Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vùng cao Quảng Nam kỳ vọng thoát nghèo từ sâm Ngọc Linh

Vùng cao Quảng Nam kỳ vọng thoát nghèo từ sâm Ngọc Linh
Ngày đăng: 29/08/2015

Sâm Ngọc Linh - một loại dược liệu quý phân bố ở vùng núi cao giáp ranh giữa Quảng Nam và Kon Tum, đang được kỳ vọng trở thành cây thương phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Giống sâm quý hiếm vào loại nhất trên thế giới

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu đặc thù, hiện nay mới chỉ phát hiện phân bố trên vùng sinh thái hẹp, dưới các tán rừng nguyên sinh quanh đỉnh núi Ngọc Linh, thuộc địa phận của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; Đắk Glei và Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Vùng sinh trưởng và phát triển tốt của sâm Ngọc Linh nằm hoàn toàn trên dãy núi Ngọc Linh, ở độ cao từ 1.500 - 2.600m so với mực nước biển.

Từ nhiều năm nay, sâm Ngọc Linh đã được người dân sử dụng để bồi bổ cơ thể, khôi phục thể lực, cầm máu, chữa rắn cắn, chữa tiêu chảy, hoặc đau bụng...

Sâm Ngọc Linh được xếp vào 1 trong 4 cây sâm quý nhất trên thế giới (sâm Mỹ, sâm Hàn Quốc, sâm Triều Tiên, sâm Ngọc Linh Việt Nam), đã được giới khoa học, các cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá rất cao, không những về giá trị kinh tế, mà còn về công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe.

Xét trên góc độ thành phần hóa học, các nhà nghiên cứu chứng minh sâm Ngọc Linh có một số đặc điểm tốt hơn cả sâm Trường Bạch (Triều Tiên) và sâm Tây Dương (Mỹ).

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sâm Ngọc Linh hiện có giá trị kinh tế rất cao, khoảng 20 - 50 triệu đồng/kg (tùy theo độ tuổi của sâm). Nhu cầu tiêu dùng sâm Ngọc Linh ngày càng lớn và không còn trong phạm vi trong nước, mà còn cung cấp cho một số thị trường nước ngoài.

Phát triển bền vững cây sâm Ngọc Linh

Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực, dành kinh phí hằng năm để phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Hiện có một số đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh như: Trại sâm giống Tắk Ngo, Thôn 2 xã Trà Linh, do huyện Nam Trà My quản lý với hơn 20.000 cây sâm giống 2 năm tuổi; Trại dược liệu Trà Linh do UBND tỉnh Quảng Nam quản lý với tổng diện tích 7,127 ha và tổng số 167.658 cây ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Bên cạnh đó, trong nhân dân tại 3 xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang thuộc huyện Nam Trà My đang hình thành 27 chốt trồng sâm với hơn 653.500 cây sâm ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, việc đầu tư giống cây sâm Ngọc Linh trong thời gian qua chỉ mang tính chất hỗ trợ, chưa có định hướng phát triển.

Việc phát triển cây sâm Ngọc Linh vẫn còn ở quy mô nhỏ, manh mún và mang tính tự phát trong dân cư địa phương, thực sự chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị của loài cây này. Diện tích trồng sâm Ngọc Linh hiện có khoảng 40 ha, trong đó thuộc địa bàn huyện Nam Trà My (Quảng Nam) là 34,5 ha, địa bàn các huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum) có 5,4 ha.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, để cây sâm Ngọc Linh thực sự có thương hiệu và khẳng định được giá trị đúng của nó, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030, để trình Chính phủ phê duyệt.

“Chúng tôi đặt mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững cây sâm Ngọc Linh nhằm cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, đồng thời phát triển sâm Ngọc Linh trở thành một sản phẩm chủ lực của Việt Nam”, ông Hồ Quảng Bửu chia sẻ.

Trước mắt, tỉnh Quảng Nam sẽ trồng mới 100 ha giống cây sâm Ngọc Linh tại các xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang huyện Nam Trà My, đảm bảo cung cấp giống chất lượng cho việc phát triển vùng nguyên liệu sâm.

Cùng với đó sẽ trồng 400 ha sâm Ngọc Linh tại các vùng bảo tồn và ngoài vùng bảo tồn để tạo vùng nguyên liệu sâm phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp sâm sau này.

Theo ông Bửu, việc phát triển cây sâm Ngọc Linh cũng góp phần bảo vệ những cánh rừng tự nhiên, hình thành các điểm du lịch sinh thái, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và các nhà máy chế biến sản phẩm sâm và Đông dược từ sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Tuy nhiên, để mục tiêu này trở thành hiện thực, địa phương rất nhiều sự hỗ trợ, phối hợp từ nhiều phía.

Bên cạnh chủ trương, chính sách của Nhà nước, rất cần có sự vào cuộc đầu tư của doanh nghiệp và các nhà khoa học để nghiên cứu, phát triển cây sâm, các sản phẩm sản xuất ra từ cây sâm Ngọc Linh có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.


Có thể bạn quan tâm

Các Nhà Nghiên Cứu Thái Lan Tin Rằng Hội Chứng EMS Sẽ Giảm Trong Năm Nay Các Nhà Nghiên Cứu Thái Lan Tin Rằng Hội Chứng EMS Sẽ Giảm Trong Năm Nay

Trung Tâm Công Nghệ Sinh Học và Kĩ Thuật Di Truyền Quốc Gia Thái Lan (Biotec) tin rằng hội chứng tôm chết sớm (EMS), nguyên nhân của sự sụt giảm nguồn cung cấp tôm gần đây ​​của Thái Lan, sẽ giảm trong năm nay, theo báo cáo của Bangkok Post

05/06/2013
Dịch Bệnh Khiến 200 Vạn Con Ốc Hương Bị Chết Dịch Bệnh Khiến 200 Vạn Con Ốc Hương Bị Chết

Ngày 4.6, ông Trần Hữu Phước - cán bộ khuyến ngư xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn (Bình Định), cho biết: Dịch bệnh phát sinh trên vùng nuôi ốc hương thương phẩm tập trung ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn khiến hơn 200 vạn con trong số 300 vạn con ốc hương do ngư dân vừa thả nuôi đã chết.

06/06/2013
Dịch Bệnh Gây Hại 31,5 Ha Tôm Nuôi Dịch Bệnh Gây Hại 31,5 Ha Tôm Nuôi

Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, đến nay, nông dân các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn đã sử dụng trên 1.915 ha mặt nước để nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Điều đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh tôm diễn biến khá phức tạp, hiện có 31,5 ha mặt nước nuôi tôm tại huyện Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn đã bị dịch bệnh do virút đốm trắng và bệnh do môi trường gây hại. Đáng lo ngại là có một số vùng nuôi tôm đã xuất hiện hội chứng tôm chết sớm khiến cho người nuôi tôm lo lắng. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương khoanh vùng để xử lý dịch bệnh, nhằm khống chế và hạn chế dịch bệnh lây lan, đồng thời hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ tôm nuôi.

06/06/2013
Mô Hình Nuôi Lợn “Không Tắm” Mang Lại Hiệu Quả Cao Mô Hình Nuôi Lợn “Không Tắm” Mang Lại Hiệu Quả Cao

Tỉnh Tiền Giang đang thực hiện thí điểm mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, không tắm cho lợn suốt quá trình nuôi, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

06/06/2013
114 Trại Được Cấp Chứng Nhận An Toàn Dịch Bệnh 114 Trại Được Cấp Chứng Nhận An Toàn Dịch Bệnh

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y Đồng Nai đã hướng dẫn và đề nghị cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 18 trang trại chăn nuôi trong tỉnh và tái đăng ký cho 46 trang trại. Hiện toàn tỉnh có 114 cơ sở chăn nuôi đã được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh, gồm 65 trang trại gà và 49 trang trại heo

06/06/2013