Xây Dựng Mô Hình Nuôi Tôm Theo Tiêu Chuẩn VietGAP
Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang vừa triển khai thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5 hecta tại hộ nuôi tôm Trần Văn Mừng, ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.
Đây là mô hình nuôi tôm áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) đầu tiên được xây dựng trên địa bàn tỉnh thuộc Dự án đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản từ nguồn kinh phí "Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2013". Sau khi mô hình này được chứng nhận sản xuất theo VietGAP sẽ được tổng kết, rút kinh nghiệm tiến tới khuyến khích áp dụng đại trà.
Theo Chi cục Thủy sản, qua khảo sát các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cho thấy, cơ sở nuôi tôm của ông Trần Văn Mừng có điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh, nguồn nước sử dụng đảm bảo chất lượng, không gần nguồn gây ô nhiễm..., nhất là chủ cơ sở nuôi rất nhiệt tình hợp tác trong việc xây dựng mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để có thể được chứng nhận VietGAP, chủ cơ sở nuôi, nhân viên kỹ thuật, công nhân tại cơ sở nuôi tôm sẽ được giảng viên VietGAP của Chi cục Thủy sản đào tạo những kiến thức cơ bản về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nuôi trồng thủy sản, quản lý sức khỏe động vật thủy sản, bảo vệ môi trường, nâng hiệu quả kinh tế; các yêu cầu và phương thức sản xuất theo VietGAP gồm có 68 tiêu chí; hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cho mô hình; tập huấn ghi chép hồ sơ biểu mẫu hệ thống cho mô hình, theo dõi hướng dẫn ghi chép thực tế, hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận... Ngoài ra, Chi cục Thủy sản còn hỗ trợ hộ nuôi dụng cụ theo dõi môi trường cho mô hình, dấu hiệu nhận biết hệ thống cơ sở nuôi...
Theo kế hoạch, dự án xây dựng mô hình nuôi tôm theo VietGAP tại hộ nuôi ông Trần Văn Mừng sẽ được thực hiện trong 2 năm (2013-2014). Dự kiến đến cuối năm 2013, các công đoạn đào tạo, tập huấn, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, trang thiết bị, cơ sở vật chất... sẽ chuẩn bị xong. Sang vụ nuôi tôm chính vụ năm 2014, hộ nuôi chính thức bước vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đến cuối vụ nuôi sẽ tiến hành mời tổ chức chứng nhận đánh giá chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi tôm của ông Trần Văn Mừng.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 3/11, tại xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai đã tổ chức Hội nghị công bố Chứng nhận vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho 1.000 ha chè hàng hóa của huyện Mường Khương.
Tại xã An Cư (Tịnh Biên - An Giang), nhiều nông dân chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ và thu lợi nhuận cao. Ông Hồ Văn Ri, người trồng thanh long ruột đỏ, cho biết: “Tôi trồng loại cây này gần 3 năm rồi, thu nhập được lắm.
Sau khi giảm mạnh còn 30.000 đ/chục (12 trái) trong những ngày đầu tháng 8/2013, hiện giá dừa tươi tại nhiều nơi trong tỉnh Vĩnh Long xuống chỉ còn 25.000 đ/chục.
Hiện nay, thương lái mua quít đường tại Long Trị (Long Mỹ, Hậu Giang) chỉ còn 25.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng so với 1 tháng trước đó. So với cùng kỳ năm trước, giá quít năm nay tuy giảm nhưng vẫn cao hơn 6.000 đồng/kg.
Về thăm miệt vườn Kế Sách (Sóc Trăng), du khách sẽ biết đến các loại trái cây ngon qua lời giới thiệu "bưởi Kế Thành, cam sành Trinh Phú, vú sữa Xuân Hòa". Trong đó, vú sữa tím Xuân Hòa, sau một thời gian bị lãng quên nay được nhiều nhà vườn quan tâm đặc biệt vì đây là loại cây cho lợi nhuận rất cao nhờ trái cho thu hoạch sớm hơn khoảng 1-2 tháng so với vú sữa Lò Rèn, có thể vận chuyển xa và được thị trường chấp nhận.