Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vì sao ngư dân chưa thể làm giàu từ biển? Đầu nậu là ai?

Vì sao ngư dân chưa thể làm giàu từ biển? Đầu nậu là ai?
Ngày đăng: 22/04/2015

Làm “nậu”, một vốn bốn lời

Tính nhẩm, tại thành phố Đà Nẵng, có khoảng trên dưới trăm người làm nghề “nậu”. Họ có thể là ngư dân hoặc những người buôn hải sản chuyển sang nghề này. Mặc dù số vốn bỏ ra ban đầu cho ngư dân mượn không phải là nhỏ nhưng làm nậu ai cũng “phất” vì thu lại rất nhanh. Trung bình 1 tháng 1 chuyến, 1 năm 12 chuyến biển, 1 chuyến 3 tấn, 1kg lời 5.000 đồng. Như vậy, trừ tiền nhân công, bảo quản… một năm, “nậu” ung dung “bỏ túi” từ tiền lời mua bán hải sản của ngư dân khoảng 400 - 500 triệu đồng.

Sau nhiều hồi lân la làm quen, chúng tôi được ông M. – một “đầu nậu” thuộc loại “ăn nên làm ra” (ngụ quận Sơn Trà) “bật mí” về công việc của mình. Mấy năm qua, vợ chồng ông đã đầu tư cho 6 chủ phương tiện ở địa phương với nguồn vốn từ 100-150 triệu đồng/tàu để đóng mới. Đổi lại, các ngư dân phải bán cá cho vợ chồng ông. “Các “nậu” luôn luôn thống nhất giá cho nhau khi cân hải sản của ngư dân”, ông M. nói.

Ông M. cho biết, giá mua của ngư dân sau đó bán lại chênh lệch khoảng 5.000 đồng/kg. Chưa kể, mỗi thuyền sau khi “đầu nậu” cân hết, phải “chi phí” thêm cho “đầu nậu” từ 1 - 3 triệu đồng, tùy thuộc vào tàu đó hải sản nhiều hay ít. Tính như ông M. thì khi cân hải sản cho mỗi tàu đến khi bán cho nhà máy hoặc chợ, tiểu thương đã trừ chi phí nhân công cũng kiếm được bạc triệu.

Một chủ “nậu” khác ở chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang được nhiều ngư dân biết đến là anh T.V.R (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà). Anh này cho biết, đã đầu tư cho 8 chiếc tàu – chủ yếu là của tỉnh Quảng Ngãi, với số vốn đầu tư đóng mới từ 100 - 200 triệu đồng/chiếc. Vay vốn khó khăn do thiếu giấy tờ, sổ đỏ nên ngư dân phải vay của đầu nậu hàng trăm triệu đồng. Vì vậy sau khi đánh bắt về phải bán cho đầu nậu là lẽ đương nhiên.

Khác với ông M., “đầu nậu” R. có cách “kiếm lời” riêng. Đó là nếu chuyến này chủ tàu bán được 300 triệu đồng, anh hưởng lời 2% trong số đó. Tính riêng 8 tàu của anh “đầu tư” vốn cũng kiếm được bạc triệu. Chưa tính mỗi kg hải sản bình thường, anh lãi “ròng” 500 đồng/kg; riêng đối với các loại hải sản phục vụ xuất khẩu, anh “kiếm” từ 2.000 đồng – 3.000 đồng/kg.

Hai mặt

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngư dân không bán cá trực tiếp cho nhà máy cũng như tiểu thương mà phải qua “đầu nậu” là do thiếu vốn đóng tàu và thiếu chi phí cho mỗi chuyến biển như: mua xăng dầu, gas, nước đá... Biết rõ điều đó, “đầu nậu” sẵn sàng cho ngư dân mượn tiền mà không cần tính lãi, ngược lại ngư dân phải bán cá cho họ, giá cả do họ quy định. Vậy là giữa “nậu” và ngư dân có một bản “hợp đồng” vô hình bắt buộc ngư dân phải bán cá cho “nậu”; bù lại, “nậu” cho ngư dân mượn tiền đóng tàu, tiền phí tổn mỗi chuyến biển. Các đầu nậu thường liên kết với nhau để thống nhất giá nên rất khó đem cá đi bán nơi khác. Ngoài ra, những lúc tàu về bến nhiều, “nậu” muốn mua bao nhiêu là quyền của họ. Khi đó, ngư dân không thể không bán vì hải sản không thể để lâu...

Ngoài ra, nếu bán cá cho nhà máy, lượng hàng ít thì bán trong 1 ngày, nhiều thì xếp hàng, theo thứ tự mất vài ngày. Bán xong mới lấy phiếu đã bán hàng. Nhanh nhất 10 ngày, chậm nhất là 20 ngày “nậu” mới lấy được tiền. Bởi vậy, “nậu” thường phải có lượng tiền dự trữ để đưa cho ngư dân ngay trong vòng 2 - 3 ngày để họ lo phí tổn đi chuyến mới. Thế nên, ngư dân thường bán cá cho “nậu” để có thời gian, có tiền lo cho chuyến biển mới.

Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết, lâu nay đã hình thành mối liên kết giữa đầu nậu và ngư dân theo phương thức chủ nậu cho ngư dân vay tiền mua sắm ngư cụ, đầu tư phí tổn để ra khơi, khi ngư dân khai thác hải sản về phải bán lại cho chủ nậu, trong đó ngư dân không cần thế chấp, không phải chịu lãi suất. Nhìn bề ngoài tưởng chừng có lợi cho ngư dân, nhưng thực tế thì việc mua bán không thực hiện theo nguyên tắc thị trường bình thường.

Ông Lĩnh cho rằng, hiện nay, ngoài việc ngư dân phụ thuộc đầu nậu bởi các vấn đề tài chính thì việc ngư dân bán cá cho đầu nậu bởi tâm lý ngư dân khi lên bờ là muốn bán cá liền vì sợ để lâu sẽ bị hư do khâu bảo quản yếu. Dịch vụ hậu cần nghề cá hiện nay chưa bảo đảm để cho ngư dân làm được việc này nên phải thông qua nậu.

Ông C.V.M, chủ “nậu” nhiều năm chuyên thu mua cá của gần chục chiếc tàu ở Âu thuyền Thọ Quang phân trần: “Tụi tui đầu tư hàng trăm triệu cho ngư dân đóng tàu thì kiếm lời chút đỉnh bằng cách ăn chênh lệch giá. Ngư dân bán cá giá thấp hơn cho tụi tui cũng đúng vì nếu tính chi phí họ vay ngoài thị trường thấp nhất cũng 4 - 5%/tháng rồi. Tuy nhiên, khi nào cần tiền, ngư dân lại đến mượn là tui cho ngay mà không cần giấy tờ thủ tục gì. Lỡ họ có rủi ro gặp nạn chuyến biển mất trắng thì coi như tụi tui cùng chịu chung, chia sẻ với họ và tiếp tục cho họ vay để đi chuyến mới”. Theo ông M., chấp nhận chịu rủi ro theo mỗi chuyến biển là điều mà không có ngân hàng hay công ty nào dám làm, bởi vậy, “nậu” mới có “đất” sống.

Theo nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản thì thu mua hải sản qua “nậu” cũng có nhiều tiện ích. Đại diện một doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Đà Nẵng cho biết: “Công ty chúng tôi rất khó thu mua sản phẩm trực tiếp từ ngư dân vì hầu hết họ đều bán cho đầu nậu. Hơn nữa, mua của đầu nậu tiện hơn nhiều bởi họ đã phân loại, chọn lọc kỹ và bảo đảm có hàng thường xuyên với số lượng lớn; nếu không rất dễ “bể” hợp đồng xuất khẩu đã ký kết”.

Tuy vậy, do phụ thuộc vào chủ nậu nên nếu chủ nậu quay lưng thì doanh nghiệp bị “đói” nguyên liệu và điều này đã xảy ra tại không ít đơn vị. Còn ngư dân vì quá phụ thuộc vào “nậu” nên “mù mờ” thông tin về thị trường, giá cả và không có quyền mặc cả về giá cho sản phẩm của mình.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng cho rằng dù còn nhiều hạn chế nhưng trong điều kiện hệ thống hạ tầng nghề cá còn lạc hậu, phần lớn ngư dân có trình độ học vấn thấp thì việc mua bán hải sản qua hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp là điều vô cùng khó khăn. Do vậy, trước mắt vẫn chưa thể phủ nhận vai trò trung gian của các chủ nậu mà phải củng cố lại mối quan hệ giữa các bên trên cơ sở tôn trọng và cùng chia sẻ lợi ích.


Có thể bạn quan tâm

Thời Tiết Thuận Lợi, Ngư Dân Khôi Phục Diện Tích Nuôi Nghêu Thời Tiết Thuận Lợi, Ngư Dân Khôi Phục Diện Tích Nuôi Nghêu

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, tình hình nuôi nghêu trên biển Tân Thành năm nay thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt gây thiệt hại nặng cho địa phương như các năm vừa qua.

18/06/2014
Thả Tép Ra Đồng Thả Tép Ra Đồng

Lần theo địa chỉ được anh bạn giới thiệu, tìm về đúng khóm Tây Khánh 7, phường Mỹ Hòa (Tp. Long Xuyên, An Giang), chúng tôi hỏi thăm suốt dọc đường mà nghe tên ông Ba Kim ai cũng lắc đầu ngơ ngác. Nhưng chỉ cần “quá bộ” vài bước xuống cánh đồng ngay kế lộ, thì người nào cũng biết và nhiệt tình chỉ đường về “trại tép Ba Kim”.

18/06/2014
Sản Lượng Thủy Sản Ước Tăng Hơn 1 Nghìn Tấn Sản Lượng Thủy Sản Ước Tăng Hơn 1 Nghìn Tấn

Nơi có sản lượng đạt cao là Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên do nông dân đầu tư mở rộng diện tích nuôi thâm canh; công tác kiểm soát chất lượng thức ăn thủy sản, giống và phòng chống dịch bệnh trên cá được chú trọng đã hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi.

18/06/2014
Dầu Tiếng (Bình Dương) Nỗ Lực Đưa Ngành Chăn Nuôi Phát Triển Ổn Định Dầu Tiếng (Bình Dương) Nỗ Lực Đưa Ngành Chăn Nuôi Phát Triển Ổn Định

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của huyện Dầu Tiếng có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp khá lớn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện. Cùng với việc phát huy thế mạnh chăn nuôi trong nông nghiệp, hiện Dầu Tiếng (Bình Dương) đang tập trung phát triển ngành này theo hướng công nghiệp.

18/06/2014
Hội Nông Dân Yên Đồng Thực Hiện Mô Hình Sản Xuất Rau An Toàn Hội Nông Dân Yên Đồng Thực Hiện Mô Hình Sản Xuất Rau An Toàn

Với diện tích canh tác trên 740ha; trong đó đất 2 lúa có 445ha, đất chuyên màu trên 293ha, Yên Đồng là một trong những xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của huyện Ý Yên (Nam Định). Triển khai chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất rau an toàn của Hội Nông dân (HND) tỉnh từ năm 2009, HND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 150ha đất 2 lúa ở các cánh đồng thôn Cốc Dương, An Trung sang trồng rau sạch nhằm tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.

18/06/2014