Vượt Khó Nhờ Chăn Nuôi Gà Ta Gò Công
Anh Trần Văn Thái, nông dân sản xuất giỏi ấp Thành Nhì, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công (GC - Tiền Giang), hiện nay là xã viên HTX chăn nuôi thủy sản GC, nhờ mô hình nuôi gà ta, gia đình anh đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống sau một thời gian dài lao đao vì dịch cúm gia cầm năm 2003.
Trước đây, sau khi đi bộ đội 4 năm ở Campuchia về, anh canh tác 50 sào ruộng, mỗi năm 3 vụ, sản lượng khoảng 9-10 tấn, để kiếm thu nhập nuôi 5 con nhỏ, năm 2000 anh và vợ còn chăn nuôi gà, nhưng quá trình chăn nuôi gặp khó khăn khi xảy ra dịch cúm gia cầm. Anh Thái tâm sự: "Mới đó mà đã hơn 10 năm, kể từ sau khi xảy ra trận đại dịch cúm gia cầm, trong 2 năm (2003 - 2004), tôi phải tiêu hủy đàn gà 4.200 con, ra hầu tòa và gánh thêm số nợ 25 triệu đồng trả cho đại lý thức ăn gia súc...".
Lo lắng trước khoản nợ "ngập đầu" này khiến vợ chồng anh mất ăn mất ngủ, vì không biết làm sao để trả hết nợ nần khi phải "treo chuồng", may mắn đến với gia đình khi anh được tham gia lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà ta GC do HTX chăn nuôi thủy sản GC tổ chức ngay tại ấp Thành Nhì, vào năm 2010, ngay sau đó, anh vội vã tìm gặp ông Nguyễn Quốc Kiệt, Chủ nhiệm HTX để hỏi thăm kỹ hơn, cuối cùng anh quyết tâm nuôi gà trở lại, xây sửa lại chuồng trại sau nhiều năm bỏ trống, nhưng lần này, anh chọn nuôi con gà ta GC với sự hỗ trợ của HTX từ gà con giống, thức ăn gia súc, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm.
Từ năm 2010 anh nuôi được 2 lứa gà, mỗi lứa 500 con, sau khi trừ chi phí, còn lãi được 28 triệu đồng, trả hết nợ năm sau anh Thái nuôi thêm 300 gà mái và 3 lứa gà thịt với 1.500 con. Hiện nay, anh có 3 chuồng gà, với diện tích hơn 260 m2, anh cùng vợ chăm sóc 500 gà mái đẻ và 2.000 con gà thịt theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học đúng như qui trình hướng dẫn của HTX như xây dựng chuồng trại phải thông thoáng và khô ráo, nuôi ở mật độ thấp, khoảng 4-5 con/m2.
Anh Thái chia sẻ, nuôi ở mật độ thấp gà ít bị bệnh, thịt ngon hơn nuôi mật độ cao, ngoài ra còn có sân vườn chăn thả rộng rãi để cho gà tắm nắng như gà thả vườn. Khi nuôi gà đến tuần thứ 3 trở đi thì cho ăn hạn chế và không cho gà ăn đêm, cũng không mở đèn sáng suốt đêm trong chuồng trại, để gà ngủ, phát triển "tự nhiên", không nuôi thúc cho ăn ngày ăn đêm như gà công nghiệp.
Ngoài ra, anh còn tuân thủ đúng theo qui trình tiêm phòng dịch bệnh, nhất là nuôi gà thịt trong thời gian từ 18 - 21 ngày tuổi, bắt buộc phải tiêm phòng bệnh cúm H5N1, nhờ vậy nên từ khi bắt đầu nuôi gà ta GC đến nay, đàn gà của anh Thái ít bị bệnh và phát triển tốt. Hiện nhà cửa anh đã xây sửa lại, mua thêm 2 chiếc xe gắn máy cho các con đi làm, cứ sau 4 tháng chăn nuôi 1.000 con gà anh có được 20 triệu đồng.
Thấy anh Thái chăn nuôi gà ta GC thành công, bà con cũng xin vào HTX để chăn nuôi, kết quả nhiều người đã thoát nghèo nhờ mô hình này, vì thế Hội Nông dân xã Bình Xuân dự tính trong tháng 8/2013 thành lập Câu lạc bộ chăn nuôi gà ta Gò Công, nhằm tạo việc làm ổn định cho bà con nông dân nghèo cùng vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của mình và gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Ao nuôi tôm không quá lớn, là một biện pháp tránh rủi ro, vì nếu có hỏng ao này còn ao kia. Khi bệnh tôm phát sinh, ao nuôi nhỏ sẽ dễ xử lý và ít tốn kém hơn. Nếu dụng cụ, máy móc của một trong số ao này bị hỏng có thể di chuyển bổ sung cho nhau để giải quyết tạm thời. Diện tích tối ưu của ao nuôi tôm nên từ 3.000-5.000m2.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Trà Vinh đã chi 47,4 tỉ đồng bồi thường thiệt hại 102 ao nuôi các loài thủy sản, với diện tích gần 37,3 ha, chiếm gần 63% so với tổng diện tích tham gia bảo hiểm trên địa bàn tỉnh.
Vào tháng 7-2012, 7 hộ dân ở ấp Xương Thới III (Thới Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre) được Trường Đại học Cần Thơ chọn thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong mương vườn dừa thuộc Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là các hộ dân định cư cặp ngoài vùng đê bao ngọt hóa của Dự án 418.
Chiều 14-2, ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang cho biết: Đã lấy mẫu nước và sinh vật lạ được cho là nguyên nhân gây cá nuôi lồng bè chết hàng loạt tại vùng biển của huyện đảo Kiên Hải đưa đi xét nghiệm tại Trường Đại học Cần Thơ và Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2.
Không đến tận ao nuôi cá trê lai của bà con thôn Phú Sơn 2, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) thật khó tin về nguồn thu hơn 100 triệu đồng/sào ao (500 m2). Tính ra, mỗi năm người nuôi cá ở đây thu hơn 2 tỷ đồng/ha.