Nông Dân Mộ Đức Thu Nhập Cao Nhờ Trồng Cà Tím
Mùa mưa, trong khi nhiều nơi khác trong tỉnh Quảng Ngãi việc trồng cây rau màu gặp khó khăn do thời tiết bất lợi, thì với nhiều bà con nông dân ở các xã Đức Thạnh, Đức Minh, Đức Chánh (Mộ Đức) lại là mùa "ăn nên làm ra", nhờ trồng cà tím trên những vùng đất cát.
Ở những vùng đất cát bạc màu, tưởng chừng như việc trồng và phát triển cây rau màu là điều không thể, thế nhưng dưới bàn tay cần cù của người nông dân, tại những vùng đất ấy mùa này là bạt ngàn màu xanh của đủ loại cây hoa màu. Trong đó cây cà tím đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Về các xã này vào thời điểm này, đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp những ruộng cà tím xanh tốt. Nơi thì đang trong kỳ thu hoạch, nơi đang chuẩn bị ra hoa, lại có ruộng cà tím vừa được trồng để kịp thu hoạch vào cuối năm. Ngày nào cũng vậy, trên những ruộng cà tím là cảnh thu hoạch rất nhộn nhịp, người thì hái trái, người thì rửa sạch cà để cân cho thương lái, tiếng cười nói giòn giã vì cà tím được giá.
Tranh thủ cùng gia đình thu hoạch hơn 5 sào cà tím để chiều kịp bán cho thương lái, lão nông Nguyễn Thanh Tính ở thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh hồ hởi tiếp chuyện, khi biết chúng tôi tìm hiểu về hiệu quả kinh tế của cây cà tím.
Ông Tính cho biết: Thời điểm này ruộng cà của gia đình vào giai đoạn thu hoạch rộ. Cứ 2 ngày hái 1 đợt, mỗi đợt hái khoảng trên 600kg. Với mức giá 4.500 đồng/kg, chẳng nói giấu gì, mới thu hoạch 2 đợt, nhưng tôi đã thu về hơn 10 triệu đồng từ 5 sào cà tím.
"So với các loại cây trồng khác thì cây cà tím trong những năm gần đây mang lại hiệu kinh tế rất cao bà con nông dân chúng tôi ở đây. Bình quân 1 sào cà tím, nếu thời tiết thuận lợi, thu hoạch cũng được vài tấn cà/vụ. Việc tiêu thụ cũng dễ dàng, vào mùa cà, các thương lái đem hẳn ô tô đến tận ruộng thu mua, không phải gồng gánh đi đâu cho mệt nhọc"- ông Tính cho biết.
Dạo trên những vùng trồng cà tím, chứng kiến cảnh nông dân phấn khởi, tất bật thu hoạch mà thấy vui lây. Biết cây cà tím thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng nên hàng trăm nông dân đã quyết định cải tạo hàng chục hécta đất cát bạc màu để trồng cà tím và các loại cây hoa màu trong mùa mưa. Nhà trồng ít cũng trên 2 sào, nhà nhiều 9-10 sào. Năm nay, ngần ấy diện tích, nhiều hộ nông dân rất vui mừng trước khoản tiền lớn thu được.
Gắn bó với cây cà tím hơn 4 năm nay, ông Huỳnh Thanh Bình ở thôn Lương Nông Nam, xã Đức Thạnh cho hay: Đây là loại cây rất thích hợp với vùng đất cát tại địa phương, ngoài ra cây cà cũng dễ trồng, ít công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu thấp, nhưng bán rất được giá. Thêm vào đó cây cà tím sau khi trồng khoảng 60 - 65 ngày là có thể thu hoạch lứa đầu và có thể thu hoạch liên tục nhiều lứa sau đó nếu thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt.
Do trồng gối đầu, nên ngày nào cây cà tím cũng mang về thu nhập tiền triệu cho gia đình ông Bình. Chỉ ruộng cà xanh tươi đang kỳ thu hoạch, ông Bình cho biết: Với 6 sào cà tím nhưng tôi trồng 2 lứa khác nhau, mỗi lứa 3 sào. Bình quân mỗi ngày gia đình tôi hái khoảng 250kg cà. Tính ra, với giá bán hiện nay, mỗi ngày tôi thu khoảng trên 1 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thu- một thương lái đã nhiều năm thu mua cà cho biết: Năm nay bà con nông dân trồng cà tím thắng lớn, năng suất rất cao, giá cả ổn định. Thời điểm cà thu hoạch rộ, mỗi ngày chị thu mua khoảng trên 10 tấn. Ngoài việc vận chuyển đến bán ở các chợ trong tỉnh thì chị còn bán ở các tỉnh khác như: Đà Nẵng, Bình Định, Kon Tum...
Có thể nói, cây cà tím đã thật sự giúp người nông dân có nguồn thu nhập ổn định trong mùa mưa. Chia sẻ niềm vui với những người “một nắng hai sương”, chúng tôi nhớ hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi rắn mối tại xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Bình Thuận được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) tỉnh triển khai cách đây chưa lâu. Kết quả cho thấy, con nuôi này có thể đem lại nguồn thu nhập ổn định cho lao động nông nhàn, bởi vốn đầu tư không lớn và cũng không tốn nhiều công sức…
Trong khi, theo khuyến cáo của các nhà khoa học thì lượng phân vô cơ bón cho 1ha tiêu để đạt năng suất cao nhất và hiệu quả kinh tế là từ 200 – 400kg N, 100 – 200kg P2O5, 225 – 400kg K2O trong mỗi năm, tùy theo chân đất và loại trụ trồng tiêu. Việc bón bổ sung phân hữu cơ hoặc phân bón lá đã cung cấp thêm một lượng dinh dưỡng khoáng đa lượng, trung và vi lượng cho cây tiêu. Phân gà và phân hữu cơ chế biến có tác dụng tốt trong phòng trừ bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora capsici.
Nhu cầu về thực phẩm vào dịp Tết dự tính tăng khoảng 30%, tuy nhiên, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, với việc tăng đàn gia súc, gia cầm hiện nay, nguồn cung sẽ được đảm bảo.
Sau một thời gian bị lãng quên, hiện vú sữa tím được nhiều nhà vườn ở xã Xuân Hòa (Kế Sách - Sóc Trăng) quan tâm vì đây là loại cây cho lợi nhuận cao nhờ cho thu hoạch sớm hơn 1-2 tháng so với vú sữa Lò Rèn, có thể vận chuyển xa và được thị trường chấp nhận.
Sau lũ, nông dân xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) khẩn trương vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh, chuẩn bị con giống để tái đàn và phát triển chăn nuôi. Đây là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng trong đợt lũ lụt vừa qua.