Mở Rộng Kênh Phân Phối Gà Đồi Yên Thế
Theo thống kê của UBND huyện Yên Thế, tổng đàn gà trên địa bàn hiện đạt 3,9 triệu con với khoảng 12 nghìn hộ chăn nuôi. 11 tháng qua, Yên Thế đã cung cấp hơn 7,6 triệu con gà (tương đương 13 nghìn tấn thịt) ra thị trường Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định...
Tuy nhiên, giá gà không ổn định, có lúc 75 nghìn đồng/kg nhưng có thời điểm chỉ còn 40 nghìn đồng/kg khiến nhiều gia đình không dám tái đàn. Phần lớn gà lông được tiêu thụ ở chợ truyền thống, còn gà chế biến bán tại trung tâm thương mại, siêu thị chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thực tế này đặt ra vấn đề cần phải khai thác các kênh phân phối, cải tiến, đa dạng sản phẩm đã qua chế biến làm tiền đề cho đầu ra thuận lợi.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần Giang Sơn (Yên Thế) cho biết, sản phẩm gà chế biến khó tiêu thụ một phần là do tâm lý, thói quen của người tiêu dùng. Ngay tại cửa hàng của Công ty ở TP Hà Nội, dù giá không chênh lệch nhiều nhưng khách hàng thường chọn mua gà lông mà ít khi mua gà đã qua chế biến. Song đại diện một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn lại cho rằng sản phẩm gà đồi Yên Thế khó tiêu thụ còn do có những hạn chế nhất định.
Ví như khi vào siêu thị, người tiêu dùng chỉ cần mua một phần của con gà như: Cánh, đùi hay lườn, nhưng đối với sản phẩm gà đồi Yên Thế thì phải mua cả con. Để gà đồi Yên Thế tiêu thụ mạnh tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn thì doanh nghiệp cần linh hoạt hơn trong chế biến, có thể chia nhỏ từng phần con gà bán riêng. Bên cạnh đó, chất lượng gà thịt cũng cần được nâng cao hơn.
Theo nhận định của ông Trương Minh Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Thương mại Hà Nội thì hệ thống khách sạn 4 sao, 5 sao hay các resort ở Hà Nội và một số tỉnh khu vực phía Bắc là thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp chế biến gà đồi Yên Thế. Tổng Công ty sẵn sàng đứng ra làm cầu nối giúp doanh nghiệp chế biến gà đồi Yên Thế tiếp cận các đơn vị này.
Để nâng cao chất lượng gà thương phẩm, huyện Yên Thế đã triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đồi theo hướng VietGAP giai đoạn 2013-2015. Mới đây, Công ty cổ phần Giang Sơn đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) trao giấy chứng nhận VietGAP. 80 hộ chăn nuôi (tại xã Đồng Tâm) của Công ty có sản lượng 480 nghìn con/năm (khoảng 1.000 tấn) được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là tiền đề thuận lợi cho sản phẩm gà đồi Yên Thế xâm nhập các thị trường “khó tính”.
Nguồn bài viết: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/134993/mo-rong-kenh--phan-phoi--ga-doi-yen-the.html
Có thể bạn quan tâm
Từ sau ngày hòa bình, nhiều gia đình ở vùng đồng bằng xã Hải Phú đã cơm đùm mắm muối phạt rừng tìm về K4 để khai phá. Ròng rã mấy chục năm bám trụ, cải tạo từng mét đất đầy đá sỏi, họ khắc trong mình niềm tin mãnh liệt rằng rồi đất sẽ hồi sinh… Và bây giờ đất K4 khắc nghiệt đã và đang mang lại những mùa no ấm. Dẫn chúng tôi thăm K4- được xem là vùng trọng điểm trồng cam ở Quảng Trị, ông Nguyễn Nhạc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú cho biết: “Chính sự cần cù, nhẫn nại của những người nông dân ở vùng đồi K4 đã làm đất hồi sinh, cho quả ngọt lành. Anh nhìn đấy, toàn bộ khu triền đồi bên khe suối này giờ đã là bạt ngàn cây cam, đồi chè và nhiều loại cây ăn quả, hoa màu khác… Người lạc quan nhất cũng khó có thể tưởng tượng được giờ đây vùng đồi K4 đã trở nên trù phú thế này”.
Mới 28 tuổi nhưng anh Vũ Ngọc Tuyến ở thôn Cá Nội, xã Hoàng Thắng (Văn Yên - Yên Bái) đã là chủ của một cơ sở sản xuất nấm sò và mộc nhĩ. Vụ đông xuân năm 2012 - 2013, gia đình anh đã thu lãi trên 60 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
Gần đây, mô hình trồng cải thìa, cải rổ ở xã Khánh Hòa (Châu Phú - An Giang) phát triển mạnh, đã mang lại thu nhập cho nhiều hộ nông dân địa phương.
Những dấu hiệu của bệnh tôm rất đa dạng, chúng xuất hiện nhiều trên cơ thể con tôm, có thể là biểu hiện của một hay nhiều tác nhân gây bệnh. Vì thế, khi chẩn đoán bệnh, cần nhận định được tác nhân chủ yếu gây bệnh để có hướng xử lý đúng đắn.
Để ổn định cuộc sống cho người dân tái định cư (TĐC) Thủy điện Sơn La trên địa bàn, các cấp, ngành chức năng tỉnh ta không chỉ tạo điều kiện tối ưu về phát triển hạ tầng cơ sở mà còn triển khai nhiều giải pháp tổ chức, hỗ trợ sản xuất cho người dân. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân TĐC đang dần tốt hơn, bà con yên tâm sản xuất...