Vụ Nuôi Tôm Nước Lợ Năm 2014 Hiểu Rõ Bất Lợi Để Giảm Thiểu Rủi Ro
Thiệt hại tôm nuôi đầu vụ do dịch bệnh vẫn còn ở mức cao; những rào cản về thuế chống bán phá giá tôm tại thị trường Mỹ; tình trạng dư lượng kháng sinh trong tôm đã được phát hiện tại thị trường Nhật Bản, EU...
Những bất lợi cho con tôm Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã lộ rõ, vấn đề là cần có những biện pháp thích ứng, để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại, đảm bảo thành công cho cả người nuôi lẫn doanh nghiệp xuất khẩu.
Cung-cầu đang được cải thiện
Dù chưa chính thức công bố, nhưng có nhiều nguồn tin cho biết Thái Lan đã khống chế được Vibrio parahaemolyticus-tác nhân gây hội chứng chết sớm trên tôm (EMS) và hiện đang phục hồi việc nuôi tôm nước lợ. Tiến sĩ Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Ủy ban Tôm (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP), cho biết:
Hiện nay, lộ trình phục hồi nuôi tôm của Thái Lan diễn ra chậm và mức tăng sản lượng tôm 2014 dự kiến tối đa chỉ vào khoảng 20% so với năm 2013. Việc chủ động tăng sản lượng tôm ở mức vừa phải của Thái Lan nhằm mục tiêu chính là đảm bảo về giá, chứ không chỉ đơn thuần là hạn chế rủi ro dịch bệnh.
Sản lượng tôm năm 2013 của Thái Lan là 250.000 tấn và họ từng có thời điểm đạt trên 600.000 tấn. Một đối thủ lớn khác của ngành tôm Việt Nam là Ấn Độ năm nay cũng thả nuôi sớm và chấp nhận thu hoạch tôm cỡ nhỏ nhằm tranh thủ giá tôm còn cao lúc đầu vụ, nên hiện họ cũng đã có chào hàng.
Do không bị ảnh hưởng thời tiết lạnh nên Indonesia và Ecuador có thể nuôi và cung ứng tôm đều đặn cho thị trường. Thực tế cho thấy hiện nay họ đang có tôm để chào bán. Indonesia vẫn còn nuôi tôm sú nhưng diện tích không nhiều.
Tuy chưa có thông tin chính thức về vụ nuôi ở Trung Quốc, nhưng với việc thời tiết lạnh vẫn còn ở khu vực tập trung diện tích nuôi tôm lớn là Nam Quảng Tây, cho thấy họ vẫn chưa có điều kiện để thả nuôi ở thời điểm này. Như vậy, đáng chú ý nhất vẫn là sản lượng tôm từ Indonesia, Ấn Độ và Ecuador khi vùng nuôi của họ không bị hội chứng chết sớm (EMS) như Việt Nam, Trung Quốc hay Thái Lan.
Nhìn chung, vụ tôm năm nay, nhiều quốc gia đẩy mạnh việc tăng sản lượng và thời điểm thả nuôi, thu hoạch đều sớm để tranh thủ bán được giá cao lúc đầu vụ. TS Hồ Quốc Lực phân tích: “Với tình hình trên, nếu Việt Nam trúng mùa, về cơ bản cán cân cung-cầu sẽ được cải thiện. Điều này cũng đồng nghĩa với giá tôm sẽ còn giảm và sẽ giảm rất lớn khi vào cao điểm thu hoạch”.
Thực tế cho thấy, hiện nay giá tôm thẻ nguyên liệu loại 40 con/kg ở Ấn Độ chỉ vào khoảng 120.000 đồng/kg, trong khi đó, tại Sóc Trăng hiện đang là 140.000 đồng/kg (giá tại nhà máy, còn giá do thương lái mua sẽ cao hơn). Theo dự báo, giá tôm Ấn Độ sẽ còn tiếp tục giảm nhiều do nhà máy ở đây chỉ tập trung chế biến hàng block.
Bất lợi từ thuế chống bán phá giá
Lần phán quyết sơ bộ về thuế chống bán phá giá gần đây do Bộ Thương mại Mỹ công bố thì mức thuế tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ năm 2012 phổ biến từ 4-10%. Theo TS Hồ Quốc Lực, phán quyết trên khiến các nhà nhập khẩu Mỹ phải nộp thuế bổ sung, nên họ rất e ngại khi nhập tôm từ Việt Nam vì sợ rủi ro.
Vì vậy, khi đàm phán các hợp đồng, họ thường đòi hỏi phía doanh nghiệp Việt Nam phải bao thuế. Để thực hiện được yêu cầu này, doanh nghiệp Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp tại Mỹ để nhập khẩu chính con tôm của doanh nghiệp mình ở Việt Nam, rồi mới bán lại cho doanh nghiệp Mỹ.
Khi đó, mức thuế tăng hay giảm, doanh nghiệp Việt Nam đều phải tự chịu. Trong khi đó, tôm Indonesia không phải chịu thuế, tôm Thái Lan thuế suất cũng như bằng không, còn tôm Ấn Độ thuế suất cũng chỉ bằng 1/2 so với tôm của Việt Nam.
Như vậy có thể thấy, các thị trường lớn của tôm Việt Nam đang có những dấu hiệu bất lợi. TS Hồ Quốc Lực nhận định: “Dù hiện tại, lượng tôm tồn kho của các nhà nhập khẩu Mỹ không nhiều, nhưng họ vẫn mua cầm chừng, tập trung cho những lô hàng tiêu thụ ngay.
Đây cũng chính là cách mà họ đang muốn tạo ra áp lực lên các nhà máy chế biến, nếu nhà máy nào không cầm cự nổi phải chấp nhận bán giá thấp cho họ”.
Nỗi lo dư lượng kháng sinh
Từ tháng 3-2014 đến nay, Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã nâng tần suất kiểm tra 100% kháng sinh Oxytetracylin (OTC) lô tôm từ Việt Nam, sau khi phát hiện một số lô tôm có dư lượng OTC vượt mức cho phép.
Tiếp theo thị trường Nhật Bản, một số thị trường khác như: EU, Hàn Quốc... cũng bắt đầu quan ngại về dư lượng chất cấm này và đã tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam.
TS Hồ Quốc Lực băn khoăn: “Thiệt hại từ những lô tôm bị trả về là quá rõ, nhưng điều đó cũng không đáng quan ngại bằng việc một số nhà nhập khẩu tôm của Nhật đang quay sang tìm các đơn hàng thay thế tôm Việt Nam từ một số nước khác. Vì vậy, việc cấm sử dụng OTC trong nuôi tôm hiện nay là rất cần thiết và cấp bách mà Bộ NN&PTNT cần xem xét”.
Để giảm thiểu rủi ro từ những bất lợi trên, TS Hồ Quốc Lực kiến nghị, ngành nông nghiệp cần khuyến cáo người nuôi chỉ nên tập trung thả nuôi khi thời tiết thuận lợi nhất và nuôi một vụ ăn chắc, kết hợp thả nuôi mật độ thưa, nuôi dài ngày để thu tôm cỡ lớn (từ 40 con/kg trở lại).
Việc thả nuôi mật độ thưa sẽ giảm thiểu được rủi ro dịch bệnh, giảm được suất đầu tư và giảm áp lực làm tăng giá tôm post. Việc thu tôm cỡ lớn cũng giúp cho tiêu thụ được dễ dàng (do ít đụng hàng từ một số nước khác) và làm tăng công suất chế biến của nhà máy (vì thiếu lao động lột tôm cỡ nhỏ khi vào chính vụ).
Đặc biệt, việc sử dụng loại kháng sinh nào, liều lượng ra sao, thời gian cách ly bao lâu... rất cần được khuyến cáo và tuân thủ triệt để, nhằm hạn chế tình trạng dư lượng kháng sinh trong tôm.
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Nam phối hợp với trung tâm Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Kỹ thuật Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố Tam Kỳ triển khai thí điểm mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng trên sông Tam Kỳ.
Sau rằm tháng 7, phần lớn các loại rau màu giảm giá thì dưa hấu tăng giá trở lại. Khoảng một tháng rưỡi trước, giá dưa ở mức thấp từ 3.000-3.200 đồng/kg thì hiện nay tăng thêm 600-1.000 đồng/kg.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu tôm sú từ Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu chế biến của doanh nghiệp. Nguyên nhân do thời gian qua dịch bệnh bùng phát, nguồn tôm nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu nên doanh nghiệp phải tìm nguồn nguyên liệu thay thế.
Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm đất đai, đào hồ nuôi tôm trái phép diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Chính quyền địa phương xử lý thiếu kiên quyết nên vi phạm diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các vùng nuôi trong tỉnh bị bỏ ngỏ nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 7 tháng đầu năm 2014, Việt Nam chi hơn 1,45 triệu USD cho nhập khẩu 1.656 con lợn giống, tăng 1,7 lần về giá trị và 1,9 lần về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong 7 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 944.965 con giống gia cầm với tổng trị giá hơn 3,67 triệu USD.