Khẩn Trương Thu Hoạch Lúa Xuân, Làm Vụ Mùa
Vụ xuân năm 2013, huyện Sơn Dương cấy được 5.328 ha lúa, trong đó có 3.274 ha lúa lai và 2.054 ha lúa thuần. Đến nay, toàn huyện đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ xuân và bắt tay ngay vào sản xuất vụ mùa.
Thiện Kế là một trong những địa phương dẫn đầu của huyện Sơn Dương về tiến độ thu hoạch lúa vụ xuân cũng như triển khai vụ mùa. Đến đầu tháng 6 này, xã đã hoàn thành thu hoạch trên 264 ha lúa xuân. Năm nay mặc dù có hơn 70 ha lúa BC15 của xã bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, tỷ lệ lép cao, nhưng năng suất lúa bình quân của xã vẫn đạt khá cao (lúa thuần đạt 57 tạ/ha, lúa lai 67 tạ/ha).
Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Kế cho biết, xã đã xây dựng xong kế hoạch làm vụ mùa và cây vụ đông; tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con nhân dân trong xã; triển khai nạo vét duy tu bảo dưỡng hệ thống các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng, đặc biệt là công trình thủy lợi lớn như hồ Tân Dân, trạm bơm Thiện Phong... đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho 271 ha lúa vụ mùa. Đến nay bà con nông dân đã gieo mạ đạt 80% diện tích cấy, làm đất được trên 200 ha... Dự kiến đến ngày 22-6 xã sẽ bắt đầu cấy lúa vụ mùa.
Chị Đào Thị Yến, thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa cho biết, vụ xuân năm nay gia đình chị cấy 6 sào lúa, do thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh nên diện tích lúa của gia đình chị phát triển tương đối tốt. Khi thu hoạch, 6 sào lúa của gia đình chị cho thu trên 1,5 tấn lúa. Hiện gia đình chị khẩn trương làm đất chuẩn bị cho vụ mùa, đảm bảo khung thời vụ tốt nhất.
Bà Đỗ Thị Hưng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Dương cho biết, vụ xuân này cùng với các giống lúa truyền thống, huyện thí điểm đưa 13 mô hình thâm canh giống lúa lai mới như Sut89, Hoa ưu 108, HK28, TH3-5, BG6, Kim ưu 99, HKT18, Đắc ưu 11, Gold, H6129... vào gieo trồng trên diện tích 9 ha của 8 xã với 136 hộ tham gia. Kết quả, năng suất các giống lúa mới này đạt từ 78-80 tạ/ha, tăng 30% so với năng suất bình quân lúa lai toàn huyện.
Đây là động lực quan trọng khích lệ người nông dân đưa các giống lúa mới vào gieo trồng, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế của cây lúa trên cùng đơn vị diện tích. Do thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, chủ động nguồn nước tưới tại các xứ đồng nên mặc dù gặp một số khó khăn do điều kiện thời tiết nhưng năng suất lúa vụ xuân của huyện vẫn đạt trên 61 tạ/ha.
Cũng vụ xuân này huyện Sơn Dương có 617 ha cấy giống lúa BC15 bị lép hạt, năng suất giảm, gây thiệt hại cho nông dân. Với những diện tích bị thiệt hại, huyện đã chỉ đạo cho các địa phương khẩn trương thực hiện thu hoạch đánh giá đúng diện tích và năng suất bị thiệt hại, báo cáo kịp thời cho các cơ quan chuyên môn, đồng thời giải phóng diện tích các xứ đồng để khẩn trương làm vụ mùa cho kịp thời vụ.
Hiện nay cùng với thu hoạch lúa xuân, các xã, thị trấn trong huyện đang khẩn trương làm vụ mùa. Theo kế hoạch, vụ mùa này toàn huyện gieo cấy 6.270 ha lúa, trong đó có 2.200 ha lúa lai; trồng 500 ha ngô, 200 ha lạc, 140 ha cây đậu tương. Theo đó, lượng giống cần 366.850 kg lúa, 8.500 kg ngô, 36.000 kg lạc, 7.700 kg đậu tương…
Để đảm bảo vụ mùa thắng lợi, đến nay cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất tại cơ sở, phát tờ rơi hướng dẫn cơ cấu giống, thời vụ sản xuất cho nông dân. Vụ mùa này, huyện tập trung ở trà sớm sử dụng các giống ngắn ngày KM18, TBR45 và nhóm giống chất lượng HT1, HT6, Bắc thơm số 7, QR1... để kịp thu hoạch và bố trí gieo trồng cây ngô, đậu tương vụ đông.
Với phương châm gặt xong đến đâu khẩn trương làm đất cấy lúa mùa đến đó, đến giữa tháng 6, toàn huyện đã làm đất được 856 ha, gieo được 3.210 kg mạ, gồm 600 kg mạ lai và 2.610 ha lúa thuần.
Có thể bạn quan tâm
Cá nác hoa là loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Cá nác hoa trước đây phân bố tự nhiên rất nhiều ở vùng bãi triều ven biển và vùng cửa sông, cửa lạch các tỉnh ven biển miền Bắc. Tuy nhiên hiện nay, do việc quây đầm, nuôi ngao, sử dụng thuốc diệt tạp bừa bãi nên loài hải sản này phân bố tự nhiên không còn đáng kể và có nguy cơ cạn kiệt.
Để kịp thời tái tạo và bổ sung nguồn lợi này, Dự án “Tái tạo, thả bổ sung giống thuỷ sản tại một số cửa sông nội đồng, ven biển tỉnh Cà Mau” đã được thực hiện gần 2 năm qua, nhưng để được kết quả như mục tiêu đề ra còn rất nhiều việc phải làm.
Trái với mong đợi của nhà nông, sau khi xịt thuốc dưỡng lúa hiệu “9 trong 1” do Công ty Hóa nông lúa vàng sản xuất, nhiều đồng lúa ở ấp Đòn Dong (xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nguy cơ thất thu nặng… Chuyện xảy ra khoảng hơn nửa tháng nay.
Sau 10 năm vất vả làm ăn, trồng đủ loại cây mà kinh tế gia đình vẫn khó khăn. Anh khăn gói vào Nam làm ăn và tìm hiểu những kinh nghiệm trồng cây TLRĐ ở tỉnh Tiền Giang. Năm 2009, anh trở về và đầu tư gần 150 triệu đồng làm đường, đưa các cột bê tông lên khu vườn, kéo điện, đường nước bắt đầu trồng thử nghiệm cây TLRĐ.
Có thể kể thêm câu chuyện tương tự với thịt gà nhập khẩu, cho dù sản phẩm gia cầm nhập khẩu ít được bàn tán hơn. Và vế còn lại là câu chuyện thịt heo, được dự báo sẽ diễn ra tương tự với thịt bò và thịt gà, khi mà châu Âu đang có những bước chuẩn bị tích cực để thâm nhập thị trường Việt Nam.