Vì Sao Nông Sản Khó Vào Siêu Thị?
Có một nghịch lý là, mặc dù Việt Nam là quê hương của nhiều loại nông sản, trái cây, nhưng lượng hàng nông sản thâm nhập vào hệ thống các siêu thị hiện nay rất khiêm tốn. Các chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu tất cả các siêu thị trên toàn quốc đều rộng cửa cho nông sản Việt, thì vấn đề giải quyết khâu tiêu thụ nông sản không phải là bài toán quá khó như chúng ta tưởng.
Mỏi mắt tìm nông sản nội trong siêu thị
Bưởi năm roi, dưa hấu, bí ngô, khoai lang…đặc sản miệt vườn tươi ngon của Đồng bằng sông Cửu Long và TP Đà Lạt đã đến tay người tiêu dùng Singapore thông qua hệ thống siêu thị Giant.
Trong buổi khai trương Hội chợ hàng hoa quả Việt Nam vừa được tiến hành đồng loạt tại 66 siêu thị của hệ thống này, đại diện của hệ thống siêu thị Giant - một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất Singapore cho biết, họ muốn nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Đây là tin vui với nhiều người nông dân Việt.
Việt Nam có nho và Ninh Thuận là thủ phủ của loại trái cây này. Việt Nam không hề thiếu xoài, nhãn. Ai cũng biết các tỉnh phía Nam là quê hương của các loại trái cây ngon nổi tiếng được nhiều khách hàng trên thế giới ưa chuộng. Và nữa, vải thiều chắc chắn chỉ ở Việt Nam mới có. Hải Dương và Bắc Giang là những vùng đất đắc địa tạo nên loại đặc sản rất riêng cho Việt Nam.
Vậy nhưng nghịch lý ở chỗ, người Việt Nam đang phải mua các loại hàng nông sản nhập ngoại với giá rất cao tại hệ thống các siêu thị. Một kg nho Mỹ được bày bán trong siêu thị có giá lên tới 300.000 đồng.
Một, hai lạng quả cherry nhập từ Úc có giá niêm yết trong siêu thị lên tới 60.000- 70.000 đồng/lạng, tương đương 600.000 – 700.000 đồng/kg. Tương tự, táo Mỹ, xoài Thái Lan cũng có giá cắt cổ, trong khi đây đều là những loại quả mà Việt Nam không thiếu (ngoại trừ quả cherry, táo).
Và câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại tồn tại nghịch lý này, trong khi người nông dân trồng dưa hấu, vải, đang phải vật lộn vì giá thành quá rẻ mạt, thì người tiêu dùng lại phải mua những hoa quả nhập ngoại với giá đắt gấp hàng chục lần tại các siêu thị.
Và nếu như giải quyết được nghịch lý trên, chắc chắn lời giải "bài toán” đầu ra cho nông sản mà chúng ta tìm kiếm lâu nay sẽ không quá khó.
Tuy nhiên, nông sản nội vẫn khó vào siêu thị. Nguyên nhân chính yếu được các chuyên gia chỉ ra rằng, nhiều nông sản của bà con nông dân sản xuất ra không thể vào siêu thị vì thiếu hẳn các chứng nhận, quy định tối thiểu cần phải có để thâm nhập vào kênh phân phối này.
Trái cây Việt trong siêu thị - còn hiếm
Cần phải thay đổi!
Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị Hà Nội cho hay, nhiều nông sản nông dân làm ra hiện nay chưa sạch, chưa có bao bì, mã số, mã vạch cũng như thiếu các chứng nhận về an toàn thực phẩm…
Đó là lý do khiến phần lớn các sản phẩm bà con làm ra không thể vào được siêu thị cũng như hệ thống bán hàng hiện đại.
Ngoài ra, chính thói quen tiêu dùng cũng là một trong các yếu tố khiến nhiều nhà sản xuất e ngại đưa hàng của mình vào siêu thị.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, không phải các nhà quản lý không nắm bắt được yếu tố này, mà chính tâm lý, thói quen mua hàng ở các chợ cóc, chợ dân sinh của người dân là lý do khiến cho nhiều mặt hàng nông sản vẫn không đặt chân được vào các siêu thị. Đơn cử như quả vải, một món đặc sản của đất Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang). Lâu nay, người tiêu dùng chỉ thích mua hàng ở gần vì thuận tiện và tiết kiệm thời gian.
Còn người có sản phẩm đem bán cũng tìm vị trí gần với những khu vực đông dân cư hay những tuyến phố nhiều người qua lại. "Đó là lý do tại sao mỗi vụ vải thiều, thu hoạch của người nông dân là rất lớn nhưng lượng vải vào siêu thị lại rất hạn chế” - bà Lan phân tích.
Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là, để hàng nông sản ở các địa phương, từ trái dưa hấu, quả vải, hay mớ rau, quả nhãn… có thể thâm nhập vào hệ thống siêu thị hay các kênh phân phối chính thống, bản thân một mình nhà quản lý là không thể làm được.
Phải có sự đồng thuận trong việc kết nối từ nhà sản xuất đến đơn vị phân phối của siêu thị, trung tâm thương mại. Mỗi sản phẩm khi vào siêu thị phải đáp ứng đủ các quy chuẩn, điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ (bao bì đóng gói, mẫu mã, mã vạch… - PV).
"Chúng ta không thể chỉ đơn giản bẻ quả vải trên cây xếp vào sọt, để lên xe rồi đưa vào hệ thống phân phối mà phải hoàn thiện đủ các khâu. Để làm sao khi vào hệ thống phân phối, hàng hóa đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng sản phẩm và giá thành hợp lý…” – bà Lan nhận định.
Ngoài ra, giới chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, muốn khơi thông mối ách tắc trong việc đưa hàng nông sản vào các kênh phân phối lớn, hệ thống siêu thị hiện đại, phía nhà sản xuất, bà con nông dân cũng cần phải loại bỏ tư duy làm ăn manh mún hiện nay, đó là hễ thấy thương lái trả giá cao hơn là sẵn sàng hủy hợp đồng với các nhà phân phối.
Theo các chuyên gia, chính tư duy nhỏ nhặt này là nguyên nhân hủy hoại sự kết nối, liên kết giữa nhà phân phối và nhà sản xuất, mà nếu còn tồn tại thì sẽ khó có thể hình thành một thị trường nông sản phát triển lớn mạnh, bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Ở một mức độ nhất định, nắng hạn còn giúp cây cà phê phân hóa mầm hoa và ra hoa đồng loạt, nâng cao năng suất. Nhưng diễn biến như gần đây cho thấy, hạn mùa khô ngày càng gay gắt…
Với tổng vốn đầu tư 6,1 tỷ đồng, Sở NN&PTNT phối hợp với xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) triển khai tiểu dự án “Nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP” tại thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, quy mô 9ha. Dự kiến dự án này sẽ hoàn thành vào quý 2-2014.
Thương lái hạn chế mua, giá bắp cải tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) hiện chỉ còn từ 1.200- 1.500 đ/kg, khiến hàng trăm người trồng ở đây lâm vào cảnh thua lỗ. Nhiều người bỏ phế ngoài ruộng hoặc thu hoạch tặng cho bếp ăn từ thiện ở các bệnh viện.
Biến đổi khí hậu, mất cân bằng sinh thái và việc khai thác, sử dụng nước bừa bãi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang khiến nguồn nước ngầm, nước mặt cạn kiệt. NHNN chi nhánh Đăk Lăk đã có chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục tạo mọi điều kiện giúp nông dân và DN tiếp cận vốn vay với mức lãi suất ưu đãi.
Từ chiếc bẫy bán nguyệt, ông Nguyễn Văn Giàu ở tổ 6, thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng đã chế thành công chiếc bẫy chuột không cần mồi. Mỗi ngày, ông Giàu diệt được hàng trăm con chuột…