Xã Phước Thuận (Bà Rịa Vũng Tàu) Thí Điểm Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Nước Ngọt
Do phải “treo ao” ngưng nuôi tôm vì thiếu nước mặn, tình hình dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại, một số hộ dân tại xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đã mày mò thí điểm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước ngọt.
Người đầu tiên đi tiên phong thí điểm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt là ông Nguyễn Quốc Vinh, ở ấp Ông Tô, xã Phước Thuận. Đầu tháng 10-2014, ông Nguyễn Quốc Vinh đã thu hoạch lứa tôm thẻ chân trắng nuôi hoàn toàn bằng nước ngọt đầu tiên. Ông Vinh cho biết, với ao nuôi có diện tích 5.000m2, ông thả 270.000 con giống tôm thẻ chân trắng cỡ Post 12, sau 80 ngày thả nuôi, tôm đạt kích cỡ khoảng 76 con/kg, sản lượng thu hoạch 2.200kg.
Theo tính toán của ông Vinh và cán bộ chuyên môn, tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng nuôi bằng nước ngọt đạt khoảng 61%, so với cách nuôi truyền thống nước lợ có phần kém hơn, nhưng việc thả nuôi tôm thẻ chân trắng hoàn toàn bằng nước ngọt có một phần thành công nhờ vào một số loại “thảo dược” được ông nghiên cứu, chế biến, trộn vào khẩu phần cho tôm ăn hàng ngày.
“Việc sử dụng các loại thảo dược giúp chúng tôi không phải sử dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi, giảm nhiều chi phí… Lứa thu hoạch đầu tiên thành công, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện quy trình trên để áp dụng thả lứa tôm tiếp theo” - ông Nguyễn Quốc Vinh cho hay.
Cũng tại ấp Ông Tô, ông Ngô Văn Thức đã thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng nước ngọt này. Liên tiếp phải đối mặt với những vụ nuôi không thành công trong các vụ nuôi tôm vừa qua, sau khi học hỏi kinh nghiệm, ông Thức quyết định đầu tư, cải tạo ao và thả giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích 2.800m2 của gia đình, nuôi hoàn toàn bằng nước ngọt, theo quy trình có sử dụng thảo dược chiết xuất từ thiên nhiên.
Sau 2 tháng 16 ngày thả nuôi, ngày 9-12-2014, cơ sở nuôi tôm của ông Thức đã thu hoạch 4,5 tấn tôm/2.800m2, ước tính năng suất bình quân đạt khoảng 15 tấn/ha. Ngoài kết quả thu được từ mô hình này là sản lượng khá, chi phí cho việc sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh cũng giảm đáng kể, thời gian thu hoạch cũng sớm hơn so với các vụ trước.
Sự thành công bước đầu của các hộ dân áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước ngọt tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuận đang phần nào giúp cho người dân nơi đây giải tỏa bớt cơn “khát mặn” bấy lâu. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, việc nuôi tôm thẻ chân trắng bằng nước ngọt và đặc biệt là việc mở rộng diện tích nuôi rất cần được các cơ quan chuyên môn, các cấp, các ngành và địa phương có ý kiến cụ thể.
Bởi trong môi trường nước ngọt hoàn toàn, người nuôi tôm rất dễ gặp các sự cố kỹ thuật, nhất là bảo đảm độ kiềm, pH, ô xy hòa tan, khoáng chất cần thiết trong môi trường nước nuôi của các vụ nuôi kế tiếp. Trước mắt, trong khi chờ ý kiến của các cơ quan chuyên môn cũng như hoàn thiện quy trình nuôi, cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con cẩn trọng, từng bước thử nghiệm, tránh tình trạng thả nuôi ồ ạt nhằm tránh “lợi bất cập hại”, gây ra những hệ lụy không đáng có như đã từng xảy ra bấy lâu nay.
Có thể bạn quan tâm
Sau 8 tháng đưa giống cây măng tây xanh về trồng thử nghiệm tại thôn Trước, xã Tự Lạn (Việt Yên, Bắc Giang), mô hình này của Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Bắc Giang được nhiều người đánh giá là giống cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Một chiều cuối tuần, anh nông dân trẻ Nguyễn Trung Thành đang thu hoạch những trái ớt ngọt baby cho vừa đủ số lượng 3 tạ, chuyển ngay về các siêu thị ở Sài Gòn tiêu thụ. Đây là diện tích 500 mét vuông nhà kính mà Thành đã canh tác ớt ngọt baby hơn 7 tháng qua, trong đó đã kết trái cho hoa lợi hơn 3 tháng.
Khoai lang Hoàng Long là loại cây đặc sản của Ninh Bình có thịt củ bở, màu vàng, bùi, ngọt dịu và có mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, thời gian qua, giống cây này đã bị thoái hóa dẫn đến năng suất, chất lượng không cao. Gần đây, giống khoai lang Hoàng Long đang được phục tráng, hứa hẹn giúp tăng năng suất, chất lượng và mở rộng diện tích sản xuất.
Trong mấy năm gần đây, giá kén ổn định ở mức cao, từ 120 ngàn - 140 ngàn đồng/kg, nên phong trào trồng dâu nuôi tằm ở Hoài Ân phát triển trở lại. Hiện toàn huyện có gần 300 ha dâu, tập trung ở các xã ven sông An Lão như Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Tín và Ân Mỹ.
Với nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ và đúng cách), Công ty Phú Lacue, Đà Lạt đã sử dụng 12 loại thuốc bảo vệ thực vật (nằm trong danh mục) phòng trừ hữu hiệu các đối tượng dịch hại phổ biến trên cây xà lách như: bệnh đốm đen, bệnh cháy lá, ruồi đục lá…