Vất Vả Chống Nóng Cho Vật Nuôi
Liên tiếp trong những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng đã “dội” xuống miền Bắc khiến việc sản xuất, sinh hoạt của nông dân gặp vô vàn khó khăn. Phóng viên báo NTNN đã ghi nhận tình hình này ở một số địa phương.
Đầu tư bạc triệu chống nóng cho vật nuôi
Tại Hà Nam, trong 2 ngày 22 và 23.5 liên tiếp đón nhận những đợt nắng nóng “kinh hoàng”, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 42 – 44 độ C. Ông Đỗ Đức Diện – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thủy sản Hà Nam cho biết: “Đến nay tuy chưa có thiệt hại gì cho cây trồng và vật nuôi, song chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tìm cách chống nóng cho cây trồng, vật nuôi, cụ thể đối với gà lợn, có thể dùng hệ thống phun mưa, cây trồng có thể dùng lưới tản nhiệt, tưới nước vào sáng sớm”.
Có mặt tại các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Kim Bảng, nơi tập trung nhiều trang trại chăn nuôi lợn, gà của tỉnh Hà Nam, chúng tôi nhận thấy việc chống nóng của bà con “nóng” hơn bao giờ hết.
Anh Trần Thế Toàn - chủ trang trại đang nuôi hơn 20 lợn nái và gần 300 lợn thịt ở Lý Nhân cho biết: “Để phòng những đợt nắng nóng, tôi đã đầu tư một hệ thống phun mưa bằng máy bơm hơn 30 triệu đồng và tăng cường thêm quạt cây, quạt treo tường. Nhờ có giàn phun này mà nhiệt độ trong chuồng giảm xuống khoảng 5 – 7 độ C so với ngoài trời, với ngưỡng này lợn vẫn khỏe và phát triển tốt”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các hộ chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô lớn đều áp dụng biện pháp phun mưa, che bạt, lưới tản nhiệt cho chuồng nuôi. Anh Nguyễn Văn Thắm - một chủ trang trại nuôi gà Móng “Sách đỏ” ở xã Tiên Phong (Duy Tiên) lo lắng: “Với nhiệt độ này, gà trưởng thành thì không đáng ngại, lo ngại nhất là gà mới nở hoặc trứng đang ấp, chuẩn bị ấp. Nếu không kiểm tra nhiệt, bảo quản tốt rất dễ bị hỏng, mà chi phí thì tăng thêm 10 – 15% tiền điện, nước”.
Anh Tống Văn Bính- người nuôi bò sữa ở thôn Hoàn Dương, xã Mộc Bắc (Duy Tiên) ngao ngán nói: “Bò sữa có thân nhiệt nóng hơn bò ta rất nhiều, nó chỉ thích hợp với ngưỡng nhiệt 35 – 37 độ C, nhiệt độ như hiện nay nếu không có biện pháp chóng nóng thì rất nguy hiểm.
Nhiều người cứ nghĩ nóng thì phun nước tưới cho bò, nhưng làm thế là hỏng ngay, bò rất dễ bị cảm. So với những ngày thường, lượng sữa của đàn bò nhà tôi cũng giảm khoảng 20% do bò nóng không ăn được, khó hấp thụ để tiết sữa”.
Gia cầm giảm sút tốc độ tăng trọng
Bà Phan Thị Hạnh ở bản Rừng Dài, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế (Bắc Giang) đang nuôi tới 30.000 con gà, nhưng hiện tại đã giảm xuống chỉ còn 5.000 gà và 50 con lợn vì thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh rất dễ xảy ra. “Thời tiết năm nay thật khắc nghiệt với người chăn nuôi, những tháng đầu năm thì mưa phùn suốt, gia cầm phải nhốt ở trong chuồng vì sợ ướt lông sẽ chậm lớn.
Sang tháng 5 thì lại nắng như chảo lửa, gia cầm thả ra ngoài cũng chỉ đứng ở gốc cây há mỏ ra thở. Hiện gia cầm đã giảm ăn khoảng 40% tổng lượng thức ăn trong ngày và tăng cân rất chậm, nuôi 8 ngày mà chưa tăng được 100g. Ngày nào cũng phải tăng cường thêm thuốc bổ, vitamin để tránh cho gà khỏi mắc dịch, bệnh, nên chi phí cũng tăng thêm” - bà Hạnh cho biết.
Ông Đinh Sỹ Chung – chủ trang trại gà đẻ ở Yên Sơn (thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) cho biết, thời tiết nắng nóng khiến cho tỷ lệ gà giảm ăn từ 5-7% và tỷ lệ đẻ trứng cũng giảm 10%. Trong cả quý I/2014, giá trứng chỉ dao động quanh 1.000 – 1500 đồng/quả nên nhiều hộ chăn nuôi gà công nghiệp đẻ trứng đã phải treo chuồng.
Hiện số lượng người chăn nuôi gà đẻ trứng đã giảm đáng kể nên giá trứng bắt đầu tăng lên 1.800 đồng/quả, nếu tiếp tục nắng nóng kéo dài, người nuôi gà đẻ nhỏ lẻ cũng sẽ giảm đàn, chắc chắn giá trứng sẽ còn tăng. Để chống nóng cho gia cầm, ông Chung cho hay, trang trại của ông đã phải đầu tư hệ thống làm mát theo thiết kế của Thái Lan nên nhiệt độ trong trang trại gà luôn thấp hơn ở ngoài trời từ 8-10 độ C.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Quý Khiêm – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi quốc gia) cho biết, với nhiệt độ nắng nóng như hiện nay thì chắc chắn là chăn nuôi sẽ gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng của gia cầm sẽ giảm đi, gia cầm sinh sản cũng kém hơn và tỷ lệ chết cũng sẽ tăng cao hơn so với những thời điểm thời tiết mát mẻ.
Tuy nhiên, theo ông Khiêm, nếu có biện pháp chống nóng phù hợp sẽ vẫn duy trì và phát triển được đàn gia cầm. Cụ thể, trước khi chăn nuôi gia cầm phải tính tới xây dựng chuồng trại chống nóng và chống lạnh cho gia cầm. Nếu có điều kiện phải đầu tư hệ thống làm mát hoặc hệ thống phun mưa trên mái nhà hoặc hệ thống quạt hút gió; đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ...
Ổn định cung cấp điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 23.5 cho biết sẽ đảm bảo ổn định cung cấp điện trong thời gian nắng nóng mặc dù công suất và phụ tải tăng cao. Do có sự chuẩn bị kỹ càng của ngành điện, nên hệ thống điện cả nước vẫn được vận hành an toàn, ổn định và liên tục.
Bà Nguyễn Hoàng Anh- Phó Chánh văn phòng Tổng Công ty Điện lực TP.Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, hiện lưới điện Hà Nội đang vận hành an toàn, ổn định do các đơn vị đã lường trước tình hình phụ tải trong mùa nắng nóng để chủ động xây dựng, nâng cấp, cải tạo.
EVN HANOI sẽ không cắt điện sửa chữa nâng cấp lưới điện khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao trên 35 độ C, đồng thời các công ty điện lực đã bố trí trực tăng cường nhân lực, đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định cho khách hàng. Ông Nguyễn Thành - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVN CPC) cho hay, hiện tại các đơn vị thuộc EVN CPC vẫn đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt.
Còn theo EVN TP.HCM, có những thời điểm công suất cao nhất của toàn thành phố đã lên tới hơn 4.200MW, phụ tải tăng trên 6%. Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC cho biết, những ngày vừa qua, hầu như TP.HCM không ghi nhận bất sự một sự cố nào làm gián đoạn cung cấp điện. Mai Hương
Có thể bạn quan tâm
Với tổng diện tích trên 2.000 ha nhãn trong tỉnh Tây Ninh, nếu bị dịch chổi rồng tấn công sẽ ảnh hưởng nặng nề đến năng suất mùa vụ tới.
Chất lượng nhãn Idor không thua kém nhãn da bò. Giống nhãn Idor hạt nhỏ, cơm dầy và giòn, ít nước, độ ngọt vừa nên thị trường tiêu thụ mạnh.
Quýt đường là loại cây được trồng phổ biến tại nhiều vùng trong tỉnh An Giang. Tuy nhiên, đối với nông dân ở xã Hòa An (Chợ Mới), cây quýt đường vẫn còn khá mới mẻ. Lợi nhuận hấp dẫn mà quýt đường đem lại từ những hộ tiên phong trồng ở địa phương đang khẳng định đây là loại “cây kinh tế” lý tưởng.
Mục tiêu chiến dịch nhằm tiếp tục thông tin, tuyên truyền tình hình dịch hại và các biện pháp phòng trị, giảm thiểu thiệt hại, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất của cây nhãn
Người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái dùng phương pháp thủ công thụ phấn chéo cho hoa bưởi, tỷ lệ bưởi đậu quả đến 95%.