Krông Nô Được Mùa Cây Lương Thực Vụ Đông Xuân

Trong những ngày này, về xã Nam Đà, ở các thôn, xóm, sân nhà nào cũng ngập một mùa vàng của lúa. Còn ngoài cánh đồng, không khí ngày mùa càng rộn rã hơn bởi tiếng máy nổ, tiếng guồng quay của máy gặt lúa.
Từng nhóm người hối hả theo sau cỗ máy gặt đập liên hợp đón lấy những bao lúa chắc mẫm, tròn căng để vận chuyển tập trung lên bờ...
Ông Nguyễn Văn Phước ở thôn Nam Trung cho biết: “Những năm gần đây, việc trồng lúa của người dân trong xã khá thuận lợi nhờ được cơ giới hóa và từng bước khép kín được các khâu trong sản xuất từ làm đất đến thu hoạch nên rất thuận tiện và tiết kiệm được hơn một nửa chi phí so với trước đây. Cũng với việc từng bước khắc phục, hạn chế những công việc lao động nặng nhọc, người dân lại nghĩ đến việc thay đổi giống lúa có chất lượng thương phẩm để sản xuất theo hướng hàng hóa, phục vụ thị trường”.
Theo ông Phước thì vụ đông xuân này, gia đình ông sạ trên 3 sào lúa bằng giống IR 64. Mặc dù diện tích lúa của ông bị thiếu nước trong giai đoạn làm đòng, nhưng năng suất cũng đạt gần 9 tạ/sào. Hiện tại, lúa gặt xong, chưa đưa về đến nhà nhưng thương lái đã đến hỏi mua với giá 6.000 đồng/kg. Xem ra với mức giá này bà con làm lúa có lãi không nhỏ.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn 5, xã Buôn Choáh, vụ này gieo sạ trên 1 ha lúa bằng giống VT 404. Nhờ áp dụng tốt các khâu sản xuất nên gia đình bà đã thu hoạch hơn 13 tấn, sau khi xuất bán, gia đình bà đã thu về gần 80 triệu đồng.
Bà Hồng cho biết: “Hai năm trở lại đây, người dân trong xã đã áp dụng sản xuất lúa theo mô hình cách đồng mẫu lớn nên cũng khá thuận lợi. Việc bà con tuân thủ được các công đoạn sản xuất như làm đất, gieo sạ tập trung đã hạn chế phần nào tình trạng dịch bệnh, khô hạn cục bộ cũng như đưa giống mới, áp dụng các quy trình canh tác nên năng suất lúa đạt khá cao”.
Được biết, để có kết quả về năng suất lúa cao như hiện nay, nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp huyện đã hướng dẫn bà con chuyển sang sử dụng các giống lúa xác nhận như IR 64, VT 404, VS1, HT 01, Bắc thơm số 7, OM 3536, B-TE1, Nghi hương 2308… đây là những giống lúa đạt hiệu quả cao qua thực tế sản xuất nhiều năm.
Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thì vụ mùa năm nay, toàn huyện xuống giống hơn 1.800 ha lúa, năng suất lúa trung bình đạt 7,4 tấn/ha, với tổng sản lượng 13.266 tấn, cao hơn vụ đông xuân năm ngoái hơn 2.000 tấn.
Ngoài ra, vụ đông xuân này, địa phương gieo trồng 1.770 ha ngô, năng suất trung bình đạt 8,3 tấn/ha, với tổng sản lượng đạt 14.670 tấn, cao hơn vụ đông xuân trước 1.131 tấn. Bên cạnh đó, vụ này nông dân trong toàn huyện cũng trồng hơn 328 ha khoai lang, năng suất đạt gần 15 tấn/ha đã giúp bà con có thêm nguồn thu nhập khác ngoài cây trồng chính là cây lúa, ngô trong vụ đông xuân.
Có thể nói, mặc dù tình hình sản xuất vụ đông xuân 2013 – 2014 có những biến động về diện tích gieo trồng, thời tiết khô hạn cũng ảnh hưởng nhiều đến cây công nghiệp dài ngày, nhưng các địa phương trong huyện đã chủ động hơn trong việc ứng dụng các quy trình kỹ thuật vào sản xuất, đặt biệt là công tác giống, quản lý dịch hại, lịch thời vụ, sử dụng nguồn nước… Vì vậy, vụ đông xuân này, nông dân trong huyện đã thực sự đón thêm một vụ thu hoạch được mùa, được giá.
Có thể bạn quan tâm

Với diện tích trên 21.000 ha, tổng sản lượng hàng năm đạt trên 400.000 tấn, Bình Thuận là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất và xuất khẩu thanh long. Hiện nay, bằng phương pháp chong đèn kích thích ra hoa rải vụ nên người dân đã chủ động được thời gian thu hoạch, cung cấp cho thị trường quanh năm.

Lấy quy luật giá trị để điều chỉnh sản xuất là một cách nghĩ khôn ngoan. Sản xuất ngô tại miền Bắc đang vấp phải thực trạng là vùng đồng bằng diện tích giảm sâu còn vùng núi diện tích lại tăng nóng.

Hiện nay thời tiết đang vào mùa lạnhvào buổi tối và sáng sớm nhiều sương, nắng nóng vào ban ngày, ẩm độ không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn đi kèm với vi khuẩn gây bệnh thối thân, thối gốc xuất hiện, càng làm cho việc phòng trị bệnh trên lúa của nông dân trở nên khó khăn hơn.

Khắc phục bệnh vàng lá thối rễ trên cây bưởi da xanh, ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách bà con đã ghép cành bưởi da xanh với gốc bưởi “Tám quy” – một giống bưởi địa phương được trồng rất lâu năm ở đây và cho hiệu quả rất tốt, hạn chế được bệnh vàng lá thối rễ và năng suất chất lượng bưởi da xanh cũng không bị ảnh hưởng.

Theo ông Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Quảng Nam, nguyên nhân giá cao su rớt mạnh là do giá mủ cao su thế giới đang xuống nhanh.