Vườn Dâu Nhà Của Cặp Kỹ Sư Trẻ
Từ nhiều năm nay, dâu tây là một trong những loại đặc sản gắn liền với thương hiệu Đà Lạt. “Vườn dâu nhà” của cặp vợ chồng kỹ sư nông nghiệp trẻ Nguyễn Hữu Giới - Bùi Thị Hằng tại địa chỉ 157 Thánh Mẫu, phường 7, TP Đà Lạt, hiện cho doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng, là một minh chứng về thành công của việc làm giàu nhờ ứng dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn.
Tháng 6-2012, cô sinh viên Bùi Thị Hằng (SN 1990, quê Bình Phước) tốt nghiệp khoa Sinh học Trường Đại học Đà Lạt, sau đó xây dựng gia đình với bạn đồng khoa Nguyễn Hữu Giới (SN 1988) học trước 2 khóa. Thấy nhiều bạn bè ra trường ở lại Đà Lạt thuê đất làm vườn, đôi vợ chồng kỹ sư trẻ cũng chọn Đà Lạt làm nơi khởi nghiệp.
Tất cả vốn liếng ban đầu để lập nghiệp gồm 40 triệu đồng là quà cưới của họ hàng hai bên và vay mượn thêm để mở rộng mô hình dâu tây trồng theo phương pháp bán thủy canh, vốn dĩ đây là mô hình làm luận văn thạc sĩ của Giới.
Sau 2 năm chung sức đồng lòng gây dựng vườn dâu tây với thương hiệu “Vườn dâu nhà”, đến nay đôi vợ chồng kỹ sư trẻ đã có một vườn dâu tây 1.000m2 gồm 10.000 cây trồng theo phương pháp thủy canh, vườn dâu trồng đất 7.000 cây, một vườn trồng hoa, ớt chuông và… một cô con gái bụ bẫm vừa tròn một tuổi.
Hằng chia sẻ: Dâu tây cho thu nhập cao nhưng trồng và chăm sóc cần kỹ thuật tốt, phải có kiến thức về phân bón…
Khi còn là sinh viên, cả hai bạn đã chăm chỉ đi làm thuê cho các vườn dâu nổi tiếng để tích lũy kinh nghiệm và vận dụng kiến thức được học trong trường nên bắt tay vào là làm được ngay.
Có kiến thức và nắm vững kỹ thuật, vợ chồng Giới - Hằng không chỉ đầu tư vào vườn dâu tây nhằm thu lợi nhuận mà còn tập trung vào sản xuất dâu theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại “Vườn dâu nhà”, cặp kỹ sư trẻ đã đầu tư hơn 200 triệu đồng làm 1 sào dâu trồng nhà kính. Dâu được trồng trên giá thể xơ dừa đã qua xử lý, chất dinh dưỡng nuôi cây sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tự động.
Phương pháp canh tác này cho trái dâu có năng suất và chất lượng cao, ít dịch bệnh, có lợi cho môi trường và cũng mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Dâu quả bán tại vườn giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, thu nhập từ quả và cây giống mỗi tháng lên tới 60 triệu đồng. “Vườn dâu nhà” hiện tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 sinh viên “đàn em” có thu nhập từ 120.000 - 150.000 đồng/ngày, cũng là để giúp các em có thêm kinh nghiệm, kiến thức sau này ra trường biết cách làm ăn.
Chị Hằng tâm sự, từ khi khởi nghiệp đã được mọi người giúp đỡ rất nhiều. Đầu tiên phải kể đến mảnh đất làm mô hình 130m2 anh Giới được gia đình bác Lê Thanh Tùng cho mượn rồi các thầy cô trong khoa, trong trường cũng hỗ trợ kỹ thuật, cây giống cho sinh viên nghèo. Khi giá cây thị trường tới 5.000 đến 7.000 đồng thì các thầy cô cũng chỉ bán với giá đặc biệt ưu đãi 2.500 đồng, còn cho nợ tiền.
Cũng vì vậy khi bắt đầu có “của ăn của để”, vợ chồng Giới - Hằng đã nghĩ ngay đến việc trợ giúp sinh viên đàn em, hầu như em nào có nhu cầu tìm việc cũng được nhận vào làm hoặc giới thiệu giúp nơi làm thêm. Giá bán cây giống của “Vườn dâu nhà” cũng “mềm” nhất Đà Lạt và bất cứ nhà vườn nào có vấn đề gì về dâu tây đều được 2 vợ chồng tận tình đến tận nơi, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ.
Khiêm tốn với doanh thu năm 2014 khoảng trên 500 triệu đồng, chị Hằng vẫn không muốn nói nhiều về thành công vì khoảng thời gian 2 năm lập nghiệp mới chỉ là bước khởi đầu thuận lợi của cặp vợ chồng kỹ sư trẻ. Dự định của hai vợ chồng là sẽ tập trung vào mở rộng diện tích dâu tây công nghệ cao lên 1ha và cùng với bạn bè nâng cao chất lượng dâu tây, góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm dâu tây Đà Lạt.
Có thể bạn quan tâm
Đối với loại cây có múi như quýt, cư dân núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) mang giống từ miệt Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… về trồng rất thích hợp. Độc đáo hơn, trái cho thu hoạch vào dịp Tết, trở thành loại đặc sản quý hiếm ở An Giang.
Đã từ lâu rồi, vùng đất Tiền Giang được mệnh danh là “Vương quốc trái cây” của cả nước. Phù sa màu mỡ, thổ nhưỡng thích hợp đã phú cho miền đất này những vườn cây ăn trái sum sê. Tuy vậy, việc khai thác tiềm năng, lợi thế, nhất là việc xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn khiến cho một số loại trái cây đặc sản của tỉnh khó “xuất ngoại”.
Năm 2014, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai mô hình thử nghiệm nuôi cá chạch bùn thương phẩm tại huyện Đạ Huoai nhằm đánh giá tính thích nghi, hiệu quả kinh tế để khuyến cáo nông dân nuôi trồng, phát triển kinh tế.
Đội QLTT số 15 phối hợp cùng Đội 6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm, Công an TP.Hà Nội, Công an quận Hoàng Mai vừa kiểm tra cơ sở kinh doanh thủy sản ở phường Tương Mai quận Hoàng Mai, do Nguyễn Văn Cửu (trú tại xã Nga Liêm, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) làm chủ. Tại đây, có 4 nhân viên đang bơm bột Agar vào thân tôm sú đông lạnh, nhằm tăng trọng lượng, làm tươi, cứng và đẹp tôm.
Với sự chỉ đạo kỳ quyết và bằng các giải pháp phù hợp của chính quyền, các ngành chức năng, sự quyết tâm của doanh nghiệp, nông dân, ngư dân… đã làm nên con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản toàn tỉnh Cà Mau trong năm 2014. Điều đó tiếp tục khẳng định ngành kinh tế thuỷ sản ở Cà Mau còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh hơn. Gần 1,3 tỷ USD là giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay của ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến, xuất khẩu thuỷ sản ở Cà Mau.