Triệu Phú Nuôi Lợn, Trồng Hoa Tết

Để có lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng/năm, gia đình anh Nguyễn Minh Diện đã kiên trì với mô hình “1 con, 2 cây” là nuôi lợn và trồng đào, quất bán dịp tết.
So với nhiều người làm trang trại ở thôn Quảng Mản, xã Bình Khê (Đông Triều), diện tích trang trại hơn 1ha của anh Diện vào loại trung bình, nhưng anh đã biết chọn hướng đi đúng, cộng với sự cần cù, chịu khó và nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, trang trại của anh đã cho thu nhập khá bền vững.
Nhớ lại buổi đầu lập nghiệp, anh Diện chậm rãi kể: Năm 1996, khi mới bắt đầu lập nghiệp, lúc đó phong trào chuyển các ruộng lúa kém hiệu quả sang trồng vải được người dân trong xã đua nhau phát triển, nhà nào ít cũng có vài chục đến vài trăm cây.
Nhưng khi cây vải hết thời, anh đã nhanh chóng chuyển đổi sang nghề trồng hoa cúc, hoa dơn và các hoa màu khác, nhưng thu nhập từ hoa màu cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống đạm bạc của gia đình anh.
Vào năm 2007, anh theo một số người bạn trong thôn lên Bắc Giang để học nghề trồng đào, quất phục vụ người dân chơi tết, đồng thời học thêm nghề chăn nuôi lợn để tăng thu nhập và lấy phân bón cho đào và quất.
Sau đó, anh mang kiến thức đã học được cùng mấy trăm gốc đào, quất về quê trồng thử. Nhưng do tay nghề và kinh nghiệm chưa nhiều nên cây còi cọc, chậm lớn; lợn thì thường xuyên bị bệnh và chết quá nửa.
Anh mày mò tìm hiểu, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân, từng bước khắc phục những nguyên nhân gây thất bại, kiên trì hướng đã chọn là “nuôi lợn và trồng hoa tết”. Phải mất 2 năm sau đó, trang trại của anh bắt đầu cho thu nhập ổn định.
Đến nay, trang trại của anh Diện đang nuôi 60 con lợn nái siêu nạc. Toàn bộ số lợn con, anh đưa vào nuôi thương phẩm. Chỉ tính riêng năm 2012 trang trại đã xuất chuồng 40 tấn thịt thương phẩm.
Với giá bán tại chuồng cho các thương lái là 45.000 đồng/kg, cùng với 1.000 gốc quất và 300 gốc đào phai, trang trại của anh đã cho doanh thu 1,7 tỷ đồng. Trừ hết chi phí, gia đình anh còn thu lãi trên 600 triệu đồng. Anh Diện trở thành một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của Quảng Ninh.
Bạn đọc quan tâm, muốn được chia sẻ kinh nghiệm, có thể liên hệ: Nguyễn Minh Diện. ĐT: 0985.896.125
Có thể bạn quan tâm

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 7.000 tàu cá, trong đó, có hơn 2.500 tàu công suất lớn, khai thác xa bờ. Từ ngày 1.1.2015, mùa đánh bắt thủy hải sản năm nay chính thức bắt đầu. Đến thời điểm này, nhiều tàu đánh bắt cá ngừ đại dương sau mỗi chuyến cập bờ đạt sản lượng trung bình từ 3,5 - 4 tấn, sau khi trừ chi phí mỗi tàu lãi từ 60 - 70 triệu đồng.

Để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2015, nhằm hạn chế rủi ro thiệt hại do dịch bệnh, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản số 373/TCTS-NTTS, ngày 11/02/2015, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố ven biển tăng cường các biện pháp chỉ đạo quản lý thời vụ nuôi tôm nước lợ.

Để giúp bà con nuôi tôm quản lý thức ăn tiết kiệm và hiệu quả, ngày 06/02/2015 tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu (TTKNKN) tổ chức lớp tập huấn “Thúc đẩy cải thiện thực hành quản lý cho ăn trong nuôi tôm” cho 35 nông dân nuôi tôm.

Giống cá tầm nhập ngoại tỷ lệ sống thấp (chỉ đạt 40%) do cá bột chưa quen với môi trường, khí hậu, nguồn nước, sức đề kháng kém. Nhiều lứa cá tầm, Công ty nuôi hơn 3 tháng vẫn chết do không thích nghi được với môi trường mới. Để chủ động giống, lãnh đạo Công ty đã đến Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I (Hà Nội) tìm hiểu kỹ thuật ươm cá bột.

Năm nay 44 tuổi, anh Nguyễn Ngọc Huy đã có 11 năm gắn bó với nghề nuôi tôm hùm. Sinh ra và lớn lên ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình, một hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Cam Ranh được bao bọc bởi sóng và gió, thuở thiếu thời của anh Huy là những tháng ngày lênh đênh trên biển.