Hiệu Quả Mô Hình Sản Xuất Đậu Nành Kết Hợp Bao Tiêu Sản Phẩm
Vụ hè thu năm 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành triển khai thực hiện mô hình sản xuất đậu nành kết hợp bao tiêu sản phẩm tại xã Tân Nhuận Đông, mô hình bước đầu cho hiệu quả cao hơn so với trồng lúa.
Mô hình sản xuất đậu nành kết hợp bao tiêu sản phẩm được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai thực hiện vụ hè thu năm 2013 tại ấp Tân Lập và Tân Bình, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành với quy mô gần 40ha, có 78 hộ tham gia thực hiện. Tham gia mô hình, nông dân được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, cách bảo quản; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Nhờ vậy mà năng suất đậu nành của xã đạt khá cao, trung bình trên 21 tạ/ha. Sau khi trừ chi phí 1ha đậu nành cho thu nhập hơn 31 triệu đồng (cao gấp 2 lần so với sản xuất lúa vụ hè thu cùng thời điểm).
Điều đáng mừng là ngoài được hỗ trợ kỹ thuật, người dân còn được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra với điểm thu mua đậu nành của ông Nguyễn Văn Nho (ở ấp Tân Lập, xã Tân Nhuận Đông). Hợp đồng theo hình thức, trước khi bước vào vụ sản xuất, điểm thu mua của ông Nho tìm đầu mối thu mua đậu nành ở các nơi, sau đó hợp đồng thu mua đậu nành của người dân theo giá thị trường. Vụ hè thu vừa qua, ông Nho thu mua đậu nành của người dân với giá trung bình từ 15.400 - 16.000 đồng/kg (cao hơn giá thị trường 400 đồng/kg) nên đa phần người dân tham gia đều rất phấn khởi.
Ông Tống Thanh Sơn - hộ dân tham gia mô hình ở ấp Tân Lập, xã Tân Nhuận Đông chia sẻ: “Từ khoảng 10 năm trở lại đây, vụ hè thu nào gia đình tôi cũng trồng 8 - 10 công đậu nành. Tùy theo từng loại có giá khác nhau nên chúng tôi không lo hàng không bán được”. Giống như ông Sơn, nhiều người dân địa phương cũng bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi đậu nành có được đầu ra tương đối ổn định nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa người dân với điểm thu mua đậu nành tại địa phương.
Tuy nhiên, ông Sơn và nhiều nông dân khác đang lo lắng về tình hình tưới tiêu của hoa màu hiện nay do hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh cũng như chưa khép kín ô bao nên chưa chủ động nguồn nước tưới. Từ đó, chưa gieo sạ đồng loạt, cũng như việc phòng trừ cỏ dại. Bên cạnh đó, do tình hình giá cả không ổn định, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng, nên giá thành sản xuất chắc chắn sẽ cao hơn vụ thử nghiệm vừa qua. Giá cả đậu nành hiện nay rất bấp bênh, nên người dân mong muốn vụ hè thu năm tới sẽ tiếp tục được hỗ trợ để bà con có lợi nhuận cao trong sản xuất.
Bà Đinh Thị Thu Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nhuận Đông cho biết: Đây là mô hình đầu tiên của xã được thực hiện dưới hình thức liên kết giữa nông dân với điểm thu mua nông sản, từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Dù kết quả ban đầu còn khiêm tốn, song đã nói lên được tính hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 3 vụ lúa sang 2 lúa 1 màu mang lại hiệu quả cao. Từ hiệu quả của mô hình này, tới đây xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng đậu nành trên địa bàn xã, bên cạnh đó có thể triển khai thêm nhiều loại cây trồng khác, thực hiện ký hợp đồng thu mua và hỗ trợ giống cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Đây là năm thứ 2 liên tiếp, người nuôi ốc hương trong đìa ở vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông thuộc TX Sông Cầu (Phú Yên) thu tiền tỷ.
Sản lượng tôm của Thái Lan sẽ không thể quay trở lại được mức cao trước đây do các vấn đề liên quan đến dịch bệnh EMS/AHPND (dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành tôm nước này từ năm 2012) vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ngày 5/8/2015, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II (2015 - 2020) nhằm đánh giá kết quả hoạt động nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng nhiệm kỳ tới. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền đã tham dự Đại hội.
Từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 8 năm 2015, tại thị trấn Phước Bửu – Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức lớp tập huấn “Bồi dưỡng kỹ năng khuyến nông và kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP” cho 30 học viên là cộng tác viên khuyến nông, chủ trang trại và bà con nuôi tôm trong tỉnh.
Làm thế nào để người dân nâng cao hiệu quả và năng suất, thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (ntts) tỉnh - đó là trăn trở của các cán bộ chuyên trách địa phương và của các chuyên gia lâu năm trong ngành ntts.