Nhiều nông dân đổi đời nhờ nuôi đặc sản cá chiên
Xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang có lợi thế là có dòng sông Lô chảy qua.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã đã tận dụng lợi thế này để đầu tư nuôi cá chiên - một loài cá đặc sản, quý hiếm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ nghề nuôi cá chiên lồng, nhiều gia đình ở xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ khá, giàu.
Thôn Ba Luồng được coi là trung tâm nuôi cá lồng của xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên.
Bên bờ sông là hàng chục bè nuôi cá lồng nối nhau san sát.
Ông Vương Văn Hùng, một trong những người tiên phong nuôi cá chiên lồng cho biết: cá chiên là loài cá đặc sản nên có giá trị kinh tế rất cao.
Hiện nay trên thị trường, giá cá chiên dao động từ 450 nghìn đến 500 nghìn đồng/kg.
Nếu mỗi lồng nuôi từ 100 đến 120 con cá chiên giống, sau 12 tháng chăm sóc cá đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2 kg, trừ chi phí người nuôi có thể thu lãi khoảng 50 đến 60 triệu đồng/lồng.
Hiện gia đình ông Hùng đang nuôi 8 lồng cá chiên, đến cuối năm ước tính cho thu nhập trên 400 triệu đồng.
Theo ông Hùng, cá chiên là loài sống ở khu vực nước sạch, nước chảy mạnh, nơi có nhiều khe đá, thức ăn của cá chiên là các loại cá nhỏ.
Khi chăm sóc cá, người nuôi phải đảm bảo môi trường sạch sẽ cho cá.
Cũng như gia đình ông Hùng, gia đình ông Trịnh Văn Công, ở thôn Ba Luồng có thâm niên 7 năm nuôi cá chiên lồng.
Trước khi nuôi cá lồng, gia đình ông Công làm ruộng, nhà đông con nên kinh tế rất khó khăn.
Năm 2008, thấy được hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá chiên lồng, ông Công đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, vay tiền của anh em bạn bè đầu tư lồng, bè.
Năm đầu tiên nuôi cá chiên gặp nhiều khó khăn, ông phải đi tìm mua từng con cá giống từ những người thuyền chài, đánh bắt cá trên sông Lô, gom góp được trên 100 cá chiên giống.
Sau hơn 1 năm chăm sóc, ông Công xuất bán đàn cá và thu lãi gần 50 triệu đồng, từ đó kinh tế phát triển, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, gia đình ông Công đã có 4 lồng cá chiên, trung bình mỗi năm cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng.
Sau vài năm nuôi cá chiên, ông Công đã xây được nhà khang trang.
Bà Trần Thị Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên cho biết, xã Thái Hòa có 28 hộ nuôi cá chiên với hơn 120 lồng nuôi, tập trung chủ yếu ở các thôn Ba Luồng và Bình Thuận.
Nhờ nuôi cá chiên mà người dân ở các thôn này có điều kiện kinh tế khá giả hơn, tỷ lệ hộ nghèo cũng thấp hơn so với các thôn khác trong xã.
Hiện, xã đang tập trung xây dựng thương hiệu cá chiên Thái Hòa, định hướng giúp người dân tìm thị trường tiêu thụ và nguồn cá giống ổn định.
Nghề nuôi cá chiên đã và đang đem đến cho người dân ở xã Thái Hòa huyện Hàm Yên, Tuyên Quang cuộc sống đầy đủ hơn.
Nhưng để duy trì và phát triển nghề nuôi cá chiên lâu dài, không chỉ cần sự kiên trì gắng sức của chính người dân, mà còn cần sự hỗ trợ tạo điều kiện của các cấp, các ngành liên quan về chính sách và nguồn vốn.
Có thể bạn quan tâm
Dự án nhằm mục tiêu phát triển chăn nuôi gà áp dụng quy trình an toàn sinh học theo hướng VietGAHP có kiểm soát. Xây dựng mối liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ cung ứng sản phẩm gà đồi Yên Thế cho TP Hà Nội và một số thị trường khác với chất lượng ổn định, giữ vững thương hiệu, thị trường và hài hòa lợi ích của các bên.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Việt Nam có đủ vaccine phòng chủng cúm A H5N6 nếu dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Tuy nhiên, đây chỉ là loại vaccine dùng tiêm cho gia cầm.
Đây là mô hình thuộc dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2014-2016”. Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư và bà con nông dân, mô hình này hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người trồng mía, bên cạnh việc chuyển đổi giống mía, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) còn hướng dẫn nông dân thay đổi hình thức canh tác từ thủ công sang ứng dụng cơ giới hóa và áp dụng một số kỹ thuật canh tác mới trong sản xuất. Tuy mới áp dụng không lâu, nhưng mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực và nhận được sự đồng tình của người dân.
Hiện tại, diện tích trồng đu đủ toàn xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận) hơn 10 ha, giống đu đủ lùn cao sản. Trong đó, tập trung trồng nhiều tại thôn Phú Thạnh. So với các loại cây trồng khác thì đu đủ là loại cây dễ trồng, không kén đất, kỹ thuật trồng và chăm sóc khá đơn giản.