Khởi Sắc Từ Nghề Trồng Nấm
Hợp tác xã (HTX) sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện tại thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến (Sóc Sơn, Hà Nội) là HTX điểm của Bộ NNPTNT, đã và đang thực sự khởi sắc về chất lượng, sức tiêu thụ.
Với mặt hàng nấm ngày càng được khẳng định về chất lượng, sức tiêu thụ mạnh trên thị trường và đặc biệt người trồng nấm đã đầu tư đổi mới các khâu sản xuất… đến nay, HTX Sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện tại thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến (Sóc Sơn, Hà Nội) đã thực sự khởi sắc và là một HTX điểm của Bộ NNPTNT.
HTX Sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện được thành lập từ 7.2010, do bà Đào Thị Thiện người có 7 năm kinh nghiệm với nghề nuôi trồng nấm khởi xướng. Bà Thiện cho biết: Một lần tình cờ xem chương trình truyền hình về nông nghiệp trên ti vi, thấy giới thiệu về mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao, tôi như người "chết đuối vớ được cọc".
Qua tìm hiểu, tôi thấy kỹ thuật trồng nấm không quá khó, nên đã dốc toàn bộ số tiền 2 triệu đồng tiết kiệm trong gia đình và vay thêm 8 triệu đồng từ Ngân hàng NNPTNT để làm vốn. Được sự giúp đỡ của Trung tâm Công nghệ sinh học và thực vật (thuộc Viện Di truyền nông nghiệp) tôi bắt tay vào trồng khởi nghiệp với ba loại nấm- nấm rơm, nấm mỡ và nấm sò. “Sau 6 tháng vừa trồng vừa học tập kinh nghiệm, tôi đã lãi 40 triệu đồng từ lứa nấm đầu tiên...” - bà Thiện kể.
Thấy trồng nấm cho thu nhập tốt, bà Thiện đã mạnh dạn tập hợp thêm 9 chị em trong làng đứng ra thành lập HTX Sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện với số vốn pháp định 1,5 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Thủy- hội viên HTX Sáng Thiện phấn khởi nói: Trước tôi chỉ quanh quẩn bên mấy sào ruộng, ngày mùa thì ở nhà cấy, còn lại tôi lên Hà Nội làm thêm trang trải cuộc sống. Năm 2010, được bà Thiện sang tận nhà vận động, hướng dẫn tham gia HTX để vươn lên thoát nghèo, tôi đăng ký ngay.
Diện tích trồng nấm nhà tôi có 200m2, trung bình cứ 45 bịch/1m2, giá bán tại nhà 20.000 đồng/bịch, trừ chi phí thu lãi 7.000 đồng/bịch”- chị Thủy phân tích.
Năm 2011, Trung tâm Khuyến nông TP. Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Sóc Sơn đã hỗ trợ 50% kinh phí cho HTX đầu tư mua 1 lò hấp thanh trùng, 1 lò sấy nấm và 1 tủ bảo ôn với tổng chi phí là 150 triệu đồng; năm 2012 – 2013, hỗ trợ vốn vay 800 triệu đồng với lãi suất ưu đãi cho các hội viện.
Với những nỗ lực mong muốn mang nghề đi xa của HTX Sáng Thiện, trong những năm qua bà Thiện đã nhiệt tình chuyển giao công nghệ trồng nấm cho hàng trăm hộ gia đình ở Sóc Sơn và các tỉnh lân cận, giúp nhiều hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để.
Bà Đào Thị Thiện – Chủ nhiệm HTX Sáng Thiện cho biết: Ngoài sản xuất và tiêu thụ nấm cho các hộ gia đình trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tôi còn chủ động phối kết hợp với Khuyến nông, Hội Phụ nữ trực tiếp đứng lớp giảng dạy nghề trồng nấm tại mô hình của HTX, đồng thời tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho những cá nhân có mong muốn làm, phát triển nghề. “Hiện, các học viên đến học tập mô hình của tôi ở đủ lứa tuổi từ 25 – 50 tuổi, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Thanh Hóa”- bà Thiện nói.
Nói về kinh nghiệm làm nấm, bà Đào Thị Thiện chia sẻ: Mùa đông, HTX tập trung chủ yếu vào gieo trồng nấm linh chi, nấm sò, nấm mỡ, mộc nhĩ. Trồng nấm, điều quan trọng nhất là đảm bảo độ ẩm cho không gian nuôi trồng và độ ẩm của cánh nấm. Nếu độ ẩm không đảm bảo thì người trồng có nguy cơ thất thu rất cao.
Từ chỗ chỉ cung cấp nấm cho các chợ nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Sóc Sơn, sản phẩm nấm tươi của HTX Sáng Thiện đã trở thành mặt hàng bán chạy tại Đông Anh, Thái Nguyên và hệ thống chợ, siêu thị lớn tại trung tâm Hà Nội. Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 15 xã viên, HTX Sáng Thiện do bà làm chủ nhiệm còn góp phần tăng thu nhập cho khoảng 60 lao động thời vụ.
Có thể bạn quan tâm
Sáng 6/7, tại TP Cần Thơ, diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Tập đoàn tôm giống Việt - Úc và Trường ĐH Cần Thơ.
Một số thị trường châu Á đang áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe của Liên minh châu Âu (EU) đối với nguyên liệu và bán thành phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, theo Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad)), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Ngày 6/7, Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội tổ chức cho đoàn đại biểu đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và người tiêu dùng tham quan chuỗi chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn và trang trại hữu cơ Bảo Châu, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn.
Cần hình thành các mô hình chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, từ chăn nuôi - giết mổ - buôn bán sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; đồng thời ưu tiên phát triển các nguồn giống tốt và rút ngắn thời gian nghiên cứu các ứng dụng khoa học về chăn nuôi, sớm đưa vào sản xuất để góp phần hạ giá thành.
Hội nghị giúp nông dân có thêm kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi lợn đen bản địa. Sáng 7/7, tại UBND xã Bản Lầu (Mường Khương - Lào Cai), Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn, đối thoại trực tiếp với nông dân các xã: Bản Lầu, Bản Xen, Lùng Vai về lĩnh vực chăn nuôi lợn đen bản địa ngoài vùng dự án với chủ đề: “Giải pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh và liên kết phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa theo chuỗi giá trị bền vững”.