Kỳ Diệu Túi Yếm Khí
Độ nảy mầm hạt giống vẫn duy trì trên 80% sau thời gian tồn trữ, bảo quản kéo dài suốt 12 tháng trời là công năng thực thụ của túi yếm khí đã được các nhà khoa học, cùng các cơ sở sản xuất giống và nhà nông kiểm chứng trong nhiều năm qua.
Chủ động lúa giống quanh năm
Thực tế cho thấy, phương thức tồn trữ như cách truyền thống của người dân sẽ rất khó bảo đảm được việc cung ứng nguồn lúa giống ổn định, chất lượng cao cho sản xuất. Còn ở các công ty, cơ sở cung ứng giống cũng chưa trang bị được hệ thống kho lạnh đầy đủ để tồn trữ hạt giống với khối lượng lớn.
Trong khi đó, để có lượng giống gieo sạ đủ diện tích, nông dân thường sử dụng lúa hàng hóa được thu hoạch từ 1 hoặc 2 vụ trước để làm giống cho vụ sau. Thậm chí có trường hợp lúa vừa thu hoạch xong đã được dùng để làm giống ngay, nên đòi hỏi phải phá miên trạng hạt lúa (hiện tượng ngủ nghỉ của hạt lúa) bằng hóa chất - acid nitric.
Công đoạn trên đã làm phức tạp thêm quá trình sản xuất của nông dân. Xác định những hạn chế, bất cập đó mà không ít các cơ sở sản xuất giống và nhà nông trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng dự án “bảo quản hạt giống bằng túi yếm khí” do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phổ biến cách đây 5 năm.
Ông Bảy Quý (Lâm Ngọc Quang), ở ấp 1A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) là người đã sử dụng túi yếm khí để tồn trữ lúa giống phục vụ nhu cầu canh tác tại nông hộ trong nhiều năm qua khẳng định: “Nếu biết cách sử dụng và tồn trữ đúng kỹ thuật túi yếm khí thì các vụ lúa trong năm, người dân không lo thiếu nguồn giống chất lượng để gieo sạ”.
Theo đánh giá của các nhà khoa học và thực tế canh tác của nông dân, so với các vụ khác, lúa trong vụ Đông xuân được thu hoạch trong điều kiện thời tiết thuận lợi nên sử dụng làm giống là tốt nhất. Tuy nhiên, với cách bảo quản thông thường của nông dân, hạt lúa thu hoạch từ vụ Đông xuân không thể sử dụng làm giống cho vụ Đông xuân tiếp theo vì tỷ lệ nảy mầm đã giảm xuống dưới mức 80%.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Ngẫu, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Chủ nhiệm dự án “Bảo quản lúa giống bằng túi yếm khí” cho rằng: Qua một năm tồn trữ trong túi yếm khí, độ nảy mầm lúa giống vẫn duy trì trên 80%.
Lợi nhuận tăng thêm đáng kể
Không ít nhà nông vẫn còn thói quen tồn trữ lúa từ vụ trước để làm giống cho vụ kế tiếp. Đáng nói là nguồn lúa giống thu hoạch trong mùa mưa nếu không phơi sấy kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hạt giống và năng suất của ruộng lúa sau này. Ông Bảy Quý chia sẻ: “Chưa có gì khổ hơn là khi đất chuẩn bị xong mà giống lại không lên, buộc phải lấy giống 2-3 tầng về để gieo sạ cho kịp thời vụ.
Do đó, năng suất lúa khó đạt mức tuyệt đối. Nhưng chỉ với giá 8.500 đồng/túi chứa 40kg lúa giống, tính ra khi sử dụng túi yếm khí, nhà nông có thể tiết giảm được 5.000-6.000 đồng/kg giống, thay vì mua ở cơ sở bên ngoài 11.000-12.000 đồng/kg giống xác nhận”.
Thời gian qua, Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang đã sử dụng 25.000 túi yếm khí để bảo quản 1.000 tấn lúa giống chất lượng trước khi cung cấp cho bà con trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã giúp cho đơn vị này thu được lợi nhuận đáng kể nhờ chủ động tồn trữ và bán ra với mức giá cao hơn khi thị trường có nhu cầu.
Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang Lư Xuân Hội cho rằng: Quan trọng hơn hết là túi yếm khí góp phần giúp cho trung tâm thực hiện được nhiệm vụ chính trị của tỉnh giao phó là dự trữ lúa giống để kịp thời cung cấp cho người dân khi lúa gieo sạ xong ngoài đồng ruộng gặp phải sự cố thời tiết mưa bão, lũ lụt gây thiệt hại.
Kết quả của dự án “Bảo quản lúa giống bằng túi yếm khí” đã chứng minh rằng: Với giống lúa thông thường, mỗi héc-ta, nông dân phải sử dụng khoảng 200kg để gieo sạ. Còn khi sử dụng giống lúa chất lượng được tồn trữ bằng túi yếm khí thì nhà nông chỉ cần sử dụng 120kg/ha.
Song, có thể chủ động được nguồn lúa giống tốt để gieo sạ khi gặp thiên tai bất lợi. Theo GSTS Nguyễn Bảo Vệ, Đại học Cần Thơ, túi yếm khí phù hợp cho nông dân tự tồn trữ giống ở cấp xác nhận trong điều kiện hiện nay. Nhất là góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nhờ giảm được lượng giống để gieo sạ và chi phí mua giống bên ngoài.
Với diện tích gieo trồng trên 200.000ha và mật độ gieo sạ bình quân 120kg/ha thì mỗi năm, toàn tỉnh cần hơn 25.500 tấn lúa giống để gieo sạ. Cho nên việc tồn trữ lúa giống bằng túi yếm khí được xem là một trong những giải pháp rất cần thiết trong quá trình canh tác lúa của người dân về trước mắt, cũng như lâu dài.
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, dự án “Bảo quản lúa giống bằng túi yếm khí” đã cung cấp được 49.000 túi yếm khí cho các cơ sở sản xuất lúa giống và nông dân trên địa bàn tỉnh, trong đó Trung tâm Giống của tỉnh chiếm trên 50% số lượng.
Loại túi yếm khí được sử dụng chủ yếu trong dự án là loại túi nhựa VN1, chất liệu poly-ethylene, được sản xuất tại Việt Nam có bề dày 0,1mm, độ dài 110cm. Nhờ bảo quản trong môi trường yếm khí mà côn trùng không thể xâm nhập và gây hại đến hạt giống, nên tỷ lệ nảy mầm đạt trên 80% sau thời gian 9-12 tháng tồn trữ, đảm bảo theo tiêu chuẩn lúa làm giống của Bộ NN&PTNT.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, nhờ tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, chủ động phòng chống dịch bệnh và quan tâm công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản, sản lượng thu hoạch các loại thủy sản trên địa bàn quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) vẫn được duy trì ở mức cao dù diện tích nuôi có giảm.
Báo cáo của hiệp hội gia cầm Việt Nam cho biết, năm 2013 cả nước có gần 320 triệu con gia cầm, trong đó chủ yếu là nhỏ lẻ. Bên cạnh thiếu liên kết giữa các khâu còn rất yếu thì việc định hướng thị trường cũng chưa chính xác do số liệu của tổng cục thống kê mới chỉ bẳng 35% so với thực tế.
Sáng 17-9, tại xã Kim Tân, huyện La Pa, tỉnh Gia Lai, Viện Nghiên cứu Mía đường phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác mía năng suất và chất lượng cao cho nông dân trồng mía vùng Đông Nam tỉnh.
Để quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (NLTS) ven bờ tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), góp phần ổn định và phát triển sinh kế cho cộng đồng dân cư vùng ven biển, UBND xã Nhơn Hải vừa phối hợp với Ban quản lý Dự án Vì sự phát triển bền vững NLTS ven bờ (CRSD) và Chi cục Khai thác-Bảo vệ NLTS tỉnh thành lập tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ (ĐQLNCVB) xã Nhơn Hải.
Hà Nội có diện tích ao hồ, sông suối lớn rất có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản (NLTS) trên các hệ thống sông, hồ của TP đang bị suy giảm nghiêm trọng. Bởi vậy, bảo vệ NLTS là biện pháp cấp thiết để đảm bảo phát triển ngành thủy sản bền vững.