Vụ Nuôi Tôm 2013 Tiến Độ Thả Giống Chậm
Vụ tôm sú 2013 đã qua một nửa thời gian nhưng người dân ở Trà Vinh, Bến Tre vẫn không dám thả nuôi do thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp và đã cạn vốn.
Theo Chi cục Thủy sản Bến Tre đến thời điểm này toàn tỉnh chỉ mới thả nuôi khoảng 1.500 ha, chủ yếu là tôm quảng canh, còn diện tích thả nuôi tôm công nghiệp thì rất ít.
Ông Trần Hoàng Lâm, PCT UBND xã Thạnh Trị (Bình Đại, Bến Tre) nói: Con tôm đã làm cuộc sống của người dân càng lúc càng khó khăn hơn. Lịch thời vụ thả nuôi tôm 2013 cho phép từ 15/2/2013 nhưng đến nay toàn xã mới chỉ có khoảng 15%/tổng số 600 ha thả nuôi. Trong số khoảng 100 ha thả nuôi đã có 20% bị thiệt hại. Bà con đang rất ngán ngại thả nuôi một phần sợ xảy ra dịch bệnh, một phần do thiếu vốn SX. Hiện tại 90% sổ đỏ của bà con đã nằm trong ngân hàng nên không thể vay thêm.
Ở tỉnh Trà Vinh mùa vụ cũng rất trầm lắng. Ông Nguyễn Văn Tài, PCT UBND xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh) nói: Thời tiết năm nay rất phức tạp, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhiều, cộng với tình hình dịch bệnh tiếp tục làm thiệt hại tôm nuôi nên bà con không dám thả giống. Đến thời điểm này đã hết thời gian xuống giống đợt 1 mà toàn xã chỉ mới có khoảng 40 hộ, chiếm 2 - 3% diện tích. Cùng thời gian này năm trước bà con đã thả nuôi trên 50% diện tích trong toàn xã.
Ở xã Hiệp Mỹ Đông (Cầu Ngang) cũng rất thận trọng, nên tới thời điểm này toàn xã chỉ mới có khoảng 10% diện tích thả tôm nuôi. Trước tình hình trên, Phòng NN - PTNT huyện đã mở nhiều cuộc tập huấn để bà con nắm bắt thông tin kỹ thuật, diễn biến thời tiết và dịch bệnh mà thận trọng trong việc thả tôm nuôi.
Ông Trần Văn Hòa, Trưởng ban Nhân dân ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông (Cầu Ngang) nói: Do thất bại năm rồi nên bà con không còn vốn để cải tạo kỹ ao nuôi. Nguồn vốn của bà con đã cạn kiệt, ngân hàng chưa mở “hầu bao” cho dân vay vốn, nên đến thời điểm này việc cải tạo ao hồ, chuẩn bị cho vụ tôm mới chẳng được bao nhiêu. Có một số bà con không tiền, phải chạy đi vay mượn bên ngoài về mua tôm giống thả nuôi.
Ông Nguyễn Văn Đỉnh, người nuôi tôm ở ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông chia sẻ: Do năm rồi thất bại nên năm nay bà con cũng ngán, cũng sợ, vả lại nước năm nay chưa đủ độ mặn nên không dám thả tôm nuôi, cộng với thời tiết thay đổi liên tục, dịch bệnh chưa có dấu hiệu lắng đọng.
Kỹ sư Nguyễn Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý NTTS (Chi cục NTTS Trà Vinh) cho biết: Đến thời điểm này, bà con mới thả được khoảng 25% diện tích nuôi tôm của tỉnh. Do năm 2012, giá tôm biến động và dịch bệnh gây thiệt hại nặng đã làm cho bà con có tâm lý e ngại. Bước đầu bà con thả nuôi thử một vài ao để theo dõi tình hình rồi có kế hoạch thả nuôi trong thời gian tới.Chi cục khuyến cáo bà con nuôi tôm nên tuân thủ tốt các quy trình kỹ thuật đã khuyến cáo trước đây, không nên sử dụng các loại thuốc diệt khuẩn có nguồn gốc thuốc BVTV. Song song đó nên dành 1 phần diện tích đất làm ao trữ - lắng để cung cấp nước trong quá trình nuôi và mật độ thả nuôi thấp hơn mọi năm từ 12 - 15 con/m2 để giảm chi phí đầu tư, giảm áp lực về mầm bệnh.
Theo thống kê của Chi cục NTTS Trà Vinh: Đến thời điểm này toàn tỉnh có hơn 11.000 hộ thả tôm nuôi khoảng 13.000 ha, chủ yếu ở huyện Duyên Hải nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến nhưng đã có hơn 362,5 ha bị thiệt hại. Tôm chân trắng thiệt hại hơn 95,67 ha. Nguyên nhân do thả trước lịch thời vụ, môi trường biến động, tôm chết ở giai đoạn 25 - 50 ngày tuổi có dấu hiệu bệnh đốm trắng, tôm thiệt hại nhiều ở huyện Cầu Ngang, Duyên Hải. Riêng vùng nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp chủ lực ở huyện Cầu Ngang thì hầu hết bà con nuôi tôm chỉ mới khởi động cải tạo, sửa chữa lại ao nuôi để tiến hành lấy nước xử lý
Chi cục NTTS Trà Vinh kiểm dịch 412 mẫu con giống, kết quả 112 mẫu nhiễm MBV. Ngành chuyên môn kiểm dịch được 29,1 triệu con tôm sú giống, phát hiện 300.000 con bị nhiễm bệnh MBV. Nhập tỉnh 63,240 triệu con tôm sú giống, qua kiểm dịch đã phát hiện 720.000 con bị nhiễm bệnh đốm trắng, 880.000 con bị nhiễm bệnh MBV; tôm chân trắng nhập tỉnh 100,861 triệu con giống, kết quả kiểm tra có 2,8 con bị nhiễm bệnh Taura.
Có thể bạn quan tâm
Thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình (Yên Sơn) là thôn thuần nông, có hơn 95% dân số là người dân tộc Cao Lan. Trước năm 1999, thôn có số hộ nghèo nhiều nhất xã với hơn 55% tổng số hộ. Hơn 10 năm qua, bà con đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa ngành, đa nghề. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Năm 2013, toàn huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) trồng được 111,27 ha ớt chỉ thiên xuất khẩu. Năng suất đạt 76 tạ một ha được tính là cao nhất từ trước đến nay. Sản lượng đạt 855,5 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm 2012. Hiện nay trung bình mỗi kg ớt tươi được tư thương mua với giá 15 đến 20 ngàn đồng. Nhận thấy tiềm năng cây ớt xuất khẩu, huyện Chi Lăng đã xây dựng đề tài khoa học trồng và phát triển cây ớt tạo thành vùng hàng hóa.
Thượng Giáp là một trong 8 xã phía Bắc của huyện vùng cao Nà Hang, có thế mạnh về phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tổng đàn trâu trong xã luôn duy trì từ 720 - 800 con; đàn bò từ 250 - 300 con, bình quân mỗi hộ dân trong xã nuôi từ 2 - 3 con trâu, bò.
Đó là 200 trụ tiêu giống Vĩnh Linh lá to, 3 năm tuổi của vợ chồng anh Nguyễn Văn Lợi - chị Thị Hồng ở ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh - Bình Phước). Chị Hồng phấn khởi khoe với chúng tôi đến đầu tháng 4, gia đình chị đã thu hoạch được 1,2 tấn, nhưng cây vẫn còn xum xuê những chuỗi trái dài và chắc mẩy nhờ đủ nước. Chị ước đoán sẽ thu thêm 1 tấn nữa và trung bình mỗi trụ tiêu được 10kg.
Từ một thôn nghèo nhất xã, 3 năm trở lại đây, đời sống bà con thôn An Thịnh, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) đã có những thay đổi rõ rệt nhờ đẩy mạnh thâm canh cây mía, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao..