Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhiều vùng nuôi thủy sản bị dịch bệnh lúng túng xử lý, ngăn chặn

Nhiều vùng nuôi thủy sản bị dịch bệnh lúng túng xử lý, ngăn chặn
Ngày đăng: 18/08/2015

Thủy sản nuôi chết hàng loạt

Bà Bùi Thị Tới, ở thôn Cốc Liễn, xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy cho biết: “Năm nay, gia đình tôi thả 3.000 con cá rô phi từ tháng 5, hy vọng được thu hoạch vào tháng 9 tới… Nhưng cho đến thời điểm này, trong ao gần như không còn sản phẩm. Cá chết từ đầu đợt nắng nóng vào cuối tháng 6 cho đến tận bây giờ. Nuôi cá nhiều năm, năm nào tình trạng cá chết cũng xảy ra sau các đợt nắng nóng kéo dài, nhưng gia đình tôi chưa có cách giải quyết”.

Cũng giống như gia đình bà Tới, hơn 1 tháng qua, tình trạng cá nước ngọt chết hàng loạt diễn ra khá phổ biến tại các hộ nuôi quanh khu vực. Ông Nguyễn Duy Quyền, ở thôn Kính Trực, xã Tân Phong (Kiến Thụy) khá lo lắng khi toàn bộ 4000 cá rô phi trong ao nuôi của gia đình chết rải rác, thiệt hại rất lớn. Theo tổng hợp chưa đầy đủ của cơ quan Thú y, từ cuối tháng 6 đến nay, tình trạng cá nuôi nước ngọt chết phổ biến ở hai huyện Tiên Lãng và Kiến Thụy với tỷ lệ chết tới hơn 70%. Tại huyện Tiên Lãng, gần 3 ha diện tích ao nuôi nước ngọt của hàng chục hộ dân có hiện tượng cá chết, tập trung ở xã Tiên Hưng và khu vực các xã lân cận. Tại huyện Kiến Thụy, gần 2,5 ha ao nuôi có hiện tượng cá chết, tập trung ở các xã Tú Sơn, Minh Tân và Tân Phong.

Cùng với diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, nhiều đầm nuôi thủy sản nước lợ với đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng cũng bị thiệt hại nặng trong hơn 1 tháng qua, nhất là tại các vùng nuôi tôm tập trung của quận Đồ Sơn, Dương Kinh và huyện Tiên Lãng. Ông Hoàng Đình Tảo, người dân ở phường Tân Thành (Dương Kinh) cho biết: “Tôi nuôi tôm sú quảng canh trên diện tích 4.300m2, thả 6,6 vạn con giống. Sau khoảng 14 - 16 ngày sau, tôm có dấu hiệu kém hoạt động, bơi dạt bờ, nổi đầu, kém ăn. Từ đầu tháng 7 đến nay thì tôm chết rải rác. Khi vớt xác tôm để xử lý vôi bột, tôi phát hoảng phát hiện tôm dị hình, râu quăn queo, vỏ kitin xù xì hoặc biến dạng. Ngoài khu đầm của tôi, nhiều đầm nuôi khác cũng có hiện tượng tôm bị như vậy. Chúng tôi thiệt hại không nhỏ vì đầu tư cho con giống khá lớn. Nhiều hộ trong khu nuôi thủy sản, sau khi thấy thả giống đợt 1 không hiệu quả đã thả đợt giống thứ hai, nhưng tôm lại tiếp tục kém ăn, chết rải rác”.

Tại xã Tiên Hưng (huyện Tiên Lãng) có 20 ha nuôi tôm bị chết rải rác do nhiễm dịch bệnh hoại tử gan tụy. Trong đó khi tại xã Đông Hưng cũng có hơn 20/308 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh chết, với tỷ lệ tôm chết lên tới hơn 70%.

Môi trường ô nhiễm, con giống kém chất lượng

Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Hải Phòng, qua kiểm tra, lấy mẫu, cơ quan chuyên môn xác định, cá tại các vùng nuôi nước ngọt bị chết do nhiễm các loài vi khuẩn có khả năng gây bệnh lở loét. Nhiều mẫu nước tại các vùng nuôi có mật độ vi khuẩn gây hại vượt cao so với ngưỡng cho phép. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do trong quá trình nuôi người dân không chú ý giữ môi trường vùng nuôi, tận dụng bã thải trong quá trình chăn nuôi để cho cá ăn.

Tại các vùng nuôi tôm nước lợ, tôm được xác định nhiễm các bệnh: hoại tử cơ quan tạo máu và tế bào biểu mô, đốm trắng và bệnh hoại tử gan gan tụy cấp do vi rút, vi khuẩn gây ra. Các bệnh này do vi rút gây ra, là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc danh mục bệnh phải công bố dịch theo Thông tư 83 của Bộ Nông nghiệp- PTNT. Bệnh này có khả năng lây truyền nhanh và gây thiệt hại lớn cho người nuôi thủy sản vì khi có biến động về môi trường nước, tỷ lệ tôm nhiễm bệnh bị chết tới 80 - 100%, môi trường nuôi ổn định thì tỷ lệ tôm nhiễm bệnh chết thấp hơn, nhưng đến thời kỳ thu hoạch 90% số tôm bị còi cọc, giá trị thấp. Hiện Chi cục Thú y đang hướng dẫn người dân và chính quyền địa phương các biện pháp xử lý dịch, nhưng việc ứng phó của cơ sở vẫn khá lúng túng. Nhiều diện tích ao nuôi có hiện tượng cá và tôm chết rải rác nhưng không thông báo cho chính quyền và cơ quan chức năng, nên khó tổng hợp và kiểm soát tình hình.

Theo các cán bộ của HTX nuôi trồng thủy sản Tân Thành, hiện địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn dịch. Có hai nguyên nhân gây bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và tế bào biểu mô, đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi ở địa phương; con giống kém chất lượng và môi trường nuôi không bảo đảm. Đây cũng đang là hai vấn đề khó của vùng nuôi Tân Thành, Hải Thành (Dương Kinh) và quận Đồ Sơn. Hiện toàn bộ giống tôm các hộ nuôi lấy qua hơn chục đại lý trên địa bàn. Các đại lý này đều lấy con giống từ Nha Trang, Quảng Ngãi, Nghệ An, Bình Định, Huế, Đà Nẵng ra.

Năm nay, ngay từ đầu vụ, người dân đã phát hiện có lô giống lấy từ miền Trung ra kém chất lượng. Theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đối với đầm tôm bị nhiễm bệnh, không được thay nước ra, vào đầm tránh lây lan dịch bệnh ra diện rộng, xử lý nước ao nuôi bằng hóa chất khử trùng, tiêu độc được phép sử dụng; thường xuyên vệ sinh ao nuôi để loại bỏ thức ăn thừa, tránh ô nhiễm hữu cơ trong ao. Tuy nhiên, hiện cả khu vực nuôi tôm của địa phương hệ thống lấy nước vào và thải nước ra vẫn chung nên khó xử lý các ao nuôi bị bệnh mà không ảnh hưởng đến các hộ nuôi khác. Môi trường nước phục vụ nuôi thủy sản ở đây hiện cũng đang bị ô nhiễm vì nước thải của các nhà máy trên địa bàn. Nếu không giải quyết được vấn đề chất lượng con giống và môi trường nguồn nước thì e rằng bệnh dịch sẽ tiếp tục lây lan và bùng phát cả trong những vụ nuôi sau”.


Có thể bạn quan tâm

Quảng Ninh Tiêu Hủy 800kg Cá Quả Nhập Lậu Quảng Ninh Tiêu Hủy 800kg Cá Quả Nhập Lậu

Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tàu Dân Tiến vừa phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn TP Móng Cái tổ chức tiêu hủy 800kg cá quả có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu.

31/07/2014
Bảo Thắng (Lào Cai) Đã Khống Chế Được Dịch Sâu Ong Phá Hoại Cây Mỡ Bảo Thắng (Lào Cai) Đã Khống Chế Được Dịch Sâu Ong Phá Hoại Cây Mỡ

Thông tin từ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bảo Thắng (Lào Cai), đến thời điểm này, dịch sâu ong ăn lá cây lâm nghiệp (chủ yếu là ăn lá cây mỡ) tại địa phương đã hoàn toàn được khống chế.

11/04/2014
Buôn Trái Cây Rừng Về Thành Phố Buôn Trái Cây Rừng Về Thành Phố

Từ tháng 3, vợ chồng chị Dung, Quảng Ninh đã thu gom mua quả thanh mai (dâu rừng) của một số người dân địa phương để bán buôn cho một số đầu mối trong tỉnh. Anh còn lên một số diễn đàn rao bán mặt hàng này nhằm mở rộng thị trường ra một số tỉnh khác.

01/08/2014
Tăng Năng Suất Cho Đậu Phộng Tăng Năng Suất Cho Đậu Phộng

Ở miền Nam, cây đậu phộng (lạc) trồng nhiều ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Trà Vinh, An Giang…. Sản phẩm đậu phộng ngoài quả (củ), còn tận dụng thân lá ủ làm phân hữu cơ, hoặc làm thức ăn cho gia súc.

11/04/2014
Nợ Ngân Hàng Chồng Chất Vì Gà Đồi Yên Thế Nợ Ngân Hàng Chồng Chất Vì Gà Đồi Yên Thế

Việc ký kết đưa mặt hàng này về tiêu thụ tại Hà Nội đã khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi ở Yên Thế (Bắc Giang) hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, đến nay không ít hộ nuôi đã phải cầm cố sổ đỏ, nợ ngân hàng chồng chất, vì thua lỗ.

01/08/2014