Hỗ trợ thức ăn giải pháp tích cực bảo bệ đàn gia súc vượt qua hạn hán
Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trước tình hình nắng nóng kéo dài, UBND tỉnh chỉ đạo chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện, trong đó, chú trọng chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc.
Xác định nguyên nhân trâu bò, dê cừu chết là do suy dinh dưỡng, nên giải pháp tạo nguồn thức ăn bổ sung cho đàn gia súc được ngành chức năng, các địa phương đặt lên hàng đầu. Trong 5 tháng đầu năm 2015, các huyện đã tổ chức di chuyển 17 ngàn con gia súc từ vùng nắng hạn đến dọc sông suối, chuyển đổi 830ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, bắp, đậu các loại vào vụ hè-thu đã tạo thêm nguồn thức ăn đáng kể cho đàn gia súc.
Đến đầu tháng 6, sau khi công bố thiên tai (hạn hán), tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tập trung thống kê, lên kế hoạch hỗ trợ thức ăn hỗn hợp cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại.Nhờ được hỗ trợ thức ăn gia súc trong mùa hạn hán, hộ nuôi dê giảm thiểu được nhiều thiệt hại.
Với quyết tâm hỗ trợ thức ăn gia súc nhanh chóng, đúng đối tượng, một số nơi đã có những cách làm linh động. Ở huyện Ninh Phước, trước khi được phân bổ kinh phí chống hạn, huyện đã chủ động ứng tiền từ nguồn ngân sách cấp phát cho các hộ dân tự mua thức ăn cho gia súc. Với cách làm mang tính “đột phá” này, đã cứu được hàng ngàn con dê, cừu non vượt qua hạn hán. Nông dân Ba Tấn, xã Phước Vinh, cho biết: Trong tình thế cấp bách, thì việc cấp phát tiền để hộ chăn nuôi chủ động mua thức ăn cho gia súc là thiết thực nhất.
Cũng chủ động trong tổ chức hỗ trợ hộ chăn nuôi, nhưng huyện Thuận Bắc lại có cách làm khác, vừa kịp thời, vừa đảm bảo đúng theo quy trình. Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết:
Lường trước những khó, trong tổ chức hỗ trợ thức ăn cho gia súc thường nảy sinh thắc mắc từ phía người dân, huyện đã thành lập các tổ công tác trực tiếp về 6 xã thống kê số hộ chăn nuôi nằm trong diện được hỗ trợ một cách chính xác; đồng thời, liên hệ với các công ty sản xuất thức ăn gia súc tổ chức đấu thầu cung cấp hàng hóa đảm bảo đúng theo nguyên tắc tài chính.
Đến nay, trong số tiền 11 tỷ đồng tỉnh cấp cho huyện để mua thức ăn gia súc hỗ trợ hộ chăn nuôi, huyện đã giải ngân được khoảng 70%.
Nỗ lực cứu đàn gia súc vượt qua mùa hạn của các địa phương đã đạt được những kết quả nhất định. Theo báo cáo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng gia súc thiệt hại đã giảm đánh kể. Cụ thể, tháng 6 là tháng có số gia súc chết cao nhất trong đợt hạn, lên đến 950 con, sang tháng 7 là 319 con, giảm 66,42% và 10 ngày đầu tháng 8 chỉ có 34 con; trong đó, trâu bò 5 con, dê cừu 29 con.
Nếu như những tháng trước, số gia súc chết rải đều trên tất cả các huyện, thì thời điểm hiện nay chủ yếu tập trung ở Ninh Hải. Tuy vậy, công tác hỗ trợ thức ăn gia súc trong mùa hạn còn bộc lộ một số hạn chế, đến nay, một số nơi hộ chăn nuôi nằm trong diện được hỗ trợ vẫn chưa nhận được thức ăn cho gia súc. Đơn cử như huyện Thuận Nam, số kinh phí được cấp hỗ trợ thức ăn gia súc là 11 tỷ đồng, nhưng tính đến ngày 10-8, mới giải ngân được 1 tỷ đồng.
Giải thích hạn chế này, đồng chí Trần Quốc Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho rằng: Nguyên nhân giải ngân kinh phí hỗ trợ thức ăn gia súc chậm là do huyện gặp lúng túng trong tổ chức thực hiện. Nếu cấp tiền mặt để các hộ tự mua thức ăn cho gia súc thì không có hóa đơn, chứng từ thanh quyết toán; còn tổ chức mời thầu nhà cung cấp phải qua các thủ tục kéo dài thời gian.
Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Phan Quang Thựu cho hay: Trong các tháng 5, 6 và 7, nắng hạn gay gắt, gia súc thiếu thức ăn trầm trọng, nên trên tinh thần chung là các địa phương tùy vào tình hình thực tế có thể tổ chức cấp phát tiền để hộ chăn nuôi mua thức ăn cho gia súc, nhưng phải đảm bảo các thủ tục để thanh quyết toán.
Từ đầu tháng 8 đến nay, tình hình không cấp bách như trước, nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương thức hỗ trợ phải qua tuyển chọn nhà cung cấp hàng hóa đúng theo quy định. Đối với địa phương đã hỗ trợ bằng tiền trước đó phải tổ chức rà soát, lên danh sách đối tượng có quy mô đàn gia súc đáp ứng tiêu chí theo hướng dẫn, công khai niêm yết danh sách và thành lập Hội đồng thẩm định trình UBND cùng cấp quyết định làm cơ sở triển khai hỗ trợ đảm bảo đầy đủ chứng từ để giải ngân theo nguyên tắc tài chính.
Từ kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nên công tác hỗ trợ thức ăn gia súc được đẩy nhanh, đúng theo quy trình. Đến nay, các huyện đã hoàn thành thủ tục chỉ định thầu, tổ chức rà soát danh sách, công khai rộng rãi theo quy định để người dân tham gia giám sát việc hỗ trợ kinh phí chống hạn đúng đối tượng, đúng quy định.
Có thể bạn quan tâm
TS Phạm Văn Tấn, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, cho biết như vậy vào hôm qua (17/7), trong buổi báo cáo chuyên đề về thực trạng và giải pháp sau thu hoạch, góp phần phát triển bền vững chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL tại Techmart công nghệ sau thu hoạch 2014 ở Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ TP.HCM.
Nay đã có câu trả lời, niên vụ ép này Cty Đường Bình Định bắt đầu khởi động vào ngày 4/12/2014, giá thu mua cao, cam kết trả tiền sau 3 ngày. Vụ trồng mía 2014-2015, Cty vẫn tiếp tục có chính sách đầu tư cho cả 2 vùng nguyên liệu Bình Định và Đông Gia Lai.
Việc khai thác tối ưu, hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ không chỉ giúp các doanh nghiệp tăng cường được sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín, khả năng cạnh tranh trên thị trường, mà còn từng bước phát triển doanh thu, thị phần và lợi nhuận cho đơn vị. Vì thế, các cơ quan chức năng đã chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, hiện cả DN lẫn nông dân đều lo lắng là dịch bệnh trên thủy sản (chủ yếu trên tôm nước lợ) như đốm trắng, gan thận… gây thiệt hại và ảnh hưởng tới mục tiêu XK. Do đó, việc Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh thủy sản đi vào hoạt động là một bước để hướng tới kiểm soát hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản an toàn, gia tăng giá trị XK.
Năm 2010 xã Na Sang, huyện Mường Chà có 68% hộ nghèo. Không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng dứa, đậu tương, cao su… Đến nay, Na Sang đã có nhiều đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 40%.