Dưa Hấu Thừa Ế, Chất Đống Vì Sản Xuất Thiếu Quy Củ
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, việc bà con nông dân được mùa-mất giá là do sản xuất nông nghiệp hiện vẫn trong tình trạng không chính quy, chạy theo phong trào.
Theo số liệu của cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, tính đến hết ngày 29/3, vẫn còn khoảng 1.000 xe vận chuyển nông sản ùn ứ trên tuyến đường lên cửa khẩu Tân Thanh. Phần lớn các xe này chở theo dưa hấu để xuất khẩu sang Trung Quốc. Hệ quả là thương lái tại các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ như Phú Yên, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Hậu Giang không tiếp tục tiến hành thu mua, gây nên cảnh dưa hấu ế ẩm, chất đống ngay tại ruộng của bà con nông dân.
Trồng được 20 tấn dưa trên diện tích 12 sào, song gia đình anh Phạm Đỗ Thừa (Đa Lộc, Đồng Xuân, Phú Yên) mới chỉ bán được một nửa cho thương lái. Số còn lại phải mang ra chợ bán lẻ với giá rẻ mạt 1000-2000 đồng mỗi kg. "Dưa được mùa chưa kịp mừng thì thương lái ngừng thu mua đột ngột, nên gia đình tôi mới chỉ bán 10 tấn, thu về 21 triệu đồng. Số còn lại bán đổ, bán tháo hoặc cho bà con trong xã ăn miễn phí nên cầm chắc lỗ hơn 40 triệu", anh Thừa than thở.
Tương tự tại Quảng Ngãi, bà con nông dân đã thu hoạch dưa hấu, chất đầy đường nhưng thương lái vẫn biệt tăm, không thấy mặn mà hỏi mua như hồi đầu vụ. Đang có mặt tại Phú Yên lúc này, Tiến sĩ Trần Du Lịch - Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung lý giải, sở dĩ bà con rơi vào tình cảnh được mùa, mất giá là do làm nông nghiệp theo kiểu chạy theo phong trào, tự phát.
"Để xảy ra thực trạng này phần lớn là do khâu dự báo quy hoạch, cảnh báo thị trường của quản lý Nhà nước còn nhiều yếu kém. Muốn làm nông nghiệp chính quy, trước hết phải có sự liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Bà con phải được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, nắm bắt thông tin thị trường, áp dụng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn thành công mới nhân rộng làm đại trà... Như vậy mới hy vọng tránh được tình trạng nông sản ùn ứ sau mỗi mùa thu hoạch như hiện nay", ông Lịch khuyến cáo.
Để giải quyết trước mắt đầu ra cho bà con hiện nay, một số đơn vị bán lẻ, siêu thị trong nước đã đứng ra thu mua dưa hấu cho bà con tại ruộng. Trao đổi với VnExpress.net, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Thành Nhân cho biết đã trực tiếp liên lạc với các phòng nông nghiệp các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam Bộ để tiêu thụ dưa.
Theo quy trình, doanh nghiệp sẽ cùng phòng nông nghiệp kiểm nghiệm các mẫu sản phẩm và được chi cục bảo vệ thực vật tỉnh công nhận về chất lượng. Bình quân một ngày, 8 Co.opmart ở khu vực miền Trung như như Phú Yên, Cam Ranh, Nha Trang, Quảng Ngãi... đã thu mua khoảng 20 tấn. Sau 5 ngày thực hiện, đơn vị này đã tiêu thụ được khoảng 100 tấn dưa cho bà con, tăng 20 lần so với bình thường. Riêng khu vực TP HCM và miền Tây Nam Bộ, sức mua của người tiêu dùng cũng tăng lên gấp 3 lần nhờ các chương trình khuyến mại, bán xô với giá 10.000-15.000 đồng một trái.
Ông Nhân cũng cho biết thêm, trước đây việc thu mua nông sản của doanh nghiệp mới ký kết với hợp tác xã của các tỉnh như Lâm Đồng, Tiền Giang, Mỹ Tho, Long An nên bà con nơi đây thường sản xuất theo kế hoạch ít bấp bênh hơn. Còn các tỉnh miền Trung, siêu thị chỉ mới liên kết về thủy sản, chứ chưa liên kết về nông sản nên các hộ tại đây thường trồng đại trà, khiến lượng cung tăng mạnh mà cầu thì không có.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có 17 hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu, thu hút 1300 lao động, hiện có 11 HTX tan rã. Sau gần 2 năm thành lập, mặc dù đây là mô hình có hiệu quả kinh tế, xã hội hóa tốt, nhưng do các HTX ở lĩnh vực này còn chưa tạo được sự liên kết, vẫn thường xuyên tranh giành lợi nhuận và mạnh ai nấy làm dẫn tới không tạo được uy tín, thương hiệu cho nghề nuôi nghêu.
Tiêu chuẩn MSC bao gồm 23 tiêu chí lớn thuộc 3 nguyên tắc cơ bản. Để được chứng nhận MSC, nghề nuôi nghêu phải đảm bảo các tiêu chí khoa học rất nghiêm ngặt như: không khai thác bừa bãi làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, nếu có suy giảm phải bảo đảm điều kiện tái khôi phục nguồn lợi; có hệ thống quản lý nghề khai thác hữu hiệu, tuân thủ luật lệ, công ước và các tiêu chuẩn quốc tế…
Thời gian qua, mô hình nuôi lươn trong bồn làm bằng nylon đã được nhiều nông dân ở TP Cần Thơ chọn để phát triển kinh tế hộ vì vốn đầu tư không quá lớn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.
Thấy mì bán được giá, thời gian qua hàng ngàn hộ dân hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum ồ ạt chuyển qua trồng loại cây ngắn ngày. Diện tích và sản lượng tăng nhưng thị trường tiêu thụ hạn hẹp, khiến mì nguyên liệu rớt giá, không có nơi tiêu thụ.