Mô Hình Nuôi Cá Bóp Thương Phẩm Tại Đảo Hòn Chuối Ở Cà Mau

Hai năm trở lại đây, mô hình nuôi cá bóp bằng lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân sinh sống tại đảo Hòn Chuối (Cà Mau). Đó là tín hiệu đáng mừng để người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo.
Những năm trước đây, người dân sống trên đảo Hòn Chuối sinh sống bằng nghề làm thuê cho các tàu đánh bắt hải sản hay câu cá, câu mực sống qua ngày, cuộc sống rất bấp bênh. Thế nhưng, từ năm 2010 trở lại đây, đời sống người dân đã cải thiện đáng kể nhờ mô hình nuôi cá bóp bằng lồng.
Anh Quách Phong Vụ là người khởi xướng mô hình này cho biết: “Nhờ nuôi cá mà đời sống người dân ở đây có phần khấm khá và hầu như các hộ trên đảo đều có nuôi cá bóp”.
Được biết, trước kia anh là thương lái, ra đảo mua cá về bán lại, khi thấy nơi đây có nước trong là điều kiện thuận lợi để nuôi cá bóp bằng lồng nên anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi. Đến nay, anh đã có 8 lồng nuôi cá, mỗi lồng từ 200 - 250 con. Hàng năm anh thu lợi nhuận từ nuôi cá trên 500 triệu đồng.
Cá bóp là loại cá tương đối dễ nuôi, ít bệnh tật, thức ăn chủ yếu là các loại cá tạp nhưng lại có lợi nhuận kinh tế cao. Hiện nay, thương lái thu mua cá tại đảo có giá từ 110.000 - 115.000 đ/kg, cá nuôi từ 6 - 7 tháng có thể đạt từ 10 kg trở lên.
Hiện nay, nhiều hộ gia đình sống trên đảo có ít nhất một lồng cá, tùy vào kinh tế gia đình mà nuôi với số lượng ít hay nhiều. Anh Trương Thanh Hùng là người dân sống trên đảo cho biết: “Hiện nay, tôi nuôi được một lồng cá, nếu thu hoạch và trừ chi phí còn lời khoảng 50 triệu đồng”.
Tuy nhiên, khó khăn chung của những người dân nơi đây là thiếu vốn. Nguồn vốn có được để nuôi cá là vốn tích lũy của bao năm vất vả làm ăn trên đảo với tiền vay mượn thêm.
Ông Lê Văn Phương, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản đảo Hòn Chuối cho biết: “Đời sống người dân nơi đây đã khắm khá hơn nhờ nuôi cá. Tuy nhiên, hiện tại khó khăn chung của người dân trên đảo là thiếu vốn, nhiều hộ muốn nuôi hay mở rộng diện tích nuôi lại không có vốn”. Vốn đầu tư làm lồng và mua cá giống khoảng 50 - 70 triệu đồng, tùy vào số lượng lồng và cá giống.
Mặc dù nghề nuôi cá bóp đang có triển vọng phát triển tại đảo Hòn Chuối, nhưng do thiếu vốn đầu tư nên mô hình này vẫn chưa thể nhân rộng, đời sống các hộ dân sống trên đảo vẫn còn đó những khó khăn và đang cần sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, để họ có thể yên tâm bám biển, làm giàu từ biển.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, nhiều nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đã mạnh dạn cải tạo vườn để trồng cây ăn trái. Trong đó, xoài cát Hòa Lộc là loại cây được người dân ưu tiên lựa chọn.

Gần 1 năm qua, giá dừa liên tục giảm, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Riêng khu vực Trung Đông - một trong những thị trường tiêu thụ dừa Bến Tre còn bị bất ổn về chính trị.

Vụ xuân 2012, Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã phối hợp với Công ty cổ phần Đại Thành triển khai thực hiện mô hình trình diễn giống ngô lai đơn GS8 tại xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Tường.

Nghị quyết 03 của Huyện ủy Phú Tân về phát động đảng viên và nhân dân tận dụng đất trống trồng hoa màu, cây ăn trái và sạ, cấy lúa tăng thu nhập đã được cán bộ, nhân dân trong huyện hưởng ứng tích cực với nhiều mô hình đa dạng, phong phú. Mô hình trồng khoai mì trên bờ vuông tôm của ông Nguyễn Văn Tâm, ấp Xẻo Sâu, xã Nguyễn Việt Khái là một điển hình.

Thạc sĩ Dương Thọ Trường, Chi cục Phó Chi cục thuỷ sản tỉnh Đồng Tháp khẳng định: Cá điêu hồng ở tỉnh Đồng Tháp không bị nhiễm chất Trifluralin.