Vườn Dâu Nhà Của Cặp Kỹ Sư Trẻ
Từ nhiều năm nay, dâu tây là một trong những loại đặc sản gắn liền với thương hiệu Đà Lạt. “Vườn dâu nhà” của cặp vợ chồng kỹ sư nông nghiệp trẻ Nguyễn Hữu Giới - Bùi Thị Hằng tại địa chỉ 157 Thánh Mẫu, phường 7, TP Đà Lạt, hiện cho doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng, là một minh chứng về thành công của việc làm giàu nhờ ứng dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn.
Tháng 6-2012, cô sinh viên Bùi Thị Hằng (SN 1990, quê Bình Phước) tốt nghiệp khoa Sinh học Trường Đại học Đà Lạt, sau đó xây dựng gia đình với bạn đồng khoa Nguyễn Hữu Giới (SN 1988) học trước 2 khóa. Thấy nhiều bạn bè ra trường ở lại Đà Lạt thuê đất làm vườn, đôi vợ chồng kỹ sư trẻ cũng chọn Đà Lạt làm nơi khởi nghiệp.
Tất cả vốn liếng ban đầu để lập nghiệp gồm 40 triệu đồng là quà cưới của họ hàng hai bên và vay mượn thêm để mở rộng mô hình dâu tây trồng theo phương pháp bán thủy canh, vốn dĩ đây là mô hình làm luận văn thạc sĩ của Giới.
Sau 2 năm chung sức đồng lòng gây dựng vườn dâu tây với thương hiệu “Vườn dâu nhà”, đến nay đôi vợ chồng kỹ sư trẻ đã có một vườn dâu tây 1.000m2 gồm 10.000 cây trồng theo phương pháp thủy canh, vườn dâu trồng đất 7.000 cây, một vườn trồng hoa, ớt chuông và… một cô con gái bụ bẫm vừa tròn một tuổi.
Hằng chia sẻ: Dâu tây cho thu nhập cao nhưng trồng và chăm sóc cần kỹ thuật tốt, phải có kiến thức về phân bón…
Khi còn là sinh viên, cả hai bạn đã chăm chỉ đi làm thuê cho các vườn dâu nổi tiếng để tích lũy kinh nghiệm và vận dụng kiến thức được học trong trường nên bắt tay vào là làm được ngay.
Có kiến thức và nắm vững kỹ thuật, vợ chồng Giới - Hằng không chỉ đầu tư vào vườn dâu tây nhằm thu lợi nhuận mà còn tập trung vào sản xuất dâu theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại “Vườn dâu nhà”, cặp kỹ sư trẻ đã đầu tư hơn 200 triệu đồng làm 1 sào dâu trồng nhà kính. Dâu được trồng trên giá thể xơ dừa đã qua xử lý, chất dinh dưỡng nuôi cây sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tự động.
Phương pháp canh tác này cho trái dâu có năng suất và chất lượng cao, ít dịch bệnh, có lợi cho môi trường và cũng mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Dâu quả bán tại vườn giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, thu nhập từ quả và cây giống mỗi tháng lên tới 60 triệu đồng. “Vườn dâu nhà” hiện tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 sinh viên “đàn em” có thu nhập từ 120.000 - 150.000 đồng/ngày, cũng là để giúp các em có thêm kinh nghiệm, kiến thức sau này ra trường biết cách làm ăn.
Chị Hằng tâm sự, từ khi khởi nghiệp đã được mọi người giúp đỡ rất nhiều. Đầu tiên phải kể đến mảnh đất làm mô hình 130m2 anh Giới được gia đình bác Lê Thanh Tùng cho mượn rồi các thầy cô trong khoa, trong trường cũng hỗ trợ kỹ thuật, cây giống cho sinh viên nghèo. Khi giá cây thị trường tới 5.000 đến 7.000 đồng thì các thầy cô cũng chỉ bán với giá đặc biệt ưu đãi 2.500 đồng, còn cho nợ tiền.
Cũng vì vậy khi bắt đầu có “của ăn của để”, vợ chồng Giới - Hằng đã nghĩ ngay đến việc trợ giúp sinh viên đàn em, hầu như em nào có nhu cầu tìm việc cũng được nhận vào làm hoặc giới thiệu giúp nơi làm thêm. Giá bán cây giống của “Vườn dâu nhà” cũng “mềm” nhất Đà Lạt và bất cứ nhà vườn nào có vấn đề gì về dâu tây đều được 2 vợ chồng tận tình đến tận nơi, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ.
Khiêm tốn với doanh thu năm 2014 khoảng trên 500 triệu đồng, chị Hằng vẫn không muốn nói nhiều về thành công vì khoảng thời gian 2 năm lập nghiệp mới chỉ là bước khởi đầu thuận lợi của cặp vợ chồng kỹ sư trẻ. Dự định của hai vợ chồng là sẽ tập trung vào mở rộng diện tích dâu tây công nghệ cao lên 1ha và cùng với bạn bè nâng cao chất lượng dâu tây, góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm dâu tây Đà Lạt.
Related news
Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, từ tháng 4-2012, xã Phước Thắng (Bác Ái) đã triển khai mô hình thâm canh sản xuất lúa nước trên diện tích 20 ha, với sự tham gia của 25 hộ dân. Sau 2 vụ sản xuất, đến nay các hộ dân đã thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu, cây lúa cho năng suất, hiệu quả khá, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Một trong những hộ gia đình mạnh dạn đầu tư nuôi gà sao đạt hiệu quả kinh tế cao ở Hà Giang là gia đình chị Nguyễn Thị Oanh tổ 15 - thị trấn Vị Xuyên.
Theo quốc lộ 14 đi thành phố Buôn Ma thuột, cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 20 km chúng tôi ghé vào thôn 11 xã Nâm Njang thăm một gia đình nông dân sản xuất giỏi - anh Hoàng Quốc Hùng.
Mô hình kinh tế trồng rừng và nuôi heo rừng sinh sản của gia đình chị Đoàn Thị Thanh Hải và anh Võ Ngọc Thương ở vùng đồi núi cao huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam dù là một hướng thử nghiệm mới nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân tại địa phương phát triển kinh tế trang trại.
Dịch bệnh đốm trắng ở tôm xuất hiện, gây thiệt hại cho người nuôi ngay từ đầu vụ tôm xuân hè 2013. Trong khi đó, công tác phòng chống dịch lại gặp nhiều khó khăn, nguy cơ dịch bệnh có thể lan ra diện rộng. Phóng viên Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi với bà Đặng Thị Thu Hoàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh về vấn đề này.