Mô Hình Nuôi Cá Tra Đạt Hiệu Quả Cao Ở Tiền Giang

Anh Lê Ngọc Trắng, ấp 3, xã Trung An, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang do không có nhiều đất để canh tác đã chọn mô hình nuôi cá tra dài ngày và cá tai tượng, mang lại hiệu quả kinh tế; đồng thời nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm để bà con cùng phát triển.
Việc nuôi cá của anh bắt đầu từ năm 1999 do nhận thấy với diện tích đất ít ỏi, làm ruộng không đủ ăn, anh nghĩ ngay đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tiến hành đào ao thả cá. Ao cá hiện tại của anh trước đây chỉ là một khu đất hoang, anh đã mạnh dạn khai hoang và mua cá tra lứa về nuôi. Với diện tích 2 mặt ao gần 900m2, anh thả gần 1,5 tấn cá tra lứa (bình quân 4-5 con/kg), giá từ 15.000 - 16.000đồng/kg.
Đặc tính của loại cá tra lứa này là đang trong thời kỳ phát triển mạnh, ăn tạp, ít bị chết khi thả nuôi nên số lượng luôn được đảm bảo, cá ít kén chọn thức ăn. Thức ăn chủ yếu là khoai lang dạt, anh mua về nấu chín cho cá hay các loại trái cây giá rẻ, thậm chí anh còn mua thêm đầu cá hay nội tạng gà, ruột vịt về cho cá ăn.
Bình quân mỗi ngày với 1,5 tấn cá tra lứa, anh cho ăn khoảng 100kg khoai lang nấu chín và 20kg đầu cá các loại. Với các loại thức ăn này, anh tiết kiệm gần 300.000 đồng so với thức ăn công nghiệp đang bán ngoài thị trường. Bình quân mỗi vụ nuôi cá tra lứa sau thời gian 10 đến 11 tháng thu hoạch 1 lần, đạt khoảng 10 tấn cá (con lớn nhất khoảng 6kg), giá từ 22.000 - 24.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi vụ nuôi cá tra thành phẩm anh lãi trên 140 triệu đồng. Với số lượng 1,5 tấn cá tra lứa, anh thấy mặt nước còn thưa và tiếp tục mua cá tai tượng lứa về thả thêm, sau 2 đến 3 năm thu về hàng chục triệu đồng từ cá tai tượng.
Việc tiêu thụ cá có trọng lượng lớn lúc đầu gặp nhiều khó khăn, anh Trắng cho biết, được một vài người giới thiệu anh đã tìm được các thương lái tận miền Trung để tiêu thụ những con cá này, thị trường nơi đây rất chuộng cá to. Chính vì thức ăn của cá chủ yếu là những loại thức ăn tự nhiên không chứa nhiều chất kích thích và chất lượng cá được đánh giá cao, cá sạch đẹp nên dần dần được nhiều thương lái biết đến. Hàng năm, cứ chuẩn bị đến mùa thu hoạch cá là nhiều thương lái đến tận nhà để hỏi mua trước.
Với mô hình nuôi cá tra giúp kinh tế gia đình anh trở nên khá giả hơn, các con có điều kiện học hành đến nơi đến chốn và việc làm ổn định. Ngôi nhà tường kiên cố, đầy đủ tiện nghi là kết quả của bao năm miệt mài với mô hình nuôi cá tra. Bên cạnh đó, anh đã hiến 200m2 đất xây đường để xã chuẩn bị xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Còn ở Bến Tre các thương lái từ TP.HCM về ấp 5, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm đặt hàng các đại lý cố gắng thu gom ít nhất từ 3 - 5 tấn chuối già/ngày.

Vĩnh Long đã đầu tư trên 31 tỉ đồng dập dịch chổi rồng trên cây nhãn nhưng bệnh vẫn tái phát, nông dân phải đốn bỏ trên 900 ha nhãn bị bệnh để bán củi.

Liên tục những ngày qua, người dân trồng chuối ở khu vực ĐBSCL lại phấn khởi vì giá chuối bất ngờ tăng gấp đôi so với trước đó, từ 3.000 đồng/kg tăng lên 6.000-7.000 đồng/kg.

Theo một báo cáo mới của công ty Transparency Market Research về xu hướng và dự báo thị trường thức ăn thủy sản, nhu cầu thức ăn thủy sản toàn cầu dự kiến sẽ tăng 11,4%/năm trong thời kỳ từ 2013-2019.

Trong bối cảnh lúa gạo tồn đọng lớn, giá cả sụt giảm mạnh, cuộc sống hàng triệu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đang gặp khó khăn, có lẽ những người thường có ý kiến “phải bảo vệ diện tích đất trồng lúa” cũng phải đắn đo. Đã đến lúc cần có cái nhìn toàn diện về chiến lược phát triển cây lúa, có giải pháp đồng bộ thay vì chỉ tập trung vào mũi xuất khẩu gạo để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao thu nhập nông dân.