc, hóa chất trong nuôi thủy sản của 1 hộ nuôi tôm thì có đến 2 loại không rõ nguồn gốc, nhãn hiệu, công dụng đều vi phạm. Đây là vấn đề đáng lo ngại đối với thị trường thuốc, hóa chất phục vụ nuôi thủy sản ở Sóc Trăng hiện nay.
Phú Yên vừa công bố đề án Thí điểm chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ của Công ty cổ phần Bá Hải. Đây là một trong những đề án thí điểm do Bộ NN-PTNT triển khai tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa nhằm hướng tới mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia.
Trong ngày đầu tiên quảng bá sản phẩm vải thiều Thanh Hà tại thủ đô, Hapro đã niêm yết giá 19.000 đồng/kg tại các hệ thống bán lẻ của đơn vị.