Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Chiên Lồng Ở Thái Hòa (Tuyên Quang)

Nuôi Cá Chiên Lồng Ở Thái Hòa (Tuyên Quang)
Ngày đăng: 11/04/2013

Với ưu thế “Cận lộ, cận giang”, nhất là tận dụng dòng sông Lô chảy qua với nhiều loài cá quý hiếm tự nhiên, người dân Thái Hòa (Hàm Yên - Tuyên Quang) đã đánh bắt và chuyển sang nuôi thử nghiệm những giống cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Giờ thì riêng khoản nuôi cá chiên lồng trên sông Lô đã trở thành “nghề hốt bạc” của nhiều hộ nông dân nơi đây.

“Kiện tướng” nuôi cá

Nhắc đến chuyện nuôi cá chiên lồng, có lẽ ít ai ở Thái Hòa “vượt mặt” được ông Phạm Văn Bình, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bình Thuận. Ông Bình chừng 60 tuổi, dáng người nhỏ thó, nói liên tục, da đen cháy - minh chứng cho những tháng ngày bám sông nuôi cá quý.

Ông Bình bảo: “Cách đây chừng 4 - 5 năm, khi nghề đánh bắt cá trên sông đang thịnh, nhiều người đánh bắt được những con cá chiên có cân nặng trên 3 - 4 kg. Thời ấy, những con cá khủng như vậy cũng đã bán được giá trên 200 nghìn đồng/kg nên nhiều người ham, bám sông ngày đêm, thậm chí một số người sử dụng cả kích điện khiến những người sống ven sông như chúng tôi bắt đầu lo lắng và suy nghĩ liệu một vài năm nữa, những giống cá quý như vậy có còn không? Rồi trong một lần xem trên VTV2 thấy phổ biến chương trình nuôi cá chiên trong lồng tại Thanh Hóa, một vài người - trong đó có tôi - học làm theo. Giống cá chiên thì đánh tiếng đặt mua ở những người thả lưới trong thôn, trong xã, rồi nhờ cả người quen đặt mua ở Nà Hang hoặc Bắc Mê (Hà Giang), hoặc Việt Trì (Phú Thọ)…”. Năm 2009, ông Bình đặt lồng nuôi 140 con cá chiên có xuất xứ tạp chủng như vậy. Mỗi con khi ấy cân nặng chừng 3 - 4 lạng, sau 14 tháng nuôi mỗi con khi xuất bán có cân nặng từ 2,6 đến 3 kg, giá bán trên 300 nghìn đồng/kg. Riêng năm đầu tiên, số tiền gia đình ông bán cá đã bù đủ số vốn hơn 100 triệu đồng tiền làm lồng bè.

Nghe cách ông Bình chăm cá mới thấy ông thuộc tính nết cá như thế nào. Ông Bình so sánh, một năm bám sông nuôi cá bằng ba năm nuôi lợn trên bờ. Ông ham lắm, không nuôi theo kiểu tự học tự làm mà nuôi theo kiểu đầu tư, tích lũy dần kinh nghiệm. Ông tính toán, trong thời gian một năm nuôi cá, chỉ có khoảng 200 ngày cá ăn. Để không tốn thức ăn, ông đóng máng ăn để căn chỉnh nguồn thức ăn cho cá, nếu sau một ngày lượng cá trong máng ăn còn thừa, ông sẽ rút bớt thức ăn, nhưng nếu quá nửa ngày mà lượng thức ăn đã hết thì phải tăng lượng thức ăn lên. Đặc biệt, thời điểm cá chiên còn nhỏ, ông trộn Vitamin C với cá con để đàn cá tăng sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh. Cách trộn của ông cũng khác với những người nuôi cá khác: Ông không trộn Vitamin C lẫn với thức ăn của cá mà ông bón vào miệng từng con để viên C không tan, không mất giá trị khi bị thả xuống nước. Ông Bình cười bảo, nhiều lúc nghĩ lại thấy mình chăm sóc cá còn hơn chăm con lúc chúng bị ốm bị đau. Có lẽ nhờ thế mà chỉ duy nhất ông Bình nuôi được cá chiên cân nặng trên 3 kg chỉ sau 14 tháng. Ông Bình bảo, câu của các cụ ngày xưa “Muốn giàu nuôi cá…” so với nuôi cá chiên thì quá đúng! Riêng như gia đình ông có 6 lồng cá, 1 năm chỉ tốn khoảng vài triệu đồng tiền mua cá con làm thức ăn cho 3 tạ cá chiên nhưng lãi trên 128 triệu đồng.

Không lo ế, chỉ lo…

Từ một vài hộ đầu tiên, giờ Thái Hòa đã có 45 hộ nuôi 106 lồng cá chiên, tập trung chủ yếu ở các thôn Ba Luồng, Bình Thuận. Ông Trần Văn Đoan, thôn Ba Luồng bảo, trước khi nuôi cá chiên, gia đình ông nuôi cá trắm, cá rô phi... nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Trăn trở với nghề nuôi cá, ông đã tìm hiểu trên ti vi, sách báo thấy cá chiên là loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế cao nên ông quyết định nuôi thử. Năm đầu mọi thứ đều rất khó khăn, ông phải mua gom từng con cá giống từ những người thuyền chài, đánh bắt cá trên sông Lô và lên tận Yên Bái để tìm nguồn thức ăn cho cá, trong khi kinh nghiệm nuôi cá chiên cũng hạn chế. Một lồng cá chiên nuôi thử nghiệm thu về 40 triệu đồng. Nhận thấy lợi ích lớn về kinh tế nên gia đình ông quyết định chuyển tất cả 4 lồng đang nuôi cá trắm sang nuôi cá chiên...

Giờ sở hữu 5 lồng cá chiên, năm cao nhất gia đình ông Trần Văn Đoan thu về 200 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi 150 triệu đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá chiên, ông Đoan bộc bạch, so với những loại cá thông thường, như cá trôi, cá trắm, cá mè... thì cá chiên ăn ít hơn, dễ nuôi và hiệu quả kinh tế cao hơn. Thức ăn chủ yếu của cá chiên là các loại cá tép nhỏ và trung bình. Từ tháng 3 đến tháng 8 cá nhanh lớn, khoảng 2 đến 3 ngày cho cá ăn một lần, vào mùa đông cá chậm lớn khoảng 7 đến 10 ngày cho ăn một lần. Ông Đoan khẳng định, hiện đầu ra cho sản phẩm cá chiên lồng rất ổn định, các nhà hàng từ Việt Trì, Hà Nội đều đã đặt hàng với những chủ lồng cá ngay từ khi thả cá nuôi với giá dao động từ 340 nghìn đồng đến 420 nghìn đồng/kg tùy con to nhỏ. Gì chứ so với các con vật nuôi khác lúc thì lo đầu ra không có, lúc lại lo chuyện lên giá xuống giá thì người nuôi cá chiên cứ... từ từ mà hưởng lợi.

Anh Nguyễn Công Lý, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa khoe, đầu năm vừa rồi, trong Lễ hội Động Tiên ở Yên Phú, đặc sản của Thái Hòa mang đến với hội chợ chính là cá chiên. Mục đích của bà con trong xã khi đem cá đến chỉ là trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên ngay trong buổi sáng khi hội chợ diễn ra, đặc sản của Thái Hòa đã được bán với giá 500 nghìn đồng/kg. Để hiệu quả của mô hình này lan rộng và phát triển, UBND xã đã giao cho Hội Nông dân xã làm dự án phát triển mô hình chăn nuôi cá lồng trong toàn xã. Đồng thời, UBND xã cũng đã phối hợp với Trung tâm Thủy sản tỉnh tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cho bà con. Cuối năm 2011, đầu năm 2012, Trung tâm Thủy sản tỉnh đã mở một lớp tập huấn thời gian 3 tháng về những bệnh mà cá chiên thường mắc phải. Tuy nhiên, không phải người nào nuôi cá cũng mát tay như ông Bình, ông Đoan mà một số hộ ở Ba Luồng lần nào thả cá cũng có lần mất trắng. Có hộ suy đoán có thể do chất lượng giống cá con, cũng có thể do việc đặt lồng cá không đúng quy trình, đặt lồng quá sát nhau khiến chất lượng nước bị ô nhiễm; hoặc cũng có thể do chất lượng nguồn nước sông Lô giảm sau khi Nhà máy Đường Bình Xa đi vào hoạt động?!... Ngoài ra lại còn một vấn đề khác nữa là chuyện kích điện.

Ông Phạm Văn Bình, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bình Thuận bảo, trước đây trong khu vực này dân thuyền chài thả lưới bắt được rất nhiều cá chiên con, nhưng vài năm trở lại đây thì cạn kiệt hẳn. Nếu không phải là kích cá thì cũng không có lý do gì hợp lý hơn để lý giải chuyện này. Lại có đợt ông kéo cá lên kiểm tra có những con cá oằn xương trông vặn vẹo chẳng khác gì con rắn khiến những người nuôi cá vừa lo lắng vừa bức xúc. Theo ông Bình, khó khăn nhất cho xã cũng như thôn là những người kích điện không phải người dân địa phương. Nếu xử lý được chuyện kích điện, thì chuyện cá giống không phải đi đặt mua từ nơi khác là một cái lợi, chuyện đánh lưới lấy cá con nuôi cá mà không phải mua lại là một cái lợi khác.

Những lồng cá chiên ở Thái Hòa đã và đang mang đến cho người dân nơi đây một cuộc sống “ấm” hơn. Nhưng để có thể bám trụ lâu dài, không chỉ cần sự kiên trì gắng sức của chính người dân, mà còn cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành liên quan về những lo ngại của người dân nêu trên.


Có thể bạn quan tâm

Xây Dựng Mô Hình Sản Xuất Chè Theo Hướng VietGAP Xây Dựng Mô Hình Sản Xuất Chè Theo Hướng VietGAP

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã và đang tích cực xây dựng mô hình sản xuất chè theo hướng VietGAP, tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nhằm giữ vững thương hiệu chè đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận.

12/03/2012
Bệnh Trắng Lá Mía Bệnh Trắng Lá Mía

Bệnh trắng lá mía hiện chưa thành dịch, nhưng đây là một căn bệnh nguy hiểm, có thể bùng phát thành dịch khi gặp điều kiện thuận lợi. Ở một số nước trồng mía lớn nhưThái Lan, Sri Lanka, bệnh trắng lá mía đã từng bùng phát thành dịch và gây ra thiệt hại lớn cho ngành mía đường

18/10/2011
Trung Quốc Ngừng Nhập Thịt, Giá Lợn Giảm Nhanh Trung Quốc Ngừng Nhập Thịt, Giá Lợn Giảm Nhanh

Sau quyết định của Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ Việt Nam, ghi nhận của phóng viên cho thấy, giá lợn tại một số nơi đã giảm.

13/03/2012
Lắng Động Cùng Vẽ Đẹp Bình Dị Của Những Đoá Sen Hồng Lắng Động Cùng Vẽ Đẹp Bình Dị Của Những Đoá Sen Hồng

Cuộc sống của chúng ta là một vườn hoa ngát hương. Mỗi đóa hoa, mỗi làn hương quyện trong gió đều mang một ý nghĩa riêng biệt

21/10/2011
Sốt Giống Cá Tra Sốt Giống Cá Tra

Nhiều thông tin lạc quan về tình hình XK cá tra năm 2012 đã thôi thúc bà con mạnh dạn cải tạo ao thả giống trở lại. Song lũ lụt kéo dài năm ngoái và những đợt không khí lạnh vừa qua đã làm giảm sản lượng cá giống cung ứng cho thị trường.

14/03/2012
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.