Vườn Rau Giống Di Động Của Anh Doanh
Cách đây hơn 1 năm, anh Trần Văn Doanh ở thôn 10, xã Quảng Khê (Đắk Glong) đã đầu tư 120 triệu đồng xây dựng vườn ươm rau giống bán cho người dân địa phương và công việc làm ăn đang thuận lợi.
Ngoài việc bán cây giống tại nhà thì anh còn dùng xe máy chở các vỉ rau, củ, quả đã được ươm sẵn đến chợ Gia Nghĩa bán và được nhiều người dân mua.
Anh Doanh chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi sinh sống ở bên tỉnh Lâm Đồng cũng làm nghề trồng rau và thường thấy nhiều người dân của Đắk Nông sang mua hạt, cây giống về để trồng. Thấy nhu cầu trồng rau của người dân Đắk Nông nhiều, lại được bạn bè và người thân khuyên nên sang bên này làm ăn nên gia đình đã bán tài sản sang để theo nghề.
Hiện tại, vườn ươm của gia đình có diện tích 350m2 nhưng trung bình mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 120.000-150.000 cây giống các loại rau, củ, quả. “Đồ nghề” để làm vườn ươm khá đơn giản, chỉ cần đầu tư vỉ ươm, giàn ươm; đất than mùn, xơ dừa làm giá thể và hệ thống ống tưới”.
Mặc dù chỉ mới bắt đầu sản xuất, kinh doanh nhưng anh Doanh đã được nhiều hộ dân ở trên địa bàn huyện Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa biết đến mua rau giống về trồng.
Chị Nguyễn Thị Ngân ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cho biết: “Do lo ngại mua rau ở chợ không đảm bảo an toàn, bởi người trồng thường phun các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng nên tôi hạn chế mua mà hiện đang xây dựng vườn rau tại nhà.
Tôi thường mua các loại rau giống của anh Doanh ươm sẵn từng bầu nên về dễ trồng, tỷ lệ sống cao. Trong quá trình trồng, nếu có thắc mắc về kỹ thuật thì anh Doanh cũng hướng dẫn kỹ lưỡng nên mình cũng có thêm kinh nghiệm trồng rau”.
Còn chị Lê Thị Nga ở phường Nghĩa Trung thì chia sẻ: “Trồng rau trong vườn nhà vừa để làm đẹp cho khu vườn vừa để phục vụ rau sạch cho gia đình. Hiện nay, trong vườn nhà tôi có rất nhiều loại rau mua của anh Doanh như bắp cải, xu hào, súp lơ trắng và xanh cà chua, bầu, bí xanh và ớt ngọt, rau xà lách, cải thìa, cải thảo, mồng tơi… Tuy mỗi thứ một ít nhưng đủ để phục vụ rau cho gia đình.
Giá cây giống cũng rẻ, chỉ từ 300 – 800 đồng/cây, tùy theo từng loại rau, củ, quả nhưng về trồng lại phát triển tốt, nhanh cho thu hoạch nên tôi thường xuyên mua. Trước đây, anh Doanh chỉ mới bán ở trong huyện Đắk Glong nên tôi gửi bạn bè làm việc ở trong đó mua giùm nhưng từ khi bán ở chợ Gia Nghĩa thì tôi tự mua và tha hồ chọn lựa các loại rau”.
Anh Doanh chia sẻ thêm: “Đa số các loại cây giống tôi ươm để bán chủ yếu là các loại rau, củ, quả cao cấp nhưng người dân khó ươm và chỉ có nhu cầu trồng nhỏ lẻ nên khi bán rất hợp với nhu cầu trồng của người dân. Đa số người dân trồng ở vườn nhà và chủ yếu phục vụ rau sạch cho gia đình.
Những loại rau tôi ươm bán chủ yếu là xu hào, bắp cải, cà rốt, cà chua, các loại như cà tím, cà pháo, cà dừa, mồng tơi, mướp đắng, bầu, bí, ớt ngọt, rau xà lách… Bên cạnh bán cho các hộ dân trồng ở quy mô phục vụ cho gia đình thì một số nhà vườn trồng kinh doanh nhưng ở quy mô vài sào cũng đến đặt hàng những loại cây rau của gia đình. Thu nhập từ vườn ươm mỗi tháng đem về cho gia đình từ 12-15 triệu đồng tiền lãi”.
Cũng theo anh Doanh thì hiện nay, nhiều người dân tận dụng đất đai tại vườn hoặc dùng các loại thùng để tự trồng rau tại nhà ngày càng cao. Với diện tích vườn ươm hiện nay có những thời điểm không kịp phục vụ người dân trồng nên sắp tới, gia đình anh sẽ mở rộng quy mô lên khoảng vài héc ta.
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm gần đây, nông dân xã Trường Đông, huyện Hòa Thành đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Là vùng đất chuyên canh nhản nhưng do giá cả bấp bênh nên một số hộ nông dân chuyển sang trồng bưởi da xanh và quýt đường đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Qua 05 năm triển khai thực hiện Quyết định 875 của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm. Đến nay, việc giải quyết tình trạng bao lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích đã cơ bản hoàn thành.
Từ chỗ trồng thử nghiệm 2 hécta chanh leo cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, đến nay, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) nâng diện tích trên 50 hécta. Cây chanh leo đang hứa hẹn là cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả ở Tri Lễ.
Niên vụ 2014-2015 Tân Châu có trên 6.800 ha mía, theo trạm bảo vệ thực vật Tân Châu, diện tích cây mía bị sâu đục thân gây hại tính đến nay là gần 1.000ha, trong đó xã Tân Hưng có trên 240 ha, xã Tân Thành gần 200 ha, xã Suối Dây trên 160 ha…. Tỷ lệ nhiễm từ 5-15%.
Để nâng cao thu nhập cho nông dân, vụ xuân năm 2014, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Nam Định đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Hưng mở rộng mô hình chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dưa lê với quy mô 5ha tại xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng).