Giật mình nông sản hữu cơ kiểu tự xưng
Trong khi đó, để được chứng nhận thực phẩm hữu cơ, doanh nghiệp phải đưa mẫu đất, nước ra nước ngoài kiểm tra, thẩm định và phải đạt hơn 200 chỉ tiêu về hữu cơ do tổ chức quốc tế đưa ra.
Trên 200 tiêu chí cho rau hữu cơ
Là một trong những người được xem như “cha đẻ” của rau củ hữu cơ (organic) ở TP.Đà Lạt từ hơn 10 năm trước, ông Nguyễn Bá Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH liên doanh Organik (Đà Lạt, Lâm Đồng) nhận định:
“Không dễ tìm được đất để trồng rau hữu cơ ở Lâm Đồng cũng như các tỉnh khác, khi mà nông dân đã lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu trong nhiều năm qua”.
Ông Hùng cho biết, để có thể tiến hành sản xuất sản phẩm rau, củ hữu cơ, ban đầu, doanh nghiệp phải gửi mẫu đất qua cho tổ chức ở nước ngoài đánh giá.
Sau khi phân tích xong, mẫu đất đó bắt buộc phải không có tồn dư các loại hóa chất mới đủ chuẩn để sản xuất hữu cơ.
Tiếp theo, nông dân phải học qua các lớp kiến thức về quy trình, kỹ thuật canh tác hữu cơ, các sản phẩm vật tư nông nghiệp được phép sử dụng, học cách ghi chép sổ sách, nhật ký đồng ruộng…
Theo ông Hùng, tất cả các chi phí này không hề nhỏ.
Ngoài ra, để được cấp chứng nhận hữu cơ, doanh nghiệp phải đóng khoảng 1.700 USD/năm.
Với mỗi sản phẩm được cấp chứng nhận hữu cơ, khách hàng đều có thể kiểm tra tính “thật giả” bằng cách vào trang web đã cấp giấy chứng nhận hữu cơ, nhập mã số của đơn vị được cấp sẽ biết được thông tin chính xác.
“Nếu nhìn bên ngoài khó phân biệt được rau hữu cơ với rau thường.
Điểm khác biệt là rau trồng phun thuốc, phân hóa học nhìn bên ngoài mướt, đẹp hơn.
Tuy nhiên, khi ăn mới cảm nhận được đâu là rau hữu cơ, đâu là rau trồng theo phương pháp xịt thuốc, bón phân hóa học” - ông Hùng nhận định.
Đại diện Công ty Control Union Việt Nam (Cơ quan đánh giá và chứng nhận của Hà Lan tại Việt Nam), ông Richard de Boer khẳng định rằng, chứng chỉ thực phẩm hữu cơ chỉ được cấp khi đảm bảo trong sản phẩm không có hormone, thuốc kháng sinh, thuốc diệt côn trùng, sâu bọ, thuốc trừ cỏ, phân hóa học, chất bảo quản… Sản phẩm cũng không được là sản phẩm biến đổi gen.
Do đó, để có thể tiến hành canh tác hữu cơ, người trồng phải trải qua quá trình cải tạo đất rất kỹ lưỡng.
Ông Võ Minh Khải - Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú, doanh nghiệp có sản phẩm gạo hữu cơ Hoa Sữa đã được chứng nhận hữu cơ bởi Công ty Control Union Vietnam cho biết, để có trang trại lúa hữu cơ rộng trên 320ha tại huyện U Minh (Cà Mau), doanh nghiệp này đã phải đầu tư trên 30 tỷ đồng và hơn 3 năm ròng rã thực hiện cải tạo đất.
Theo ông Khải, để được chứng nhận hữu cơ, doanh nghiệp phải đạt hơn 200 chỉ tiêu về hữu cơ mà tổ chức quốc tế đưa ra, ngoài ra, quy trình chứng nhận này phải lặp lại hằng năm với chi phí không hề nhỏ.
Hầu hết là… tự xưng
Do những yêu cầu khắt khe trong sản xuất, chứng nhận, số lượng sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam không nhiều và giá bán khá “chát”.
Nắm được tâm lý lo ngại thực phẩm bẩn, muốn an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng, nhiều cơ sở, cửa hàng rao bán sản phẩm hữu cơ nhưng không hề có chứng nhận.
Để đạt chứng nhận hữu cơ, doanh nghiệp phải tuân thủ quy trình sản xuất rất khắt khe.
Do được sản xuất trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu… năng suất của sản phẩm hữu cơ rất hạn chế.
Ví dụ như theo thống kê của Viễn Phú, năng suất ruộng lúa hữu cơ của doanh nghiệp này chỉ đạt từ 2 – 4 tấn/ha, trong khi năng suất lúa ở ĐBSCL trung bình từ 7 – 8 tấn/ha.
“Để biết sản phẩm có thật sự là sản phẩm hữu cơ hay không, người mua chỉ cần vào trang web của đơn vị cấp chứng nhận, tra mã số trên bao bì là các thông số khác sẽ hiện ra đầy đủ”, ông Nguyễn Bá Hùng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH liên doanh Organik.
Do đó, các mặt hàng như gạo, rau, cá (lóc, thác lác, rô, sặc)… được chứng nhận hữu cơ đều chủ yếu dành cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, trên thị trường, các sản phẩm được quảng cáo là hữu cơ vẫn nhiều vô kể.
Lý giải vấn đề này, ông Khải cho rằng, cả người bán lẫn người mua đã có sự nhầm lẫn giữa các chứng nhận, các tiêu chí sản xuất sạch.
Cụ thể như thực phẩm hữu cơ hòa toàn không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hóa học và không chứa chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng… trong khi thực phẩm đạt các tiêu chuẩn khác như VietGAP (Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt) vẫn được sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật...
nhưng có kiểm soát, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh đảm bảo ở mức cho phép.
Không chỉ vậy, nhận thấy nhu cầu thị trường tăng cao, nhiều nhà vườn tiến hành trồng rau, nuôi gà theo kiểu “truyền thống”, không sử dụng nhiều phân hóa học, thuốc sâu… tuy nhiên, các yếu tố khác như môi trường, nước tưới, cách bảo quản… vẫn thô sơ, không qua kiểm tra, thẩm định.
Do đó, nông sản làm ra không thể gọi là sản phẩm hữu cơ.
Bà Phạm Phương Thảo – Đại diện chuỗi cửa hàng Organica tại TP.HCM cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, nhưng nguồn hàng hữu cơ trong nước rất hạn chế.
Để tìm được sản phẩm có chứng nhận hữu cơ, đơn vị này phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong khi đó, khảo sát của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho thấy, mô hình chăn nuôi theo kiểu hữu cơ đang nở rộ ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có 1-2 doanh nghiệp đạt được chứng nhận hữu cơ của tổ chức thế giới.
“Phần lớn thực phẩm hữu cơ là do doanh nghiệp tự xưng hoặc chỉ là hiểu nhầm giữa sản xuất sạch, sản phẩm an toàn và sản phẩm hữu cơ.
Người tiêu dùng khi mua sản phẩm hữu cơ phải biết nhận dạng bằng tem chứng nhận, cái nào có chứng nhận hữu cơ thì mới mua”, ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định.
PGS-TS.
Phạm Văn Dư - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho biết thêm, đa số chứng nhận sản phẩm hữu cơ là của các tổ chức nước ngoài có thẩm quyền như USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), Ecocert (EU), IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ), Công ty Control Union… Việt Nam hiện vẫn chưa có cơ quan nhà nước nào chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ.
Ông Dư cho rằng, hiện Cục Trồng trọt cũng đang tiến hành soạn thảo quy định các tiêu chuẩn về trồng trọt hữu cơ trình Bộ NNPTNT.
Có thể bạn quan tâm
Chất cấm tạo nạc “bung đùi, nở mông” (chủ yếu là Salbutamol) được dân trong nghề gọi là “mỳ chính” cho lợn. Việc sử dụng loại “mỳ chính” này được xem là “một người đầu độc hàng triệu người”, là tội ác, cơ quan chức năng kiến nghị cần xử lý hình sự.
Sau vài ngày cấm cửa khoai tây Trung Quốc, UBND TP Đà Lạt lại bất ngờ cho các tiểu thương nhập loại nông sản này.
Sau nhiều ngày thâm nhập thực tế, PV đã tìm ra những “chiêu trò” ép giá của thương lái Trung Quốc (TQ) cũng như những bất ổn trong việc tổ chức sản xuất thanh long của ta hiện nay.
Trong khi hầu hết các nước đều xóa bỏ thuế quan đối với nông sản từ Việt Nam, đặc biệt là gạo thì Nhật Bản lại không cam kết với mặt hàng này.
Nếu đi theo “vết xe đổ” như nhiều nông sản khác, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được.