Chú Trọng Phát Triển Cây, Con Đặc Sản Để Làm Giàu
Hình thành hợp tác xã (HTX) chăn nuôi, trồng trọt, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, phát triển cây con đặc sản... là những giải pháp đang được TP.Hà Nội ưu tiên thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương...
Đưa chăn nuôi ra khỏi làng
Ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, để thúc đẩy chăn nuôi gia súc, gia cầm, những năm gần đây Sở đã tích cực chỉ đạo các đơn vị lập kế hoạch triển khai, tuyên truyền, vận động người dân từng bước đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Hiện toàn thành phố có 9 HTX chăn nuôi hoạt động hiệu quả, điển hình như HTX Cổ Đông (Sơn Tây) có gần 200 hộ tham gia, với 140.000 con lợn/lứa; HTX Hòa Mỹ có 33 hộ chăn nuôi tập trung ở xã Sơn Công (Ứng Hòa), với tổng đàn lợn khoảng 35.300 con…
Theo tính toán của các HTX, giá trị thu nhập so với chăn nuôi nhỏ lẻ tăng từ 10 - 15%, việc tiêu thụ cũng nhiều thuận lợi hơn.
Cùng với việc thành lập các HTX, khi quy hoạch xây dựng NTM, TP.Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương hình thành 4 vùng chăn nuôi tập trung, thuộc 13 xã tại các huyện Thạch Thất, Ứng Hòa, Thanh Oai, Sơn Tây, Mỹ Đức, Gia Lâm và Sóc Sơn, với tổng đàn lợn hơn 200.000 con, đàn bò hàng chục nghìn con…
Không chỉ đẩy mạnh hoạt động của các HTX, để giúp người dân ổn định đầu ra, tăng thu nhập, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội còn phối hợp với các doanh nghiệp, sàn giao dịch rau quả, thực phẩm an toàn Hà Nội thành lập 78 điểm phân phối tại các khu dân cư, cơ quan để tiêu thụ sản phẩm.
Chú trọng phát triển hoa, cây đặc sản
Cùng với chăn nuôi, TP.Hà Nội cũng chú trọng phát triển các vùng trồng hoa, cây đặc sản như vùng trồng hoa ở xã Tây Tựu (Từ Liêm), Song Phượng (Đan Phượng), Mễ Sở (Hoài Đức); vùng trồng cây đặc sản (bưởi Diễn, cam Canh) ở xã Phúc Diễn, Hương Canh (Từ Liêm); nhãn chín muộn, bưởi Quế Dương ở Song Phương, Đông La; phật thủ ở xã Đắc Sở, Cát Quế (Hoài Đức)…
Số lượng HTX của Hà Nội hiện cao nhất nhì cả nước với gần 1.700 đơn vị. Mới đây, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động với mục tiêu đến năm 2015 Hà Nội có 60 - 70% HTX tốt, khá, số HTX yếu kém dưới 10%.
Ông Nguyễn Văn Nhâm - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tây Tựu cho biết, hiện Tây Tựu có khoảng 300ha hoa, với khoảng 2.500 hộ làm nghề trồng hoa, cung cấp cho thị trường khoảng 250 - 300 triệu bông hoa/năm, với giá trị thu nhập khoảng 800 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Nếu trồng hoa chất lượng cao như ly, phong lan… thì giá trị còn cao hơn nhiều.
Anh Nguyễn Hữu Quyết, thôn 1, xã Tây Tựu đang trồng 3 sào hoa hồng và 2 sào hoa cúc cho biết: "Làm hoa vất vả, nhưng thu nhập khá hơn trồng rau màu màu khác".
Mặc dù chỉ có 2.000 cây nhãn chín muộn, nhưng năm nào ông Trần Văn Bảy, thôn Ba Lương (Song Phương, Hoài Đức) cũng thu về 600 - 800 triệu đồng, đồng thời còn tạo việc làm cho 2 lao động. "Chủ trương phát triển HTX, cây đặc sản của thành phố là rất đúng đắn. Tuy nhiên, để các mô hình có thể nhân rộng và phát triển bền vững, thành phố cần có chính sách hỗ trợ nông dân nhiều hơn nữa" - ông Bảy bày tỏ.
Về kế hoạch phát triển cây con của địa phương, ông Cao Minh Tuyến - Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Đức chia sẻ: "Những năm gần đây, Hoài Đức đang phát triển 4 mô hình tiêu biểu là trồng nhãn chín muộn, phật thủ, bưởi Quế Dương và hoa phong lan. Hầu hết các mô hình đều đạt doanh thu từ 500 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm".
Có thể bạn quan tâm
Lễ hội Khai hạ là một lễ hội độc đáo mới được huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) phục dựng trong vài năm trở lại đây. Nó được diễn ra vào mùa xuân, khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan.
Gần Tết Giáp Ngọ, một niềm vui mới đến với người dân vùng Cùa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), khi tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố sản phẩm cao lá vằng nằm trong Danh sách 50 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Từ đê tả Hồng, men theo con đường đất dài khoảng 2km là đến vùng đất bãi bồi sông Hồng thuộc xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ. Trong tiết trời xuân, nhiều loại cây trồng bên 2 ven đường bắt đầu bật những chồi non, xa xa là cánh đồng chuối trải dài tít tắp, xanh biếc cả một vùng trời.
Chúng tôi có cuộc hành trình đến những trang trại của các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ bàn tay trắng, với nghị lực vượt khó, họ đã thành tỷ phú trên vùng cao.
Làm ăn bây giờ mà không hợp tác, liên kết khó có thể thành công! Liên kết ở đây là mối liên kết “4 nhà”, cốt lõi nhất là liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp để ký kết hợp đồng “đầu vào, đầu ra”. Nhiều hợp tác xã (HTX) ở ĐBSCL đã làm được điều này và trở thành những HTX kiểu mới điển hình.