Vụ Cá Nam, Giá Cá Thấp, Thu Nhập Ngư Dân Giảm Một Nửa
Ông Nguyễn Hạnh có thâm niên đánh bắt, thành viên Nghiệp đoàn khai thác hải sản phường Phước Hội (Bình Thuận) có 2 chiếc tàu công suất lớn: 285 CV, 485 CV với hơn 20 thuyền viên hành nghề câu khơi. Vụ cá nam này, 2 chiếc đều bám biển ngoài khơi, nhà giàn DK1, phía Nam đảo Côn Sơn hơn cả tháng, khai thác được 3- 4 tấn cá các loại có giá trị như: cá cam, ngừ, hà lan, sơn đỏ nhưng giá cá bán tại cảng La Gi hạ làm thu nhập giảm sút.
Ông Hạnh tính, mỗi loại cá giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so cùng kỳ. Vụ cá nam năm trước, cá cam giá 50.000 đồng, nay còn 40.000 đồng/kg; cá hà lan 50.000 – 60.000 ngàn đồng xuống 35.000 – 50.000 đồng/kg; cá đổng 68.000 – 70.000 đồng còn 53.000 đồng/kg.
Trong khi phí tổn đi biển đều tăng, nên thu nhập của thuyền viên giảm hơn một nửa so năm ngoái; cả tháng đi biển mỗi người chỉ được 3 - 4 triệu đồng so trước đây từ 9 - 10 triệu đồng… Ở Nghiệp đoàn khai thác hải sản phường Phước Hội, ông Nguyễn Trúc, chủ tàu, thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ cũng cho biết thêm: “Tàu cá của gia đình tôi với công suất gần 500CV chuyên hoạt động khai thác tại các vùng biển Trường Sa. Mỗi đợt khai thác kéo dài từ 1 - 2 tháng nên chi phí rất lớn.
Nếu như trước kia, mỗi chuyến khai thác chi phí khoảng 400 - 500 triệu đồng thì nay do giá xăng dầu và các chi phí khác đều tăng, nên mỗi chuyến khai thác phải tăng thêm chi phí cả 100 triệu đồng. Nhưng tương tự giá cả ở bờ, giá cá bán cho các tàu dịch vụ ngoài khơi cũng giảm nhiều. Mỗi đợt khai thác dài ngày, tuy sản lượng đánh bắt có tăng nhưng sau khi trừ chi phí thu nhập mỗi thuyền viên chỉ còn 4 - 5 triệu đồng”…
Không chỉ đội tàu Nghiệp đoàn khai thác hải sản phường Phước Hội mà hầu hết các đội tàu khai thác của ngư dân trên toàn phường như nghề vây rút chì, mành, giã cào… trong những tháng qua đều rất tích cực bám biển, số ngày khai thác/chuyến cũng dài hơn và ngư trường khai thác cũng ngày một vươn xa hơn nhờ các dịch vụ cung cấp nhiên liệu, thu mua hải sản đã được các tàu dịch vụ cung ứng đến tận ngư trường. Tuy nhiên do giá cá giảm nhiều, thu nhập của ngư dân không bằng vụ cá nam năm trước…
Anh Đỗ Minh Thông, Chủ tịch Nghiệp đoàn khai thác hải sản phường Phước Hội cho biết: Chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến ra khơi trong vụ cá nam tăng cao, chiếm trên 2/3 chi phí chung, cộng với đó giá các loại vật tư lương thực, thực phẩm, nước đá, ngư cụ, nhân công cũng không ngừng tăng từ 25 - 30%, trong khi đó hải sản khai thác giá cả bấp bênh, tư thương ép giá khiến hiệu quả khai thác mỗi chuyến thấp.
Vì vậy, để hỗ trợ bà con ngư dân tích cực bám biển, Nghiệp đoàn khai thác hải sản phường Phước Hội đã phối hợp với các ngành chức năng (Chi cục Thủy sản, kiểm ngư, bộ đội biên phòng…) đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn tàu thuyền, cấp đổi và gia hạn giấy phép khai thác cho bà con ngư dân, hỗ trợ ngư dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác.
Cùng với đó, Nghiệp đoàn khai thác hải sản phường Phước Hội kiến nghị, đẩy mạnh chính sách ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước cho tàu đánh bắt xa bờ; như hỗ trợ kinh phí, lãi suất vay ngân hàng, định mức cho vay, thời gian vay để ngư dân có điều kiện sắm mới, hoán cải, tăng công suất tàu cá, trang bị phương tiện, hệ thống liên lạc, phòng hộ… để đảm bảo vươn khơi đánh bắt hiệu quả trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Ngoài diện tích trồng theo quy hoạch, một phần diện tích khá lớn (10.141 ha) phát triển tự phát nằm ngoài quy hoạch; đến cuối năm 2013 là 41.037 ha. Trong 6 tháng đầu năm 2014, diện tích trồng mới cao su không nhiều, có xu thế chậm lại, toàn tỉnh trồng mới được 105 ha.
Trang trại của vợ chồng ông Trương Trọng Đức (Quảng Lợi) năm nay kém xanh hẳn. Mô hình kết hợp trồng rừng phủ xanh đất cát đồi trọc kết hợp với chăn nuôi lợn, gà và thả cá cho thu nhập cao thì giờ đây lại đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước thiếu nên hoa màu khó phát triển.
Gà đẻ thải loại (gà đẻ trứng sau khi hết chu kỳ khai thác) không chỉ đội lốt gà ta thả vườn “xịn” mà tiểu thương còn thi nhau hô biến gà đẻ thải loại thành đặc sản gà Đông Tảo để bán kiếm lời.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, mỗi năm nông dân Bạc Liêu thải ra môi trường từ 90 - 120 tấn rác thải là các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Trong khi đó, việc thu gom, xử lý loại rác thải độc hại này theo quy trình đảm bảo an toàn gần như không có!
Để phát huy thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản và nhân rộng những mô hình sản xuất bền vững cho giá trị kinh tế cao, Bí thư Tỉnh ủy - Võ Văn Dũng và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có chuyến khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản của tỉnh.