Vua Lai Tạo Giống Nếp Thơm Đặc Sản

Nông dân Từ Bá Đạt (55 tuổi, ấp Mỹ Bình, xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang) là người đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long lai tạo thành công giống nếp thơm đặc sản. Ông quyết định chọn quê hương đặt tên cho đứa con tinh thần: “Nếp thơm đặc sản Thạnh Mỹ Tây”.
Đến vùng rốn lũ Tứ giác Long Xuyên, như: Đào Hữu Cảnh, Thạnh Mỹ Tây, Bình Phú, Tân Lập… hỏi thăm nông dân Từ Bá Đạt hầu ai cũng biết, bởi tên tuổi của ông gắn liền với giống nếp thơm đặc sản mà nhiều nông dân đang trồng đạt năng suất khá cao, chất lượng vượt trội nếp Thái.
Trung tuần tháng 4-2014, chúng tôi được ông đưa đi xem ruộng nếp thơm đặc sản sau bờ kênh xáng Vịnh Tre. Cạnh ruộng giống 3 héc-ta sắp thu hoạch, ông còn dành 13 thửa đất (mỗi thửa từ 30-40m2) trồng 13 dòng nếp cùng giống Thạnh Mỹ Tây để so sánh, tìm các gen trội, tuyển chọn nhân giống.
Tâm đắc với giống nếp thơm đặc sản do mình tạo ra, được bà con nông dân trong vùng chuộng trồng, chất lượng ngon và bán được giá cao, ông đã chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho các tổ viên Tổ hợp tác Nông nghiệp Thạnh Mỹ Tây làm vệ tinh nhân giống cấp xác nhận từ giống nguyên chủng (gieo mạ sân và cấy bụi 1 tép). Ông phấn khởi: Sản lượng giống vụ này khoảng 100 tấn, bà con mặc sức trao đổi, trồng 1.000 héc-ta vụ hè thu.
Trò chuyện với phóng viên, ông “bật mí” lý do thời gian qua vùng rốn lũ có nhiều nông dân bỏ lúa chất lượng cao để trồng nếp. Bởi, vụ thu đông 2013, bà con ở đây trúng đậm nếp thơm đặc sản Thạnh Mỹ Tây. Năng suất lúa vụ thu đông thường 8-8,5 tấn lúa tươi/héc-ta, nhưng trồng nếp đạt từ 9-10 tấn/héc-ta, bán được giá 6.800-7.200 đồng/kg, trong khi giá lúa 4.400-4.500 đồng/kg.
Vì lý do đó mà vụ đông xuân 2013-2014 này, diện tích trồng nếp thơm đặc sản Thanh Mỹ Tây tăng đột biến, gấp 6-7 lần vụ trước. Ước diện tích vùng Thạnh Mỹ Tây, Bình Phú, Bình Chánh, Bình Mỹ, Ô Long Vỹ, Đào Hữu Cảnh và Bình Thủy (Châu Phú), Tân Lập (Tịnh Biên), Bình Hòa, Vĩnh Bình (Châu Thành) và huyện Hòn Đất (Kiên Giang) khoảng 2.500 héc-ta, nhiều nơi bà con nông dân thu hoạch đạt năng suất 10-11 tấn/héc-ta, ước tổng sản lượng thu hoạch hơn 20.000 tấn.
Ông Đạt chia sẻ, ưu điểm của giống nếp thơm đặc sản là khá cứng cây, đẻ nhánh mạnh, kháng sâu bệnh tốt, thích hợp với vùng đất sản xuất 3 vụ/năm. Thời gian sinh trưởng vụ đông xuân 97 ngày, hè thu và thu đông khoảng 100 ngày, năng suất từ 9-11 tấn/héc-ta. Cơm nếp có mùi thơm đặc trưng mùi lá dứa, dẻo và mềm, gói bánh tét, nấu xôi, cơm rượu… đều ngon. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục chọn dòng để nâng cao chất lượng sản phẩm.
13 thửa ruộng thực nghiệm, có 8 dòng thuần để so sánh ưu thế chất lượng và rút ngắn thời gian sinh trưởng xuống 90 ngày. Trong đó, ông chú ý 2 dòng trội: Bông đùm to, hạt dài và tỷ lệ chắc cao, trông rất đẹp mắt; dòng vỏ mỏng, hạt dài, đặng gạo, mùi thơm đặc trưng, phù hợp thị hiếu tiêu dùng.
Là nông dân đầu tiên ở vựa lúa lai tạo thành công giống nếp thơm đặc sản từ giống lúa và nếp địa phương, nhưng cái khó mà ông đang gặp, đó là đăng ký với các ngành chức năng để được Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn công nhận cấp giống quốc gia. Theo ông Đạt, Nhà nước nên tạo cơ chế đặc thù và công nhận cấp giống khu vực, phù hợp nhân rộng cho vùng sản xuất đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể bạn quan tâm

Bà Nông Thị Vì - người dân tộc Tày, ở thôn Nà Chạp, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã góp phần xây dựng nên thương hiệu “Quýt ngọt” nức tiếng.

Là một cù lao trên sông Tiền, được phù sa bồi đắp, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy có lợi thế để phát triển vườn chuyên canh cây ăn trái.

Theo Công ty TNHH Một thành viên Bò sữa TP.HCM (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn), nhằm tạo sự gắn kết giữa công ty và người chăn nuôi, sau khi hoàn thành xây dựng nhà máy chế biến sữa bò Củ Chi, công ty sẽ cho cổ phần hóa và bán cổ phần cho nông dân.

Ngoài nhiệm vụ tuần tra, giám sát hoạt động nghề cá, bảo vệ chủ quyền, những năm qua Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị còn hoàn thành tốt công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Nửa năm trở lại đây, nhiều thương lái Trung Quốc không ngại chi tiền để mua một số nông sản non của Việt Nam với giá cao.