Vì Sao Ngư Dân Chưa Mặn Mà Với Bảo Hiểm?
Lãnh đạo tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, chính sách hỗ trợ cho ngư dân tham gia bảo hiểm bị thu hẹp, chi phí đi biển tăng là lý do khiến ngư dân không mặn mà với bảo hiểm.
Ông Nguyễn Quang Phi, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt.
Thưa ông, hiện nay Bảo Việt có những gói sản phẩm nào để bảo hiểm cho ngư dân và tỷ lệ ngư dân tham gia bảo hiểm ra sao?
Đối với bảo hiểm ngư dân, hiện nay chúng tôi có gói sản phẩm bảo hiểm vỏ tàu và bảo hiểm cho thuyền viên.
Về tỷ lệ mua bảo hiểm thì tuỳ vào từng địa phương. Sau khi Thủ tướng có quyết định 289 năm 2008 thì tại những địa phương mạnh về đánh bắt thuỷ sản, có ngư trường lớn như Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi… thì số lượng ngư dân tham gia bảo hiểm chiếm khoảng 70%.
Đó là thời điểm sau 2008, chứ thực tế hiện nay tổng cục Thuỷ sản (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cũng đánh giá tỷ lệ này đang giảm nhiều, còn ngư dân cũng kêu ca là không mặn mà như trước vì thực tế “mua dễ nhưng đòi rất khó”?
Bảo hiểm tàu cá thuộc nhóm rủi ro rất cao, khác với những dịch vụ khác. Đặc điểm là do tàu bè lênh đênh trên biển, khi gặp sự cố thì hầu như không để lại hiện trường cho nên việc xác định trường hợp đó có thuộc phạm vi được hay không được bảo hiểm là rất khó. Đó là một thực tế. Chúng tôi phải dựa hầu hết vào sự xác nhận của các cơ quan chức năng như bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nếu nói chậm được thanh toán thì tôi không nghĩ thế, chúng tôi chi trả nhiều rồi. Có hồ sơ đầy đủ thì nhanh thôi, chứ hồ sơ thiếu sự xác nhận của chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng hay có dấu hiệu trục lợi, khúc mắc thì đúng là phải cần thời gian xác minh.
Theo ông, có rào cản nào khác khiến ngư dân không mặn mà với bảo hiểm?
Không phải là ngư dân không mặn mà đâu mà tôi nghĩ, điều kiện kinh tế họ hạn chế, có thể nói là khó khăn, nên vừa qua, khi giá cả đầu vào tăng lên như giá xăng dầu, chi phí cho một chuyến đi biển gia tăng thì họ buộc phải tính toán lại, trong đó có việc giảm phí bảo hiểm. Để giảm chi phí thì họ buộc phải chấp nhận không tham gia bảo hiểm.
Nghĩa là cũng có thể do mức phí bảo hiểm cao mà mức được bảo hiểm thấp?
Tuỳ thuộc quy mô tàu, tàu lớn thì cao hơn, tàu nhỏ thấp nhưng nằm rải trong vài trăm ngàn đến vài triệu. Tương đương đó là mức được bảo hiểm phù hợp với từng loại, thường là ngang bằng giá trị con tàu. Một số tàu cá lớn có giá trị bảo hiểm 2 – 3 tỉ và thực tế có trường hợp đã được chúng tôi bồi thường hết trách nhiệm.
Theo ông cần có giải pháp nào để đẩy mạnh hơn nữa, giúp ngư dân tham gia bảo hiểm, nhất là trong tình hình đánh bắt xa bờ trên biển càng nhiều rủi ro, tình hình Biển Đông phức tạp như thời gian qua?
Quan trọng là Chính phủ hỗ trợ tiếp tục. Ví dụ quyết định 289 của Thủ tướng năm 2008 là rất tốt, thời điểm đó ngư dân tham gia bảo hiểm tăng đột biến. Quyết định đó hỗ trợ phí bảo hiểm vỏ tàu và hỗ trợ 100% phí bảo hiểm thuyền viên cho nhiều đối tượng, nhưng hiện nay thì thu hẹp đối tượng lại, chỉ ưu tiên đánh bắt xa bờ chẳng hạn.
Đào tạo thuyền trưởng miễn phí cho hàng trăm ngư dân
Ngày 9/8, chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Khánh Hoà phối hợp với đại học Nha Trang tổ chức trao giấy chứng nhận thuyền trưởng cho 124 ngư dân. Đây là những học viên tham dự chương trình đào tạo nghề miễn phí cho ngư dân. Trong thời gian khoảng gần hai tháng, các học viên được đào tạo 40% lý thuyết và 60% thực hành lái tàu trên biển. Từ nay đến cuối năm 2011, Khánh Hoà sẽ mở 28 lớp đào tạo nghề cho khoảng 700 ngư dân tại Ninh Hoà, Vạn Ninh, Cam Lâm, Cam Ranh và Nha Trang.
Có thể bạn quan tâm
Việc tìm ra những giải pháp để chống khô hạn và sa mạc hóa là vấn đề hết sức bức xúc cho các tỉnh duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, vùng có khí hậu khô hạn và sa mạc hóa cũng có những thế mạnh riêng. Ví dụ như cây nho, cây thanh long, con cừu rất thích hợp phát triển ở những vùng khô hạn như Bình Thuận và Ninh Thuận.
Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, trong vụ lúa trung vụ năm 2011, hộ anh Huỳnh Văn Sên ngụ tại ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Thành công bước đầu của mô hình đã mở ra cho vùng đất cù lao bốn bề sông nước này một triển vọng mới về phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
Bệnh đốm trắng đang có chiều hướng lan rộng trên cây thanh long ở Bình Thuận, vì thế không ít nhà vườn bị thất thu, dù giá trái cao hơn mọi năm.
Ổi là loại trái cây thơm, dòn, có vị chua ngọt được thị trường ưa chuộng bởi có giá trị dinh dưỡng và phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều người. Ngày nay, giá trị của loại trái cây này góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế gia đình của nhiều nông dân ở địa phương. Tiêu biểu là mô hình trồng bưởi da xanh xen ổi ruột hồng của anh Nguyễn Văn Hồng ở ấp 1, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre.
Nên bón lót lân nung chảy (Ninh Bình, Văn Điển) để ém phèn ngay từ đầu và cung cấp lân cho cây lúa HT phát triển tốt. Lượng bón từ 200-400kg/ha tùy độ phèn của đất. Nên xử lý hạt giống bằng K-Humate (1/2 lít cho 100kg giống) làm tăng sức nảy mầm, tỷ lệ nảy mầm, tăng sức sống hạt giống (sử dụng loại có hàm lượng K-Humate cao như Vina Super Humate của Hoa Kỳ).