Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhộn Nhạo Thị Trường Bơ Giống Ở Đak Lak

Nhộn Nhạo Thị Trường Bơ Giống Ở Đak Lak
Ngày đăng: 31/05/2013

Đầu mùa mưa cũng là thời điểm bà con nông dân trong tỉnh Đak Lak bắt tay vào việc trồng mới các loại cây lâu năm. Tuy nhiên, khác với mọi năm, năm nay bơ được xem là cây trồng thu hút sự quan tâm hơn cả, khiến thị trường bơ giống cũng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vấn đề làm cho người dân luôn lo ngại là chất lượng cây giống trên thị trường rất khó nhận biết để chọn mua.

Đa dạng giống bơ

Dak Lak hiện là tỉnh có diện tích bơ lớn nhất cả nước, với khoảng 4.500 ha (sản lượng quả cung cấp ra thị trường từ 40.410 tấn/vụ), tập trung nhiều nhất tại các huyện Ea Kar, Krông Năng, Cư M’gar, Cư Kuin… Những năm gần đây, cây bơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân trong tỉnh (nhất là bơ trái vụ giá bán cao gấp 3 - 4 lần bơ chính vụ). Do chi phí đầu tư ít, dễ trồng, tiết kiệm công chăm sóc, không chỉ trồng chuyên canh mà còn xen canh rất hiệu quả tại các vườn cà phê và một số cây trồng khác, đem lại nguồn thu nhập khá, vì vậy, cây bơ đang thu hút đông đảo bà con nông.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở cung cấp bơ giống, bên cạnh các dòng bơ chính vụ thì các nhà vườn còn tạo ra những dòng bơ trái vụ, rải vụ giúp đa dạng hóa giống bơ và tạo bước đột phá cho nhu cầu thị trường. Hiện, theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp thì toàn tỉnh có tới gần 200 cơ sở cung cấp bơ giống, nhiều nhất phải kể đến địa bàn xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (khu vực đóng chân của Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên) với khoảng gần 100 cơ sở, tiếp đến là các địa bàn lân cận như huyện Krông Ana, Cư M’gar, Cư Kuin, Buôn Đôn…

Tuy nhiên, đơn vị cung cấp bơ giống có uy tín, được các cơ quan chức năng công nhận không nhiều, điển hình chỉ có Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (5 dòng bơ với các mã hiệu nguồn giống từ CĐD.BO.41.06 đến CĐD.BO.41.10) và Công ty TNHH Một thành viên Dak Farm (caygiongdakfarm.vn) là đơn vị sở hữu 5 dòng bơ trái vụ/nghịch vụ với mã hiệu từ CĐD.BO.41.01 đến CĐD.BO.41.05 (gồm 1 dòng bơ thu sớm, 3 dòng bơ thu muộn và 1 dòng bơ thu hoạch rải vụ).

Ngoài ra, còn có một số cơ sở sản xuất bơ giống (mặc dù chưa được các cơ quan chức năng công nhận) có uy tín và nguồn gốc, cây mẹ rõ ràng được bà con nông dân tin tưởng nhiều năm qua như cơ sở cây giống Đức Huấn (thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin); Công ty Mười Bơ Tây Nguyên (thôn 9, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột)... Sự đa dạng giống bơ không chỉ đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường mà còn giúp bà con thỏa sức lựa chọn giống để đầu tư.

Anh Nguyễn Ngọc Đức, chủ cơ sở cây giống Đức Huấn cho biết, hiện nay, việc mua cây giống nói chung và giống bơ nói riêng khá thuận tiện, các cơ sở ươm ghép cây giống có mặt tại hầu khắp các huyện, thị xã và thành phố Buôn Ma Thuột. Người dân chỉ cần liên hệ qua điện thoại, hoặc đến cửa hàng bán cây giống để chọn cây giống thì đã có dịch vụ chở đến tận nhà. Cùng với đó, người dân được các kỹ thuật viên của cửa hàng cây giống tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây hiệu quả; chưa kể nhiều chủ vườn ươm bơ còn đảm nhiệm luôn vai trò đại lý thu mua trái cây, nhận bao tiêu sản phẩm bơ.

Điều này không chỉ giúp bà con yên tâm về khâu chăm sóc cây bơ mà đầu ra của sản phẩm cũng thuận lợi với giá những năm gần đây khá cao và ổn định (bơ loại 1 được thu mua với giá khoảng 15 nghìn đồng/kg, loại 2 giá khoảng từ 8-10 nghìn/kg, loại 3 khoảng 6 - 7 nghìn/kg).

Nông dân rơi vào thế “ma trận”

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì việc “nở rộ” các cơ sở ươm ghép bơ giống cũng nảy sinh nhiều phiền toái, cây giống chất lượng và kém chất lượng lẫn lộn và bày bán tràn lan, khiến nhiều nông dân có nhu cầu mua bơ giống bị rơi vào “ma trận”, bởi không biết đâu là thật đâu là giả. Trong khi đó, giá của mỗi loại bơ giống hiện nay không hề rẻ, khoảng 40 - 50 nghìn đồng/cây tại vườn ươm.

Các chủ vườn đua nhau giữ giá cao, bởi theo nhận định của họ, nếu giảm giá để cạnh tranh sẽ đồng nghĩa với việc tự khai về chất lượng cây giống của mình là kém, khiến người mua cảm thấy nghi ngờ và né tránh, chính vì vậy, cứ theo giá thị trường để bán. Còn người mua thì cứ mặc sức “bơi tự do” với giống và giá. Để chọn cho mình những giống bơ có chất lượng cao, bảo đảm sạch sâu bệnh ban đầu, cây khỏe và mầm trồi phát triển tốt sau này thì rất khó để nhận biết.

Đã hơn nửa ngày dạo khắp các cửa hàng cây giống trên địa bàn xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột nhưng anh Nguyễn Văn Cần, đến từ xã Vụ Bổn (huyện Krông Pak) vẫn chưa chọn cho mình được những cây giống ưng ý. Gạt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen vì nắng, anh Cần than thở: “Tôi đi mua vài chục cây bơ về trồng xen canh tại vườn cà phê nhà mình, nhưng khi lên phố tìm mua thì có quá nhiều cơ sở bày bán giống bơ khác nhau.

Đi đến đâu cũng được giới thiệu là bơ giống chất lượng cao, quả mọng và sai, bán đúng giá… Tuy nhiên, chuyện giá cả tôi không bàn tới, mà quan trọng nhất khiến tôi lo lắng là không biết đâu là cơ sở bán bơ trái vụ thật, đâu là giả nên chưa đủ tin tưởng để mua”. Thực tế cho thấy, ngoài những hộ trồng bơ đem lại hiệu quả kinh tế cao, nếu trồng chuyên canh bơ trái vụ thì mỗi sào có thể thu hàng trăm triệu đồng/năm, nhưng cũng đã có không ít người dân nhận “quả đắng” khi mua nhầm phải giống bơ kém chất lượng, sau khi trồng thì cây thường chết yểu, chậm lớn và quả nhỏ... Với việc trồng bơ phải mất thời gian từ 3 đến 4 năm mới cho quả, lúc đó mới biết được đâu là thật đâu là giả, trong khi tiền mua giống, công sức chăm sóc cũng như thời gian bỏ ra không ít.

Thiết nghĩ, để giúp bà con nông dân yên tâm trong việc mua nhầm phải giống cây kém chất lượng, ngoài việc các cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra đột xuất, phát hiện, xử lý nghiêm khắc những cơ sở ươm, bán bơ giống không bảo đảm chất lượng, phía nông dân cần phải lựa chọn những cơ sở cung cấp cây giống có uy tín cũng như xem xét, lựa chọn kỹ lưỡng khi mua bơ giống tránh tình trạng “tiền thật mua giống giả”.


Có thể bạn quan tâm

Thoát Nghèo Bằng Nghề Nuôi Cá Thoát Nghèo Bằng Nghề Nuôi Cá

Khi hầu hết thanh niên trong thôn xã đi lao động ở nước ngoài thì anh Hồ Đức Ngọc (29 tuổi, ở thôn Nhân Bắc, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) ở nhà tìm hướng làm kinh tế.

20/10/2012
Diện Tích Chuối Tăng Mạnh Ở Xã Tân Long (Quảng Trị) Diện Tích Chuối Tăng Mạnh Ở Xã Tân Long (Quảng Trị)

Xác định cây chuối là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp nên những năm gần đây diện tích trồng chuối ở xã Tân Long (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tăng lên rất nhanh. Cuối năm 2012, toàn xã trồng được 1.000 ha thì đến những tháng đầu năm 2013 nhân dân đã trồng mới thêm 62 ha, nâng tổng diện tích cây chuối trên địa bàn lên 1.062 ha.

11/05/2013
Trồng Mướp Đắng Lai Cho Thu Nhập Gấp Đôi Trồng Lúa Ở Vĩnh Phúc Trồng Mướp Đắng Lai Cho Thu Nhập Gấp Đôi Trồng Lúa Ở Vĩnh Phúc

Để giúp nông dân từng bước vươn lên làm giàu, đồng thời thay thế bằng những giống mướp đắng mới cho năng suất sản lượng cao, vụ hè thu năm 2012 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công ty giống cây trồng Mosanto - Việt Nam xây dựng thành công mô hình trồng cây mướp đắng lai F1 mới CN0244.

23/10/2012
Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Gà Ai Cập Ở Hà Nội Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Gà Ai Cập Ở Hà Nội

Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì (Hà Nội) vừa triển khai thí điểm mô hình nuôi gà Ai Cập siêu trứng tại xã Tả Thanh Oai. Đây là giống gà siêu trứng có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, tốn ít thức ăn, chất lượng trứng cao. Mô hình này đang mở ra triển vọng làm giàu cho người nông dân trên địa bàn.

27/10/2012
Ngư Dân Tự Nguyện Tái Tạo Nguồn Lợi Thủy Sản Ở Thừa Thiên Huế Ngư Dân Tự Nguyện Tái Tạo Nguồn Lợi Thủy Sản Ở Thừa Thiên Huế

Bổ sung nguồn lợi thủy sản ở vùng đầm phá, tạo sinh kế cho bà con ngư dân, Chi hội nghề cá Hà Giang (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang - Thừa Thiên Huế) vừa tự nguyện góp tiền thả 3 tạ cá dìa, kích cỡ 2cm ra đầm phá.

21/05/2013