Xây Dựng Nông Thôn Mới Ở Hiệp Hòa Lấy Thôn Làm Động Lực

Để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân ở cơ sở và huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), năm nay, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) lấy thôn là địa bàn triển khai. Đây là cách làm sáng tạo mang lại kết quả tích cực.
Cách làm mới
Khi mới triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, người dân cũng như cấp ủy, chính quyền một số thôn của huyện Hiệp Hòa còn lúng túng, chưa huy động được bà con cùng vào cuộc nên một số tiêu chí hoàn thành chậm. Xác định xây dựng được nhiều thôn NTM thì xã sẽ sớm đạt chuẩn nên cuối năm 2013, Huyện ủy Hiệp Hòa ban hành Chỉ thị số 07 về đẩy mạnh xây dựng NTM, trong đó lấy địa bàn thôn, xóm để triển khai với phương châm: “Từ đồng về nhà, từ nhà ra thôn, từ thôn lên xã”.
Việc gì đa số nhân dân ở thôn thấy cần làm trước thì ưu tiên, việc gì thôn làm được thì trao quyền tự chủ, tự quản… Để các thôn có căn cứ thực hiện, UBND huyện ban hành bộ tiêu chí thôn NTM trên cơ sở thống nhất với bộ tiêu chí quốc gia.
Sau khi rà soát, Hiệp Hòa chọn 22 thôn ở 12 xã để làm điểm đó là: Bái Thượng, Phú Thuận, An Hòa, Giữa, An Lập, Khánh Vân, Tân Sơn (xã Đoan Bái); Trung Tâm (xã Hợp Thịnh); Xuân Thành (xã Châu Minh); Bảo An, An Cập, Hoàng Liên (xã Hoàng An); Trung Phú (xã Danh Thắng); Tân Hiệp (xã Thường Thắng); Vạn Thạch, Vân Xuyên (xã Hoàng Vân); Tam Hợp (xã Thanh Vân); Bảo Mản (xã Đại Thành); Tân Sơn (xã Hùng Sơn); Phúc Ninh (xã Hương Lâm); Chúng (xã Đông Lỗ); Thanh Lâm (xã Hoàng Lương). Số thôn này trước khi xây dựng NTM đều chưa đạt các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường.
Ông Ngô Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để các thôn dễ nắm bắt và thực hiện, ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo NTM huyện họp các xã có thôn điểm phổ biến chủ trương và chỉ đạo phòng chức năng triển khai sâu rộng xuống cơ sở; ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể. Các thành viên Ban chỉ đạo huyện thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hỗ trợ ban quản lý thôn tháo gỡ khó khăn. UBND huyện trích kinh phí gần 2,6 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng lò đốt rác và thưởng cho thôn đạt chuẩn NTM năm 2014 là 10 triệu đồng, năm 2015 là 8 triệu đồng, 2016 là 6 triệu đồng/thôn”.
Nhiều thôn về đích sớm
Với cách làm trên, nhiều thôn ở Hiệp Hòa nỗ lực phấn đấu hoàn thành các tiêu chí, góp phần nâng cao cuộc sống, tạo diện mạo mới cho làng quê. Điển hình như thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh. Trước khi xây dựng NTM, thôn có một số tiêu chí chưa hoàn thành như: Giao thông nội đồng, thu nhập bình quân, môi trường. Năm 2014, thôn Trung Tâm huy động sức dân và con em thành đạt góp tiền, góp sức.
Ông Lê Mạnh Phúc, Bí thư Chi bộ thôn nói: “Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ xây dựng NTM là mang lại lợi ích cho chính mình nên năm 2014 đã đóng góp được hơn hai tỷ đồng để đầu tư cứng hóa hơn ba km kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất”.
Đi trên tuyến đường nội đồng vừa cứng hóa rộng 2,5m-4m, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của bà con nơi đây. Ông Nguyễn Văn Chép nói: “Gia đình tôi nhận thầu 52 mẫu ao, hồ nuôi cá của thôn. Trước đây, đường nhỏ hẹp, lầy lội, mỗi lần thu hoạch tôi phải dùng xe cải tiến kéo cá về để bán cho khách. Nay đường nội đồng cứng hóa đến tận bờ ao nên xe ô tô vào thu mua cá rất thuận lợi”.
Cũng như ông Chép, nhiều hộ khác trong thôn đã vơi bớt vất vả mỗi khi thu hoạch thủy sản và rau màu hàng hóa. Được biết, mỗi năm người dân thôn Trung Tâm nuôi gần 40 ha thủy sản, sản xuất khoảng 35 ha rau màu mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong thôn tăng lên 21 triệu đồng, vượt mốc đề ra đến năm 2015. Cùng với đó, để hoàn thành tiêu chí môi trường, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của huyện, thôn xây dựng lò đốt rác và thành lập 5 tổ thu gom ở các xóm nên khắc phục được tình trạng xả rác thải bừa bãi trước đây.
Tương tự, năm 2014, xã Đoan Bái chọn thôn An Hòa để xây dựng NTM bởi đây là thôn có nhiều tiêu chí chưa hoàn thành, cần tập trung nguồn lực. Theo đó, xã phối hợp với Ban quản lý thôn gắn xây dựng NTM với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Với sự nỗ lực của cấp ủy, An Hòa đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa, qua rà soát, thẩm định đến nay trong số 22 thôn đăng ký xây dựng NTM có 20 thôn đã hoàn thành đủ các tiêu chí; 2 thôn đang phấn đấu thực hiện xong các tiêu chí còn lại vào cuối năm nay.
"Các thôn xây dựng NTM đồng loạt về đích trong năm nay góp phần giúp các xã hoàn thành thêm nhiều tiêu chí. Hiện nay 5 xã điểm có thôn xây dựng NTM đạt bình quân 16,2 tiêu chí/xã, tăng 3 tiêu chí so với năm ngoái" - Ông Ngô Đình Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa.
Nguồn bài viết: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/135429/xay-dung-nong-thon-moi-o-hiep-hoa--lay-thon-lam-dong-luc.html
Related news

Đến thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xuống giống được hơn 10.000ha mía của niên vụ 2015 - 2016, trong đó, huyện Phụng Hiệp (địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh) đã xuống giống được hơn 7.200ha, diện tích còn lại được phân bổ ở thị xã Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh và một phần huyện Long Mỹ. Hiện mía trong giai đoạn từ mới trồng đến gần 3 tháng tuổi và đang phát triển tốt.

Song năm nay tình hình hoàn toàn trái ngược. Tại thôn Lạc Hòa của xã Ninh An, nhiều ruộng ớt cây lên rất tốt nhưng đến kỳ thu hoạch thì tự nhiên lá bị cháy và trái bị thối đồng loạt. Ngoài ra, không ít ruộng ớt lại mắc phải bệnh xoắn lá, khiến cây ớt không ra hoa được.

Thôn Quật Xá (xã Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị) là vùng đất thuần nông, người dân quanh năm chỉ trồng các loại cây ngắn ngày như lúa, lạc và sắn. Trong câu chuyện làm ăn của những người dân địa phương, mọi người thường nhắc đến một cô gái trẻ tên là Hải Đường đang ngày đêm miệt mài phát triển mô hình trồng nấm sò.

Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Nguyễn Hữu An thông tin: “Thời gian nghỉ Tết hàng năm, cán bộ, kỹ thuật viên của đơn vị vẫn đảm bảo công tác trực nhật và ra đồng cùng nông dân. Các trạm BVTV huyện đã phân công cán bộ xuyên suốt tại cơ quan, đồng thời nhắc nhở anh em kỹ thuật viên phải phối hợp cùng nông dân thăm đồng dịp Tết vì khả năng xảy ra sâu bệnh cao trong thời gian này”.

Gia đình anh Trần Đình Vân ở thôn 2, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Dak Lak) hiện có 3 ha cà phê kinh doanh. Mỗi đợt tưới, với 2 máy bơm tiêu hao khoảng 160 lít dầu, chi phí khoảng 3 triệu đồng. Anh Vân cho biết, thời điểm năm ngoái, gia đình anh phải tốn khoảng 5 triệu đồng để mua dầu chạy máy bơm/đợt tưới. Nhưng đến nay, giá dầu giảm sâu, giúp người dân tiết kiệm khá nhiều.