Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vì Sao Thuế Kinh Doanh Thanh Long Vẫn Thất Thu?

Vì Sao Thuế Kinh Doanh Thanh Long Vẫn Thất Thu?
Ngày đăng: 04/12/2014

Cơ sở kinh doanh lách luật

Thanh long Bình Thuận ngoài tiêu thụ nội địa thì hàng năm các doanh nghiệp đã xuất khẩu đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó chủ yếu là Trung Quốc. Ước tính mỗi năm sản lượng thanh long thu hoạch hơn 500.000 tấn.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 152 tổ chức, cá nhân kinh doanh trái thanh long gồm 106 hộ kinh doanh và 46 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói. Trong đó có 14 doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch thanh long. Hoạt động thu mua thanh long tại nơi sản xuất chủ yếu do thương lái đảm nhiệm, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chỉ trực tiếp thu mua tại những nhà vườn có số lượng lớn từ 3 - 5 tấn.

Mỗi doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thanh long đều có mạng lưới thương lái khoảng vài chục người trực tiếp thu mua tại vườn sản xuất của nông dân về cung cấp hàng theo nhu cầu của doanh nghiệp. Do yêu cầu thị trường khác nhau về tiêu chuẩn, mẫu mã…nên các thương lái thường phân loại hàng để giao cho các doanh nghiệp. Việc thu mua thanh long diễn ra khá sôi động nhất là mùa trái vụ hoặc thời điểm xuất khẩu đang “ăn hàng”.

Tuy nhiên, tình trạng thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh sản phẩm thanh long vẫn thường xuyên xảy ra mà ngành thuế chưa quản lý được. Điều đó thể hiện là phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh thanh long không lập chứng từ mua vào và không xuất hóa đơn khi bán hàng, giấu doanh thu, trốn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với những cơ sở kinh doanh thanh long, ngành thuế xác định doanh thu để tính khoản thuế hàng tháng và lập bộ thu thuế ổn định trong năm (doanh thu ấn định này làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân phải nộp). Vấn đề thất thu thuế hay lạm thu thuế là do yếu tố “doanh thu ấn định” này có sát hay không.

Trường hợp có biến động tăng, giảm doanh thu tính thuế từ 20% trở lên thì sẽ được khảo sát xác định lại mức khoán thuế. Song, các cơ sở kinh doanh thanh long đều cho rằng mức thuế khoán quá cao, do vậy họ lần lượt chuyển loại hình kinh doanh lên doanh nghiệp để nộp thuế theo phương thức kê khai. Các cá nhân hoạt động kinh doanh buôn chuyến trái thanh long theo quy định phải kê khai và nộp thuế theo từng chuyến hàng, nhưng trên thực tế đối tượng này ít chấp hành nộp thuế.

Các điểm hoạt động thu gom thanh long từ nhà vườn đến bán cho các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh thanh long cố định, lẽ ra họ phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế, nhưng các điểm gom thanh long thường không đăng ký và không nộp thuế. Thực trạng nói trên diễn ra nhiều năm nay, nguồn thuế thanh long bị thất thu lớn nhưng chưa có biện pháp để chống thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh thanh long.

Nguyên nhân và giải pháp

Việc kiểm tra, kiểm soát trong hoạt động thu mua, vận chuyển hàng đi tiêu thụ của cơ quan chức năng chưa thường xuyên, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng ẩn lậu thuế, trốn thuế. Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động “kinh doanh thanh long” cũng gây những vướng mắc trong việc thu thuế.

Chẳng hạn như: Căn cứ pháp lý duy nhất để kê khai tính thuế, nộp thuế, thanh tra, kiểm tra là hóa đơn, chứng từ mua bán hàng hóa… nhưng thực tế ngành thuế không kiểm soát được. Luật thuế cho phép người mua thanh long được sử dụng bảng kê mua hàng mà không cần hóa đơn. Điều này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể kê khai khống số lượng, giá cả hàng mua vào, bán ra; khi xuất khẩu chính ngạch thanh long doanh nghiệp phải xuất hóa đơn GTGT để được hoàn thuế GTGT.

Song, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với thương nhân nước ngoài về giá ghi trên hóa đơn thấp hơn giá thực tế thanh toán; doanh nghiệp chuyển hàng ra biên giới phía Bắc để trực tiếp xuất khẩu theo hình thức biên mậu, doanh nghiệp chỉ cần đến hải quan cửa khẩu kê khai hàng hóa (không cần hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa) là được cấp tờ khai hải quan để chuyển hàng hóa qua cửa khẩu. Do vậy, doanh nghiệp không cần xuất hóa đơn khi vận chuyển thanh long từ nơi sản xuất đến biên giới để xuất bán…

Từ những vấn đề thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh thanh long nói trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành thuế tăng cường các biện pháp và phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, khảo sát nắm rõ tình hình hoạt động, quy mô kinh doanh, mức doanh thu, mức thuế của các doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long.

Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp ẩn lậu thuế, trốn thuế vi phạm pháp luật về thuế nhằm thiết lập trật tự ổn định trong lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, chống thất thu thuế, tăng lượng hàng giao dịch xuất khẩu chính ngạch, giảm bớt tình trạng tranh bán, tranh mua như hiện nay. Đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền có cơ chế quản lý chặt chẽ trong kinh doanh, vận chuyển thanh long từ nơi sản xuất đến cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Khi người bán hàng và người mua hàng không cần hóa đơn thì dẫn đến doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thanh long không xuất hóa đơn, trong lúc đó không ai kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển thanh long, từ đó doanh nghiệp giấu doanh thu, trốn thuế khá phổ biến.

Nguồn bài viết: http://www.baobinhthuan.com.vn/kinh-te/vi-sao-thue-kinh-doanh-thanh-long-van-that-thu.html


Có thể bạn quan tâm

Kiểm Soát Cung - Cầu Để Phát Triển Bền Vững Ngành Cá Tra Kiểm Soát Cung - Cầu Để Phát Triển Bền Vững Ngành Cá Tra

Sản phẩm cá tra xuất khẩu đã rơi vào tình trạng thừa, thị trường xuất khẩu khó khăn vì rào cản thương mại, kỹ thuật. Làm gì để phát triển bền vững ngành cá tra là vấn đề một lần nữa được đặt ra tại Hội nghị Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL ngày 21-8, tại TP Cần Thơ. Dịp này, Tổng Cục thủy sản trình bày Dự thảo về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra và lấy ý kiến đóng góp từ các DN.

22/08/2013
Xuất Hiện Tình Trạng Trộm Trâu Ở Hương Thủy Xuất Hiện Tình Trạng Trộm Trâu Ở Hương Thủy

Do diện tích đất trồng cỏ bị thu hẹp, nhiều người dân ở xã Dương Hoà (Thừa Thiên Huế) nuôi trâu, bò bằng cách chăn thả rong trong rừng, thỉnh thoảng mới vào kiểm kê và thăm nom. Nắm được quy luật này, bọn trộm trâu đã ra tay khiến người dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

22/08/2013
Loạn Giống Gà Ở Yên Thế Loạn Giống Gà Ở Yên Thế

Dù sản phẩm gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận từ năm 2011, nhưng cho đến nay, việc giữ gìn và phát huy nhãn hiệu đặc sản này vẫn gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh với các loại gà thương phẩm khác trong nước và gà Trung Quốc (TQ)...

22/08/2013
Định Mức Cho Vay Trồng Mía Tăng Lên 70 Triệu Đồng/ha Định Mức Cho Vay Trồng Mía Tăng Lên 70 Triệu Đồng/ha

Ông Huỳnh Kim - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Cù Lao Dung cho biết, trong các năm qua, đơn vị đã tập trung ưu tiên đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Riêng với cây trồng chủ lực của địa phương là cây mía, Agribank Cù Lao Dung có sự quan tâm đặc biệt hơn.

22/08/2013
Chọn Tạo Giống Lúa Phẩm Chất Tốt, Chịu Ngập, Chịu Hạn Chọn Tạo Giống Lúa Phẩm Chất Tốt, Chịu Ngập, Chịu Hạn

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài “Chọn tạo giống lúa phẩm chất tốt có khả năng chịu ngập, chịu hạn và chống chịu sâu bệnh hại chính cho tỉnh An Giang”, do Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long làm chủ nhiệm.

22/08/2013