Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vùng Đất Chuối Tân Long

Vùng Đất Chuối Tân Long
Ngày đăng: 27/11/2014

Với thế mạnh về đất đai, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) không chỉ có điều kiện phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su mà còn canh tác thêm một số cây trồng khác như sắn, chuối.

Đây là những loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương ở các xã vùng biên giới như Tân Long, Tân Thành, Tân Phước, thị trấn Lao Bảo và các xã vùng Lìa. Trong đó cây chuối đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu của không ít hộ gia đình ở Hướng Hóa.

Tính đến cuối năm 2014, diện tích chuối của riêng xã Tân Long đã lên đến trên 700 ha trên tổng số khoảng 2.200 ha của toàn huyện. Đây là cây dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác ở địa phương, lại ít sâu bệnh, bán được giá nên nông dân Tân Long tích cực mở rộng diện tích chuối. Những năm qua chuối Hướng Hóa đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị, mang về một nguồn thu không nhỏ cho người dân.

Có thời điểm giá chuối quả tăng cao đạt gần 10.000 đồng/ kg nhưng giá bình quân giao động từ 5.000-7.000 đồng/kg đem lại thu nhập cho người dân hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh hai loại cây trồng quan trọng là cà phê và sắn, chuối đã trở thành cây trồng chủ lực tạo sự chuyển biến đáng kể trong cơ cấu cây trồng ở huyện miền núi vùng cao này. Với nguồn lợi thu được khá lớn từ trồng chuối, nhiều người đã đầu tư trồng chuối, không chỉ dừng lại ở Lao Bảo, vùng Lìa, họ còn vượt sông Sê Pôn qua nước bạn Lào thuê đất trồng sau đó chia đôi sản phẩm thu được.

Điều quan trọng khi cây chuối tạo ra thu nhập ổn định thì người dân địa phương không còn mặn mà với việc gùi thuê, cõng mướn hàng nhập lậu mà gắn bó với đất, với rừng để xây dựng cuộc sống. Hiện nay với gần 700 ha chuối, nông dân xã Tân Long đã thu về số tiền trên dưới 60 tỷ đồng năm. Điều thuận lợi nhất là nhờ cây chuối vốn là cây trồng rất quen thuộc với người dân, dễ trồng, vốn đầu tư ít, chỉ cần có đất là có thể triển khai trồng chuối, sau một năm đã cho thu hoạch.

So với nhiều cây trồng khác, đất Tân Long trồng chuối là hợp hơn cả, quy trình đầu tư chăm bón đơn giản nhưng giá trị kinh tế mang lại cao, nhiều hộ gia đình đã giàu lên nhờ cây chuối. Vì thế, trong định hướng phát triển kinh tế -xã hội trước mắt cũng như lâu dài, Tân Long luôn xác định chuối là cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Thực tế đã cho thấy ở Tân Long hiện nay có nhiều hộ gia đình như Ngô Dương Phước, Đoàn Văn Trang, Võ Hoành, Đoàn Cao Thắng, Nguyễn Trị mỗi năm thu nhập từ 700- 900 triệu đồng từ chuối.

Chúng tôi gặp chị Hoàng Thị Thơm đang tất bật xếp chuối lên xe, chị cho biết: “Chuối là cây dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất khác nhau lại cho giá trị kinh tế khá cao nên nông dân rất chú trọng phát triển cây chuối. Hơn nữa, cây chuối lại cho thu hoạch quanh năm nên tạo nguồn thu nhập thường xuyên cho nông dân. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chuối hiện nay vẫn còn bấp bênh nên giá cả luôn biến động thất thường. Vì vậy, người dân trồng chuối rất mong được nhà nước, doanh nghiệp quan tâm đầu tư về công nghệ sau thu hoạch, nhất là máy sấy chuối khô để người trồng chuối chủ động trong việc tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Cho đến nay vùng Lìa và các địa phương dọc theo đường 9 chưa có cây trồng gì có thể thay thế được cây chuối. Nhưng quả thật vấn đề tiêu thụ sản phẩm chuối vẫn đang là bài toán khó. Do đó cần phải tính đến chuyện chế biến chuối theo hướng công nghiệp để nâng giá trị của sản phẩm. Muốn làm được điều này tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến tại chỗ, xây dựng thương hiệu để cung cấp cho thị trường. Với chất lượng tốt, đảm bảo tiêu chuẩn chuối sạch, an toàn thì chắc chắn sản phẩm chuối Hướng Hóa sẽ được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.

Đồng chí Võ Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Mặc dù chuối đang là cây trồng chủ lực có hiệu quả kinh tế nhưng tránh tình trạng phát triển ồ ạt, tự phát, những năm trở lại đây huyện đã chú trọng đến công tác quy hoạch lại vùng trồng chuối. Những nơi có điều kiện để chuối phát triển tốt thì tập trung đầu tư đem lại hiệu quả cao.

Không khuyến khích phát triển cây chuối ở những nơi không đảm bảo các điều kiện cần thiết mà thay vào đó là các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Huyện giao trách nhiệm cho Phòng Nông nghiệp&PTNT đẩy mạnh công tác chuyển giao các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, chọn giống năng suất cao, thâm canh cây chuối tránh để đất bạc màu. Đồng thời, quan tâm đến công tác liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp có năng lực để bao tiêu, chế biến sản phẩm tại địa bàn”.

Nếu làm tốt những điều này sẽ tạo sự chủ động cho đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm chuối Tân Long trên thị trường, là giải pháp lâu dài để người dân yên tâm đầu tư mở rộng diện tích trồng chuối, giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=88717


Có thể bạn quan tâm

Dấu ấn từ một mô hình kinh tế Dấu ấn từ một mô hình kinh tế

Khi nghe lãnh đạo xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết hộ ông Lê Minh ở thôn Đông Lâm mỗi năm xuất bán 2 triệu con cá giống, hơn 300 tấn cá thịt thương phẩm và hàng chục con bò, tổng doanh thu 12 - 14 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 1,3 - 1,5 tỷ đồng, ai trong chúng tôi cũng bán tín bán nghi.

07/09/2015
Giải quyết ô nhiễm từ hoạt động chế biến và nuôi trồng thủy sản cần giải pháp căn cơ và quyết liệt! Giải quyết ô nhiễm từ hoạt động chế biến và nuôi trồng thủy sản cần giải pháp căn cơ và quyết liệt!

Chế biến và nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Các cấp, các ngành, các chuyên gia về môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giúp địa phương giải quyết vấn đề này một cách lâu dài và bền vững.

07/09/2015
8 tháng khai thác trên 33.500 tấn thủy sản 8 tháng khai thác trên 33.500 tấn thủy sản

Theo Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định toàn huyện hiện có 2.367 tàu cá, tổng công suất 653.271 CV, trong đó có 1.750 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên thường xuyên đánh bắt xa bờ. Nhờ các chính sách phát triển thủy sản của Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá và trang bị các thiết bị hiện đại trên tàu, nên thời gian bám biển và sản lượng khai thác cao hơn trước.

07/09/2015
Mùa nước nổi, cua đồng vẫn khan hàng Mùa nước nổi, cua đồng vẫn khan hàng

Hiện nhiều vựa cua trên địa bàn An Giang và Đồng Tháp lo lắng do lũ kém, mưa ít nên sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nên luôn sốt giá.

07/09/2015
Tăng cường quản lý, sản xuất nuôi cá tra năm 2015 Tăng cường quản lý, sản xuất nuôi cá tra năm 2015

Hiện nay, lũ đầu nguồn sông MeKong bắt đầu lên cao, biên độ nhiệt độ ngày đêm cao tạo điều kiện cho dịch bệnh trên cá tra phát triển như bệnh: xuất huyết, gan thận mủ, ký sinh trùng….

07/09/2015