Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mía tím mất mùa, được giá

Mía tím mất mùa, được giá
Ngày đăng: 03/09/2015

Hiện nay, nông dân ở Khánh Sơn đang bước vào đợt cao điểm thu hoạch mía tím. Ông Nguyễn Văn Kết (thôn Liên Hòa, xã Sơn Hiệp) cho biết: “Nhà tôi trồng 3 sào mía tím, thu hoạch bán được gần 70 triệu đồng. Năm nay, giá mía cao hơn năm trước rất nhiều, trừ chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 45 triệu đồng”.

Nhìn những bó mía được chặt từ ruộng của ông Kết, chúng tôi thấy mía đẹp, thân to, đốt dài. Theo ông Kết, sở dĩ ruộng mía nhà ông đạt được như vậy, ngoài chăm sóc tốt còn nhờ chủ động được nguồn nước tưới do ở gần suối.

Tuy nhiên, những người may mắn như ông Kết không nhiều. Nắng hạn kéo dài dẫn đến rất nhiều diện tích mía ở những nơi xa nguồn nước bị thiệt hại nghiêm trọng. Tuy xã Sơn Hiệp là một trong hai địa phương được đánh giá mía tím đạt năng suất cao, nhưng vẫn có tới 15ha bị thiệt hại từ 70 đến 80%.

Ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết: “Toàn xã có 59ha mía tím, đây đều là những diện tích chuyển đổi từ ruộng lúa nước. Nhìn chung năm nay, năng suất mía không bằng những vụ trước, nhưng giá mía lại cao gần gấp đôi năm trước, bình quân đạt khoảng 15 triệu đồng/sào, những ruộng mía đẹp có thể lên tới 25 triệu đồng/sào”.

Xã Sơn Bình có nhiều diện tích mía tím bị thiệt hại nhất. Toàn xã có 50ha, nhưng số diện tích bị thiệt hại hơn 25ha với tỷ lệ thiệt hại hơn 70%. “Diện tích mía bị thiệt hại đều nằm ở những vùng thiếu nước cục bộ. Do người dân trồng mía tím vẫn lệ thuộc quá nhiều vào yếu tố tự nhiên, chưa chủ động được nguồn nước, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng vẫn còn bấp bênh”, ông Lê Quang Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Bình cho biết.

Còn theo ông Cảnh - người thu mua mía tím ở Khánh Sơn, trước đây, một sào mía tím có thể thu hoạch được 400 bó, nhưng nay chỉ còn khoảng 300 bó. Năm nay, giá mía cao hơn năm trước từ 8 đến 10 triệu đồng/sào.

Trước câu chuyện mất mùa, được giá, điều nhiều người quan tâm chính là việc định hướng phát triển đối với cây mía tím như thế nào. Theo ông Trần Tấn Chóng, mía tím tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực của địa phương trong thời gian tới.

Do đó, xã sẽ tiếp tục chuyển đổi những diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng mía tím để phát triển thành vùng thâm canh. Địa phương cũng đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện lên phương án xây dựng cánh đồng mía tím năng suất cao với khoảng 20ha ở thôn Hòn Dung.

Tuy nhiên, do giá cả của cây mía tím không ổn định nên địa phương duy trì, phát triển diện tích mía tím đến năm 2020 khoảng 70ha, không khuyến khích người dân trồng mía tím ở những vùng cao, vùng xa nguồn nước...

Hiện nay, toàn huyện Khánh Sơn có khoảng 300ha trồng mía tím, tập trung chủ yếu ở các xã: Sơn Hiệp, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, Sơn Bình, thị trấn Tô Hạp. Vụ này, tuy chưa có thống kê cụ thể về năng suất, sản lượng của cây mía tím, nhưng nhìn chung không bằng những vụ trước.

Trong định hướng phát triển cây mía tím đến năm 2020, dự kiến huyện Khánh Sơn có khoảng 600ha. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi những diện tích cây trồng không mang lại hiệu quả trên địa bàn huyện để trồng mía tím. Mục tiêu là xây dựng được những vùng thâm canh mía tím đạt năng suất, sản lượng cao. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ đặc biệt lưu ý đến việc chủ động nguồn nước tưới và áp dụng khoa học kỹ thuật”.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi gà thành tỷ phú Nuôi gà thành tỷ phú

Xuất thân trong một gia đình nông dân, ông Nguyễn Quang Minh ở xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã thực hiện có hiệu quả mô hình kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ cao kết hợp với chăn nuôi và trồng trọt.

27/04/2015
Trang trại kinh tế tiền tỷ Trang trại kinh tế tiền tỷ

Từ hai bàn tay trắng, vậy mà ông Nguyễn Văn Ba ở thôn Tây Phước 1, xã Bình An (Bình Sơn - Quảng Ngãi) đã biến vùng đất hoang vu nơi đây thành một trang trại kinh tế vườn-ao-chuồng-rừng (VACR) trù phú, mang lại thu nhập cao.

27/04/2015
Thức dậy tiềm năng nuôi trồng thủy sản Thức dậy tiềm năng nuôi trồng thủy sản

Vài năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Bình (Yên Bái) luôn có những bước tiến mạnh mẽ. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt trong chăn nuôi thủy sản. Yên Bình đã đưa tiềm năng, lợi thế mặt nước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

27/04/2015
Cá nước lạnh “đóng băng” Cá nước lạnh “đóng băng”

Nuôi cá nước lạnh (cá tầm và cá hồi vân) là một trong những thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng. Trong đề án quy hoạch nuôi cá nước lạnh, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh sản xuất được 3.000 tấn cá nước lạnh thương phẩm. Nhưng đến nay, việc phát triển loại cá này đang gặp rất nhiều khó khăn.

27/04/2015
Báo động tình trạng khai thác thủy sản kiểu tận diệt ở Quảng Bình Báo động tình trạng khai thác thủy sản kiểu tận diệt ở Quảng Bình

Thời gian gần đây, tại vùng biển tỉnh Quảng Bình rộ lên tình trạng khai thác tận diệt thủy sản, phổ biến là sử dụng chất nổ đánh bắt cá.

27/04/2015