Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vị Xuyên, Tín Hiệu Vui Từ Đề Án 50 Ha Cây Chanh Leo

Vị Xuyên, Tín Hiệu Vui Từ Đề Án 50 Ha Cây Chanh Leo
Ngày đăng: 17/09/2014

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế và Đề án phát triển 50 ha cây chanh leo của UBND huyện Vị Xuyên (tập trung tại 3 xã Trung Thành, Ngọc Linh và Bạch Ngọc); sau hơn 4 tháng trồng và chăm sóc, đến nay số diện tích cây chanh leo mùa đầu tiên đã bắt đầu cho thu hoạch, bước đầu cho thấy những kết quả tích cực.

Đối với cây chanh leo, trước khi thực hiện đề án Phòng Nông nghiệp huyện Vị Xuyên cũng đã xác định đây là giống cây dễ trồng, sinh trưởng và phát triển tốt. Thực tế trong quá trình trồng đã cho thấy tính năng vượt trội của giống cây trồng này.

Thời gian này, toàn bộ diện tích chanh leo thực hiện trồng đầu tiên theo đề án của huyện đang trong giai đoạn chín và cho thu hoạch. Đến thăm một số khu vườn trồng cây chanh leo đầu tiên của đề án ở các xã Trung Thành, Ngọc Linh hay Bạch Ngọc, hiện tại các giàn leo đều phủ một màu xanh trĩu nặng quả pha lẫn với màu tím của những quả chín đến giai đoạn thu hoạch.

Ông Phạm Ngọc Thắm ở thôn Trung Sơn xã Trung Thành cho biết: Gia đình chỉ có 2 vợ chồng là lao động chính nhưng từ khi có đề án trồng cây chanh leo của huyện, gia đình ông và gia đình ông Phạm Văn Tĩnh đã mở rộng 6.000m2 đất vườn, trồng được 300 cây.

Theo ông Thắm, trồng cây chanh leo chỉ vất vả nhất là khâu làm giàn leo (đóng cột bê-tông và kéo dây thép), còn lại các công chăm sóc đều rất dễ dàng, cây phát triển và sinh trưởng tốt. Mặt khác, cây chanh leo lại có tính kháng bệnh cao, thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây. Sau nhiều tháng chờ đợi, chăm sóc đến bây giờ vườn chanh leo của ông Thắm bắt đầu có thu hoạch đáng kể, cho thấy năng suất vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác. Trung bình mỗi cây cho tới 40 đến 50 quả, tương đương trên 2 kg/cây, có nhiều cây cho tới 120 quả đến 150 quả/cây.

Thời gian này, chanh leo đã cho thu hoạch; vừa qua, 2 gia đình ông Thắm và ông Tĩnh cũng đã bán ra thị trường hàng chục kg quả chín, với giá hơn 10.000 đồng/kg. Tại xã Ngọc Linh và Bạch Ngọc, cây chanh leo đều cho năng suất tương tự. Đây mới là mùa quả đầu tiên nhưng với sự phát triển mạnh cộng đặc tính riêng của giống cây này, khẳng định năng suất sẽ tăng dần theo những năm sau và năng suất thực sự tăng ổn định trong 2 năm tiếp theo.

Ngoài ra sau khi thu hoạch, để đảm bảo quyền lợi và đầu ra sản phẩm cho người nông dân, trên cơ sở hợp tác ký kết giữa huyện Vị Xuyên với Công ty Cổ phần xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình); Công ty Đồng Giao sẽ hỗ trợ người dân vốn và thuốc bảo vệ thực vật với hình thức đầu tư có thu hồi, đồng thời chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ sản phẩm của người dân theo giá thị trường tiêu thụ với mức tối thiểu 5.000 đồng/kg trở lên.

Bên cạnh đó, hiện nay chanh leo là loại quả có thể làm sinh tố, nước ép, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát rất tốt, đang được thị trường ưa chuộng, nhất là giới trẻ. Dựa trên những cơ sở thực tế đó, người dân trồng chanh leo có thể yên tâm về đầu ra cho sản phẩm. Anh Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp Vị Xuyên cho biết: Sau hơn 4 tháng triển khai trồng cây chanh leo đến nay đã bắt đầu thu hoạch, bước đầu cho năng suất cao, sản lượng ước đạt 50 tấn/ha.

Để hỗ trợ người dân, Phòng Nông nghiệp phối hợp với Trạm Khuyến nông và các Hội đoàn thể phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây chanh leo. Sắp tới, huyện tiếp tục hỗ trợ 100% phân bón NPK để người dân bón thúc cho diện tích cây chanh leo phát triển mạnh hơn nữa.

Sự phát triển của cây chanh leo phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và năng suất bước đầu thu hoạch cho thấy có hiệu quả, mang đến tín hiệu vui cho người dân. Trong thời gian tới, huyện Vị Xuyên sẽ xây dựng kế hoạch, đồng thời khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng, góp phần đưa chanh leo trở thành cây đặc sản hàng hóa, từ đó nâng cao thu nhập, thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc trên địa bàn toàn huyện.


Có thể bạn quan tâm

Huyện Vị Thủy (Hậu Giang) Giá Cá Lóc Giảm Mạnh Huyện Vị Thủy (Hậu Giang) Giá Cá Lóc Giảm Mạnh

Nếu như cách đây khoảng 2 tháng, giá cá lóc nuôi ở mức cao khiến người nuôi tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang) phấn khởi thì thời điểm hiện tại giá cá lóc thương phẩm được thu mua tại ao chỉ còn 25.000 - 28.000 đồng/kg tùy kích cỡ. Còn giá bán tại các chợ từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, thấp hơn 10.000 đồng/kg so với trước đó.

16/01/2015
Coi Trọng Đầu Tư Chiều Sâu, Nâng Cao Chất Lượng Và Giá Trị Tôm Giống Bình Thuận Coi Trọng Đầu Tư Chiều Sâu, Nâng Cao Chất Lượng Và Giá Trị Tôm Giống Bình Thuận

Tôm giống Bình Thuận là sản phẩm lợi thế, trong thời gian qua tình hình sản xuất, tiêu thụ tôm giống tiếp tục có những chuyển biến tiến bộ. Sản lượng tôm giống tăng khá nhanh, năm 2013 đạt 17,5 tỷ post, năm 2014 tăng lên 28 tỷ post, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 28%/năm.

16/01/2015
Chăn Nuôi Nhỏ Lẻ Chăn Nuôi Nhỏ Lẻ "Khó Sống" Thời Hội Nhập

Đó là nhận định của ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên lề hội nghị tại TP.HCM ngày hôm nay 13-1-2015 giới thiệu triển lãm quốc tế châu Á về chuyên ngành chăn nuôi, thủy hải sản, chế biến thịt trứng sữa (VIV ASIA 2015) được tổ chức ở Thái Lan vào tháng 3 tới.

16/01/2015
Lợi Ích Kép Từ Chăn Nuôi An Toàn Sinh Học Lợi Ích Kép Từ Chăn Nuôi An Toàn Sinh Học

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, tháng 4/2014, anh Hưng thí điểm chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học với quy mô 20 con. Điều làm anh Hưng phấn khởi nhất là thức ăn sinh học không chỉ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho lợn mà còn giảm mùi hôi thối. Nhờ đó, lợn sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, khi xuất chuồng lứa đầu tiên đã cho thu lãi từ 1 - 1,2 triệu đồng/con.

16/01/2015
Đà Lạt Đà Lạt "Xứ Sở" Đông Trùng Hạ Thảo?

Đó là tương lai không còn xa, khi mà loại dược liệu quý hiếm - Đông trùng hạ thảo đã được trồng thành công và sản xuất hàng loạt theo hướng công nghiệp tại thành phố hoa. Theo các chuyên gia nghiên cứu, với điều kiện khí hậu rất phù hợp, Đà Lạt là vùng đất lý tưởng cho Đông trùng hạ thảo phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng.

16/01/2015