Vụ gà Mỹ bán phá giá tại Việt Nam tháng 11 hoàn thiện hồ sơ kiện
Không gấp nhưng phải chắc
Ông Lê Văn Quyết – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, sau khi có được những thông tin từ Mỹ về việc sản xuất, phân phối sản phẩm thịt gà tại thị trường này, Hiệp hội khẳng định gà Mỹ đã bán phá giá tại Việt Nam.
Do đó, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đang ráo riết hoàn tất hồ sơ để sớm đưa vụ kiện ra tòa.
Song song với việc xúc tiến khởi kiện, người nuôi gà ở Đông Nam Bộ đang tích cực giảm giá thành chăn nuôi để tăng sức cạnh tranh. Ảnh chụp tại trang trại nuôi gà ở huyện Đức Hòa, Long An.
Cũng theo ông Quyết, hơn một tháng sau khi gửi đơn yêu cầu điều tra bán phá giá gà Mỹ lên Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi trong vùng vẫn giữ vững tinh thần, quyết tâm theo đuổi vụ kiện.
“Chúng tôi đang quyên góp để cùng lo chi phí cho vụ kiện. Dự kiến chi phí ban đầu gồm thuê công ty tư vấn khoảng 200.000USD; chi phí thuê công ty luật ở Việt Nam khoảng 200.000 - 250.000USD nữa, bao gồm cả nhận hồ sơ từ công ty Mỹ cung cấp có xác nhận và nộp hồ sơ cho Cục Cạnh tranh…
Một số hãng luật cũng đã đưa ra giá khoảng 400.000 – 450.000 USD cho tất cả các thủ tục trên, tuy nhiên chúng tôi vẫn đang cân nhắc để lựa chọn luật sư riêng”- ông Quyết nói.
“Chúng tôi không gấp gáp nhưng thực hiện từng bước rất chắc chắn, với đầy đủ hồ sơ chứng từ, với mục tiêu đưa vụ kiện ra tòa không chỉ cho nông dân ngày hôm nay mà còn giúp bảo vệ thị trường trong nước cho thế hệ con cháu sau này nữa” - ông Quyết tiếp lời.
Ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước cũng khẳng định, hiện đã có 8 công ty chăn nuôi gia cầm và những chủ trang trại nuôi 100.000 con gà trở lên, chiếm 90% thị phần gia cầm trong nước cam kết tham gia vụ kiện, cao hơn gấp nhiều lần so với yêu cầu các doanh nghiệp đứng đơn phải nắm giữ 25% thị phần của luật cạnh tranh quốc tế.
Dự kiến trong tháng 11 tới, hồ sơ vụ kiện sẽ hoàn thiện để chuyển Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương.
Trong khi đó, tại cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp có chiến lược xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm hồi tuần trước, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám khẳng định, Bộ NNPTNT ủng hộ các quyết định của Hiệp hội về việc đưa vụ kiện ra tòa. Bộ này cũng sẽ đồng hành cùng các đơn vị để sớm hoàn thành các thủ tục theo như yêu cầu.
Giảm giá thành để cạnh tranh
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, những tháng đầu năm 2015, giá thịt gà bán ra tại các trang trại chỉ ở mức dưới 22.000 - 25.000 đồng/kg, trong khi giá thành lên tới 26.000 - 27.000 đồng/kg.
Các trang trại, hộ nông dân nuôi gà công nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn, nông dân thường xuyên bán gà dưới giá thành do ảnh hưởng của thịt đông lạnh nhập khẩu giá rẻ.
Do đó, theo Hiệp hội này, song song với quá trình đưa vụ kiện bán phá giá gà Mỹ ra tòa, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi trong nước vẫn phải từng bước thay đổi quy trình sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nội địa.
Có như vậy, gà Việt Nam mới có thể đứng vững trên sân nhà trước sự cạnh tranh của hàng ngoài thời hội nhập.
“Về lâu dài, người chăn nuôi phải nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng thì mới giữ được thị phần.
Do đó, bên cạnh lập hàng rào chất lượng, hạn chế nhập khẩu thịt từ nước ngoài, các trang trại phải hướng đến giảm giá thành sản xuất thịt gà” - ông Quyết đề xuất.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, sau thời gian dài giá giảm sâu, hiện tại, giá gà thịt tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước đã tăng lên mức 28.000 - 30.000 đồng/kg, đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi.
Bộ NNPTNT có hỗ trợ về mặt kỹ thuật
Liên quan tới khả năng chi phí ước tính ban đầu cho vụ kiện đùi gà Mỹ bán phá giá tại Việt Nam tốn kém khoảng 10 tỷ đồng, ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết:
Vấn đề bán phá giá thuộc Bộ Công Thương phụ trách, nhưng sẽ rất khó để Nhà nước hỗ trợ về mặt kinh phí. Kiện bán phá giá chủ yếu vẫn do các hiệp hội thực hiện là chính.
Về phía Bộ NNPTNT đã có chỉ đạo hỗ trợ mặt kỹ thuật, hiện tại văn phòng của Cục Chăn nuôi ở phía Nam đang tiến hành kiểm tra các yếu tố về kỹ thuật để hỗ trợ cho Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ.
Mặt khác, vừa qua, Bộ NNPTNT cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo để tham vấn thêm ý kiến các chuyên gia liên quan tới lĩnh vực này.
Các đơn vị như Cục Thú y và Cục Chăn nuôi cũng đang đề xuất cử người sang Mỹ để làm việc và tìm hiểu trực tiếp các thông tin lên quan tới sản xuất, chế biến, bảo quản và giá bán gà của Mỹ.
Nếu được Bộ trưởng Bộ NNPTNT đồng ý, việc này sẽ tiến hành triển khai trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Vụ thu đông năm nay, toàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) trồng 265 ha dưa hấu, tăng 160 ha so với cùng kỳ năm ngoái với các giống có năng suất, chất lượng cao như: Trang Nông 1786, Trang Nông 575, Tai Sơn 46, Tai Sơn 54. Ba xã dẫn đầu toàn huyện về diện tích dưa hấu là Ngọc Lý, An Dương, Cao Xá.
Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến mô hình xen canh nho - trôm độc đáo của anh Phương Bảo Toàn 51 tuổi ở thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận). Hàng chục cây trôm thẳng đứng tỏa cành tạo “mái che” xanh mát cho vườn nho đang mùa đơm bông kết trái. Mô hình nho - trôm đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình anh bảo đảm cuộc sống no ấm, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Vào một ngày đầu đông, chúng tôi có dịp tìm tới trang trại gà siêu trứng của ông Đôn Đức Hùng tại Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Từ một người tàn tật, giờ đây ông Hùng không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ nhiều người, giúp họ có công ăn việc làm ổn định.
Ngày 27/5, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, nhằm khai thác tối đa lợi thế đất đai, khí hậu của vùng đất phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh bao gồm 03 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông, tỉnh khẩn trương xây dựng Đề án Hỗ trợ phát triển cà phê chè tại các huyện này.
Đó là trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Chính, ngụ tại ấp Phủ - xã Tân Phong (Thạnh Phú - Bến Tre). Mỗi con dễ nhũi giá 250 - 300 đồng, anh thu hoạch đều đều 400 - 500 con/ngày.