Vụ lúa Đông Xuân sẽ gặp nhiều khó khăn do thời tiết

Đó là đánh giá của các cơ quan chức năng và các nhà khoa học tại hội nghị triển khai công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất Đông Xuân 2015 - 2016 và nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi khu vực Nam Bộ, do Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 16-10-2015, tại Bến Tre.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Sở NN&PTNT các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự.
Theo dự báo, từ nay đến tháng 4-2016, khu vực Nam Bộ sẽ gặp nhiều khó khăn do lượng nước trên sông thấp hơn các năm về trước, lũ sẽ ít hoặc không xảy ra hay sẽ xảy ra bất thường.
Mùa mưa năm nay đến muộn nhưng sẽ kết thúc sớm hơn mọi năm.
Tổng lượng mưa trung bình tại các trạm trên các sông thuộc lưu vực đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn từ 30 - 50% so với các năm trước.
Mực nước thượng nguồn sông Cửu Long thấp hơn mức lịch sử từ 1 - 1,2m.
Mực triều thấp, mưa đến muộn và ít hơn nên xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và kéo dài hơn mọi năm.
Trước mắt, vụ lúa Đông Xuân 2015 - 2016 sẽ phải đối mặt với những bất lợi này.
GS.TS Tăng Đức Thắng - Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam dự báo: Từ nay đến cuối năm 2016 có thể bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, đặc biệt đối với người dân ở các vùng ven biển, bởi mạch nước ngầm ở các vùng này hiện có rất ít.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do lượng nước từ thượng nguồn đổ về trên sông Mê Kông đến khu vực Biển Hồ thì bị cắt xẻ mạnh.
Tình trạng này đã làm hạ thấp mức thủy vực trên các sông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, gây thiếu hụt trầm trọng lượng nước dẫn vào đồng ruộng.
Trong khi đó, một số con sông khác của khu vực Nam Bộ cũng bị chia sẻ một lượng nước rất lớn bởi các công trình thủy điện từ thượng nguồn.
Ông Nguyễn Văn Ngân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre đưa ra một số giải pháp về trữ nước ngọt sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, đã được tuyên truyền, hướng dẫn người dân để chống chọi với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài trong thời gian qua.
Thực tế đã có ít nhất 6.499ha lúa và 3,5ha hoa màu trong tỉnh bị ảnh hưởng, hàng ngàn người dân sống ven biển các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú luôn trong cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng.
Ông Ngân cũng đề nghị Tổng Cục Thủy lợi sớm báo cáo để Bộ NN&PTNT quan tâm nhiều hơn nữa đến những công trình chưa được đầu tư nhằm khép kín hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre và một số cống lớn khu vực phía Nam Mỏ Cày, Ba Tri, Thạnh Phú.
Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Bến Tre đang trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây nhiều bất lợi đến tính hiệu quả việc thực hiện chủ trương này.
Bến Tre rất mong nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng Trung ương, sự chia sẻ của các nhà khoa học, đồng thời cũng sẽ tổ chức thực hiện một cuộc hội thảo với chủ đề tương tự hội nghị này để sớm tìm ra cách khắc phục, đối phó hữu hiệu, lâu dài đối với vấn đề này.
Ông Lê Mạnh Hùng - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy lợi tiếp thu ý kiến của các đại biểu và khẳng định phần nào thuộc thẩm quyền sẽ nhanh chóng điều chỉnh, nếu vượt thẩm quyền sẽ sớm tham mưu Bộ NN&PTNT để điều chỉnh kịp thời.
Đồng thời, ông Hùng nhấn mạnh, các địa phương nên hết sức chú trọng đến quá trình suy thoái nguồn nước sạch trong tự nhiên, phải sớm báo cáo một cách chi tiết, sâu sát nhất tình hình thủy lợi tại địa phương mình, đặc biệt là các công trình còn dở dang để cùng nhau tìm giải pháp hoàn thiện.
Phải hết sức chú ý ưu tiên các công trình thủy lợi phục vụ nước ngọt sinh hoạt cho người dân.
Các cơ quan nghiên cứu khoa học nên sớm đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng địa phương.
Trước mắt, các tỉnh nên có những tính toán hợp lý theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn để đưa ra lịch thời vụ hợp lý cho vụ lúa Đông Xuân sắp tới.
Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp từ 35 con lợn, nhờ lao động cần cù và tiết kiệm trong chi tiêu, ông Lê Văn Hoàng, ở thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến (Hoà Vang - Đà Nẵng) đã làm giàu.

Đức và Đô là hai anh em ruột, lần lượt được nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc lần thứ IV (2009) và lần thứ VII (2013).

Mặc dù bị mù bẩm sinh cả hai mắt nhưng với nghị lực sống mạnh mẽ cùng sự khéo léo của đôi tay và tính cần mẫn, ông Phan Ly ở thôn An Mô, xã Triệu Long (Triệu Phong - Quảng Trị) đã vượt qua số phận, trở thành một tấm gương làm kinh tế giỏi.

Khai thác thủy sản theo mô hình tổ hợp tác ở Bến Tre đã được hình thành sơ khai từ trước những năm 2000, nhưng là tự phát từ các thành viên trong gia đình hay bạn bè thân thuộc khai thác cùng nghề, cùng ngư trường.

Cũng như nhiều người khác, hành trình làm giàu của chị Triệu Thị Liên, người Dao đỏ, ở thôn Nà Luồng, thị trấn Đông Khê (Thạch An - Cao Bằng) đã nếm trải không ít thất bại. Bây giờ, khi đã gặt hái thành công, chị đúc kết lại: “Muốn làm giàu, ngoài sự cần cù, chịu khó cần phải năng động, sáng tạo nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương”.