Dong Riềng Được Mùa, Được Giá
Na Rì là huyện có diện tích trồng cây dong riềng lớn của tỉnh với khoảng 455ha. Thời điểm này, chính quyền địa phương đang chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ thời tiết nắng ráo, tập trung thu hoạch dong riềng. Mặc dù so với năm 2013, diện tích trồng dong của huyện có giảm nhưng lại là vụ thắng lợi đối với người trồng dong bởi củ dong vừa được mùa lại vừa được giá.
Ngay từ sáng sớm trên bãi dong của gia đình chị Bàn Thị Thúy, thôn Nà Dài, xã Cư Lễ đã có vài người đến giúp gia đình chị thu hoạch dong riềng. Nhanh tay gom củ dong, chị Thúy tâm sự: Đây là năm thứ 3 gia đình trồng dong riềng trên diện tích bãi đất đồi này. Tuy không biết diện tích rộng là bao nhiêu mét vuông nhưng trước đây mỗi vụ trồng được 1,5kg ngô giống, đến vụ thu hoạch bán được khoảng 1 triệu đồng.
Nhưng từ khi trồng dong, năm nào giá dong xuống thấp như năm ngoái gia đình cũng thu được 4 triệu đồng, năm nay dong vừa được mùa vừa được giá, dù thu hoạch chưa xong nhưng gia đình đã thu được hơn 8 triệu đồng, ước tính thu hoạch xong sẽ được khoảng gần 10 triệu đồng. Chị Thúy chia sẻ kinh nghiệm, trồng dong năm đầu, đất mới không phải bón phân nhưng củ dong vẫn to, nhưng đến năm thứ hai trở đi thì đất cằn nên mỗi gốc dong trồng xuống nên lót một lượng phân lân nhất định thì cây dong phát triển tốt, củ to hơn.
Trên mảnh vườn của gia đình chị Hoàng Thị Niên, thôn Thanh Sơn, xã Lam Sơn, chúng tôi thấy hàng chục bao củ dong đã được làm sạch, đang chờ thương lái đến thu mua, chị Niên cho biết: Năm nay gia đình chị trồng khoảng 1.000m2, nhờ thời tiết thuận lợi, cộng với gia đình đầu tư phân chuồng nên củ dong to hơn so với mọi năm. Hiện nay, gia đình mới thu hoạch được một nửa diện tích, với giá bán 1.500 đồng/kg thu được vài triệu đồng.
Là hộ nghèo, gia đình rất phấn khởi bởi nếu trồng ngô, khoai với diện tích này như những năm trước thu không nổi hai triệu đồng, năm nay nhờ thắng lợi vụ dong chắc chắn cuộc sống gia đình chị Niên sẽ được cải thiện đáng kể. Khác với hai hộ trên, hộ gia đình anh Nông Văn Phong, thôn Bản Cuôn, xã Côn Minh mạnh dạn trồng xuống chân ruộng một vụ, nhờ chăm bón tốt nên năng suất đạt khá cao. Gia đình anh Phong trồng khoảng 300m2, được 3 tấn củ, bán với giá 1.700 đồng/kg thu về hơn 5 triệu đồng.
Vụ dong riềng năm 2014, toàn huyện Na Rì trồng được 455ha, đạt 65% kế hoạch, giảm 678ha so cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp đã phát sinh một số loại bệnh thối thân, nấm bẹ…nhưng huyện đã kịp thời chỉ đạo bà con phun thuốc kịp thời, nên diện tích bị ảnh hưởng đến sản lượng không đáng kể. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con đang khẩn trương thu hoạch, đến nay đã thu hoạch khoảng 70% diện tích; năng suất đạt bình quân 715 tấn/ha, tổng sản lượng đạt khoảng 32.532 tấn.
Đồng chí Long Thị Thịnh- Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Na Rì cho biết: Năm ngoái, giá dong rẻ chỉ vài trăm đồng/kg, người nông dân lao đao vì dong riềng. Năm nay, chính quyền huyện, ngành chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức họp cho các hộ nông dân với các chủ cơ sở sản xuất thu mua dong riềng của địa phương cùng bàn bạc và thống nhất: Các cơ sở chế biến thu mua toàn bộ dong riềng cho người dân với giá trên 1.000 đồng/kg trở lên. Đây là giá thích hợp cho cả người nông dân và cơ sở chế biến, sản xuất tinh bột đều có lãi…và hiện nay, các cơ sở chế biến thu mua từ 1.500-1.800 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi.
Dọc theo tuyến quốc lộ 3b địa phận từ xã Côn Minh vào huyện, đâu đâu cũng thấy cảnh bà con tất bật vận chuyển củ dong đến bán cho các xưởng chế biến, sản xuất. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Na Rì có 53 cơ sở, hợp tác xã chế biến tinh bột, sản xuất miến tại chỗ, ngay từ cuối tháng 10, một số xưởng đã bắt đầu đi vào hoạt động và đến nay đã có 43 xưởng đi vào hoạt động, tiến hành thu mua củ dong cho người dân.
Tại xưởng chế biến tinh bột và sản xuất miến dong của gia đình anh Lộc Văn Huyến, thôn Bản Cuôn, xã Côn Minh, một trong những cơ sở sản xuất tương đối lớn của xã. Thời điểm này, xưởng của anh đã thu mua được hơn 80 tấn dong củ và đi vào hoạt động được gần tháng nay. Tuy nhiên, do nguyên liệu không nhiều nên hằng ngày chỉ sản xuất cầm chừng khoảng 5 tấn/ngày. Còn nếu chạy hết công suất xưởng của anh phải đạt 10-12 tấn/ngày và lượng dong sản xuất trong một vụ đạt tương đương 800-1.000 tấn nhưng năm nay anh ước chừng chỉ thu mua được khoảng 200 tấn. Cùng với xưởng anh Huyến, hiện nay các xưởng trên địa bàn xã Côn Minh đang tập trung thu mua dong riềng cho bà con trên địa bàn xã và các xã lân cận.
Chúng tôi gặp anh Trần Văn Toàn và bà con thôn Áng Hin, xã Côn Minh chở dong riềng đến bán cho xưởng anh Trịnh Xuân Huấn, xã Côn Minh, anh Toàn cho biết: Vào đầu vụ trồng dong riềng gia đình hơi lo lắng, sợ không bán được hoặc bán rẻ. Nhưng bây giờ thì yên tâm rồi vì các xưởng ở Côn Minh đã thu mua, không những gia đình anh mà cả bà con trong thôn cũng rất phấn khởi, vì vụ dong năm nay lại được mùa, được giá.
Nhìn những nụ cười rạng rỡ của người dân, chúng tôi hiểu rằng: Nhờ sự mạnh dạn của chính quyền địa phương tiếp tục khuyến khích nhân dân gieo trồng loại cây này mặc dù sản lượng không nhiều như năm ngoái, nhưng năm nay giá cả tương đối ổn định không chỉ đem lại niềm vui mà còn là động lực để người dân duy trì và phát triển thương hiệu Miến dong Bắc Kạn.
Nguồn bài viết: http://baobackan.org.vn/channel/1121/201412/na-ri-dong-rieng-duoc-mua-duoc-gia-2357201/
Có thể bạn quan tâm
Ngày 27/8 hàng chục hộ dân nuôi và bán cá tra kéo đến Cty Chế biến thủy sản Sông Hậu (CBTSSH), phường Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (thuộc NT Sông Hậu cũ) để tìm gặp Ban giám đốc Cty yêu cầu giải quyết số nợ quá hạn kéo dài từ mấy tháng qua.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre, lịch thả nuôi giống tôm biển trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ ngày 15-2-2013, do đó các địa phương ven biển đã tập trung cải tạo ao và thả giống theo khuyến cáo. Như huyện Bình Đại có kế hoạch giữ mức 16.000 ha nuôi thủy sản; trong đó nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh là 3.800 ha, nuôi thủy sản nước ngọt 300 ha, nghêu, sò 3.000 ha… Để cho vụ nuôi tôm năm 2013 phát triển ổn định, bền vững và đạt hiệu quả cao, hạn chế những dịch bệnh xảy ra và lây lan trên diện rộng, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp, chủ lực là Chi cục thủy sản tăng cường quản lý chặt chẽ vụ nuôi, nhất là về tình hình dịch bệnh.
Tận dụng lợi thế của vùng sông nước, nông dân cù lao Ông Hổ đã khéo trồng trọt, xen canh, luân canh, đa canh… qua đó vừa tăng thu nhập cho gia đình, vừa giải quyết việc làm và tạo ra nhiều sản phẩm đặc thù của vùng đất này.
Người dân đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt hóa lại bùng phát ở huyện Bình Đại (Bến Tre) đe dọa 8,3 km tuyến đê bao ngọt hóa ven sông Tiền và 13 cống dưới đê có tổng trị giá 169 tỷ đồng vừa mới khởi công, khiến ngành chức năng Bến Tre lúng túng xử lý.
Ngày 21/3/2013, đoàn kiểm tra gồm ông Đỗ Văn Nam, Phó Vụ trưởng vụ Khoa học và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản), ông Lê Văn Thắng, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Thủy sản, cùng một số cán bộ đã đến thăm mô hình nuôi cá lồng tại Bãi Miễu, thôn Trí Nguyễn, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Mô hình có 4 hộ tham gia với đối tượng nuôi là cá chim vây vàng và cá chẽm.